Năm 2022, giải quyết 2.908 trường hợp nuôi con nuôi trong nước

07/03/2023
Năm 2022, giải quyết 2.908 trường hợp nuôi con nuôi trong nước
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi, công tác phối hợp liên ngành trong giải quyết việc nuôi con nuôi đã đổi mới phương thức hoạt động bằng cách lấy quyền trẻ em, trẻ em làm trung tâm trong triển khai thực hiện mọi nhiệm vụ.
Theo đó, hiệu quả của sự đổi mới này được đánh dấu bằng những kết quả đáng ghi nhận. Như: Thể chế trong lĩnh vực nuôi con nuôi tiếp tục được nghiên cứu, xây dựng nhằm hoàn thiện quy định pháp luật, cụ thể hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực trẻ em, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác nuôi con nuôi, qua đó, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất của những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Nguyên tắc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước đã được chú trọng triển khai thực hiện và bước đầu phát huy hiệu quả, theo đó, số lượng trẻ em được giải quyết làm con nuôi trong nước được tăng dần qua từng năm. Năm 2022, trên toàn quốc đã giải quyết 2.908 trường hợp nuôi con nuôi trong nước (tăng 587 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021).
Công tác con nuôi nước ngoài đã có dấu hiệu khởi sắc với số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được giải quyết làm con nuôi tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái với tỷ lệ tăng là 6,25%. Chất lượng thẩm định hồ sơ cũng tiếp tục được nâng lên, từ kết quả thẩm định hồ sơ trẻ em, hồ sơ cha mẹ tới việc lựa chọn gia đình thay thế thích hợp, phù hợp với nguyện vọng của trẻ em, bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ.
Quy trình giao nhận con nuôi nước ngoài trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 do Bộ Tư pháp đã chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để cha mẹ nuôi nước ngoài được chủ động nhập cảnh Việt Nam để giao nhận con nuôi, bảo đảm công tác nuôi con nuôi nước ngoài được thông suốt, an toàn, hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch theo quy định và trên hết là vì lợi ích tốt nhất của trẻ.
Cùng đó, các cơ quan tư pháp địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong tuyên truyền, phổ biến Công ước La Hay năm 1993, Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành; các nhiệm vụ có liên quan đến công tác nuôi con nuôi được xác định tại Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021- 2030; Chương trình công tác xã hội giai đoạn 2021-2030... với nhiều hình thức đa dạng
Cụ thể, biên soạn tài liệu, tập huấn về nguyên tắc bổ trợ trong giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài và công tác giới thiệu trẻ em cho gia đình nhận nuôi theo Công ước La Hay năm 1993; duy trì thông tin trên Trang thông tin nuôi con nuôi (phiên bản Việt và Anh)... Một số địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác nuôi con nuôi (Như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hải Dương, Phú Thọ, Khánh Hoà, Cần Thơ).
Mặc dù số lượng hồ sơ giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài vẫn còn hạn chế do những tháng đầu năm 2022, Việt Nam và các nước vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng số lượng trẻ em được giải quyết làm con nuôi nước ngoài đã có xu hướng tăng lên so với năm 2021, đồng thời đã có sự cải tiến rõ rệt về chất lượng và tiến độ, cụ thể, đã giải quyết 143 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài (tăng 08 trường hợp so với năm 2021).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số địa phương không quan tâm thực hiện việc đánh giá nhu cầu của trẻ em để chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế, trong đó có nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật, trong khi còn số lượng lớn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vẫn được nuôi dưỡng tập trung lâu dài ở các cơ sở trợ giúp xã hội.
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và để tăng cường hiệu quả công tác nuôi con nuôi trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Công ước La Hay năm 1993, Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn triển khai thực hiện công tác xã hội và dịch vụ hỗ trợ trong giải quyết việc nuôi con nuôi nhằm thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến công tác nuôi con nuôi được xác định tại Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021- 2030; Chương trình công tác xã hội giai đoạn 2021-2030; thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em theo tinh thần Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa XIV.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi, đẩy mạnh hoạt động liên ngành nhằm tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong công tác rà soát, đánh giá nhu cầu cần tìm gia đình thay thế của trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả cho hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi con nuôi; đổi mới công tác truyền thông, tập trung nâng cao nhận thức quyền trẻ em được sống trong môi trường gia đình thông qua các hình thức chăm sóc thay thế, trong đó có nuôi con nuôi; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Trung ương về con nuôi quốc tế.
 
Thanh Trà