Nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam trong hoạt động hợp tác về tư pháp quốc tế

07/03/2023
​Qua 14 năm thi hành triển khai Luật Tương trợ tư pháp (TTTP), công tác Điều ước quốc tế (ĐƯQT) về TTTP trong cả 04 lĩnh vực đã đi vào nề nếp, nghiêm túc và thống nhất quy trình thủ tục đàm phán, ký kết được quy định tại Luật điều ước quốc tế năm 2016. Đặc biệt, Luật TTTP đã đem lại cơ sở pháp lý trong nước giúp cho việc đàm phán các Hiệp định TTTP được thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ giữa trong nước với ĐƯQT.
Thúc đẩy hoạt động hợp tác trong lĩnh vực TTTP
Số lượng các điều ước được đề xuất đàm phán, ký kết ngày càng tăng trong tất cả 04 lĩnh vực TTTP: dân sự, hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Những kết quả này đã góp phần trực tiếp hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thực hiện chủ trương “Tiếp tục ký kết Hiệp định TTTP với các nước khác, trước hết là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các nước có quan hệ truyền thống” của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến 2020 và Kết luận số 92-KL/TW ngày 2/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW  ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến 2020.
Các Hiệp định, thỏa thuận về TTTP được ký kết và đi vào thực hiện đã tạo cơ sở pháp lý góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động hợp tác trong lĩnh vực TTTP giữa Việt Nam với các nước. Hợp tác quốc tế đa phương đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế vào tháng 4//2013 đã đánh dấu một bước phát triển mới về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp quốc tế của Việt Nam mà TTTP là một nội dung quan trọng. 
Cùng đó, việc gia nhập Hội nghị La Hay và tham gia 02 Công ước cũng thể hiện bước tiến trong xây dựng thể chế pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài, tăng cường hợp tác quốc tế về TTTP, góp phần xây dựng và nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam trong hoạt động hợp tác về tư pháp quốc tế ở cấp độ toàn cầu, tạo cơ sở pháp lý quốc tế toàn diện cho hoạt động TTTP trong lĩnh vực dân sự. 
Có thể nói, các ĐƯQT là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động hợp tác TTTP giữa các nước. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành đẩy mạnh việc ký kết, gia nhập các ĐƯQT về TTTP. Theo đó, kể từ khi Luật TTTP có hiệu lực, trong lĩnh vực dân sự đã ký 6 Hiệp định song phương và tham gia 02 ĐƯQT đa phương; lĩnh vực hình sự đã ký 14 Hiệp định song phương và hoàn thành thủ tục đề xuất ký 04 Hiệp định; lĩnh vực dẫn độ đã ký 13 Hiệp định song phương và hoàn thành thủ tục đề xuất ký 01 Hiệp định; lĩnh vực chuyển giao người bị kết án phạt tù đã ký kết 15 Hiệp định song phương và hoàn thành tủ tục đề xuất ký 01 Hiệp định.
Tăng cường tổ chức thực hiện tốt công tác TTTP
Các Bộ, ngành vẫn đang đẩy mạnh việc đàm phán, đề xuất đàm phán nhiều Hiệp định song phương với các nước trong khu vực và những nước có đông người Việt Nam sinh sống. Bên cạnh đó, việc rà soát tình hình thực thi các ĐƯQT, thông tin cho phía nước ngoài về đơn vị đầu mối trực tiếp thực hiện Hiệp định và thúc đẩy cơ chế trao đổi giữa các đơn vị đầu mối trong một vài năm gần đây đã được các bộ, ngành quan tâm thực hiện, dần dần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và tạo thuận lợi cho việc xử lý các yêu cầu cụ thể của mỗi bên. 
Qua 14 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật TTTP và các văn bản hướng dẫn hiện nay chưa dự đoán hết được bước phát triển và tốc độ ứng dụng nhanh của khoa học kỹ thuật, chưa tạo ra khuôn khổ pháp lý mở sẵn sàng cho việc thực hiện tốt các cam kết quốc tế của Việt Nam, cũng như đảm bảo tính tương thích với các chuẩn mực quốc tế tạo thuận lợi cho việc đàm phán, tham gia các ĐƯQT song phương và đa phương.  
Độ bao phủ của các ĐƯQT của Việt Nam về TTTP còn hẹp đặc biệt ở giai đoạn đầu khi Luật TTTP mới được ban hành nên chưa tạo ra được các cơ sở pháp lý quốc tế đầy đủ trong xử lý các vụ việc cụ thể. Hoạt động rà soát và định kỳ đánh giá kết quả thực hiện các hiệp định về TTTP mới chỉ được thực hiện bước đầu với số lượng ít. Bên cạnh đó, việc thiết lập cơ chế liên hệ trực tiếp giữa các cơ quan đầu mối thực thi hiệp định của phía Việt Nam và nước ngoài để hỗ trợ cho quá trình thực thi Hiệp định chưa triển khai đều ở tất cả các hiệp định. 
Những khó khăn, vướng mắc này chủ yếu do chưa xây dựng được cơ chế phối hợp thường xuyên giữa cơ quan Trung ương thực thi ĐƯQT song phương để định kỳ rà soát, kiểm điểm tình hình thực hiện, kịp thời trao đổi những vướng mắc trong thực tiễn triển khai cũng như đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các yêu cầu cụ thể qua đó nâng cao tỷ lệ kết quả UTTP.
Hiện nay tình hình quốc tế, khu vực chuyển biến nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp, do đó cần tiếp tục tăng cường tổ chức thực hiện tốt công tác TTTP và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế và thực thi pháp luật, ĐƯQT về TTTP, nhất là tăng cường cơ chế phối hợp giải quyết những yêu cầu TTTP trong hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù nhằm đưa công tác TTTP đi vào chiều sâu, có nội dung thực chất và hiệu quả. 
Tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch thực thi ĐƯQT về TTTP nhất là các ĐƯQT đa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường nghiên cứu, đề xuất đàm phán, ký kết, gia nhập các ĐƯQT về TTTP, trọng tâm là với các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước có quan hệ truyền thống, các nước láng giềng, các nước có đông người Việt Nam sinh sống, các nước có quan hệ hợp tác kinh tế - đầu tư phát triển với nước ta; tăng cường thực thi các ĐƯQT về TTTP đã có hiệu lực…
Thiên Thanh