Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030

17/11/2022
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”. Theo mục tiêu của Đề án, phấn đấu đến năm 2030, hàng hóa Việt Nam sẽ có mặt tại các chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại tất cả quốc gia có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.
Đề án đưa ra 10  nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:
Hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường
a) Thường xuyên cập nhật thông tin về nhu cầu, xu hướng phát triển của thị trường thế giới và các chuỗi cung ứng quốc tế;
b) Cung cấp thông tin, phổ biến chính sách của các nhà phân phối đến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước để kịp thời nắm bắt, có những điều chỉnh cần thiết, nhằm đáp ứng tiêu chí, yêu cầu để trở thành nhà cung ứng cho các mạng phân phối nước ngoài;
c) Phối hợp với các tập đoàn phân phối nước ngoài xây dựng, cập nhật các bộ tài liệu về quy trình lựa chọn sản phẩm và doanh nghiệp cung ứng, cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm xuất khẩu, nhằm hướng dẫn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam áp dụng các quy trình sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp hàng hóa đáp ứng yêu cầu chất lượng của các mạng phân phối nước ngoài;
d) Xây dựng Mạng lưới chuyên gia tư vấn xuất khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trao đổi, tìm hiểu thông tin và nhận được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp từ các chuyên gia về thị trường, xuất khẩu, marketing, xây dựng thương hiệu;
đ) Xây dựng, duy trì và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin trực tuyến về ngành hàng và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng:
- Phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành hàng và các doanh nghiệp Việt Nam;
- Phối hợp với các Cơ quan Thương vụ Việt Nam, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành hàng và doanh nghiệp phân phối nước ngoài;
- Phát triển các công cụ khai thác, phân tích, chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông qua đó có thể truy xuất thông tin theo nhu cầu phục vụ công tác phân tích thị trường, kết nối doanh nghiệp.
e) Duy trì Cổng thông tin trực tuyến của Đề án và các kênh thông tin trên nền tảng số khác với vai trò là công cụ phổ biến thông tin thị trường, tư vấn trực tuyến cho các doanh nghiệp, tiếp cận các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, qua đó đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ và thường xuyên, tạo diễn đàn hiệu quả cho việc kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu và tập đoàn phân phối nước ngoài.
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực cung ứng cho thị trường nước ngoài
a) Đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và yêu cầu của mạng phân phối;
b) Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng những yêu cầu, quy định, tiêu chuẩn chất lượng của mạng phân phối nước ngoài thông qua các chương trình đào tạo, phổ biến thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, nhất là các công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh;
c) Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, cung ứng cho mạng phân phối nước ngoài thông qua những hình thức phù hợp với thực tế;
d) Hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp, tăng khả năng quản lý/kiểm soát rủi ro, tính hiệu quả của doanh nghiệp trước những khó khăn, thách thức trong bối cảnh hiện nay;
đ) Xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn sản xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển; tổ chức sản xuất hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường và các tập đoàn phân phối;
e) Hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng được các chứng chỉ tiêu chuẩn về sản xuất theo tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu nói chung và Tập đoàn phân phối nói riêng.
Hỗ trợ doanh nghiệp từng bước thích nghi, chuyển đổi sản xuất đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững
a) Hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu xanh - sạch: đẩy mạnh các hoạt động nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong việc tự chủ nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chủ động phát triển nguồn nguyên liệu xanh, sạch để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu;
b) Khuyến khích chuyển đổi năng lượng, tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất: nâng cao ý thức doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, sử dụng công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, thân thiện môi trường; thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng theo hướng nâng cao nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong sản xuất. Tương lai, đây sẽ là một ưu thế cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu sang các quốc gia phát triển hoặc quốc gia đã tham gia cam kết tại Hội nghị COP 26;
c) Thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất: tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất (đặc biệt là những ngành nông thủy sản) nhằm hướng đến quá trình sản xuất hợp lý, tiết kiệm và thân thiện với môi trường;
d) Khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo (đặc biệt là ngành chế biến nông lâm thủy sản), liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu và với các tập đoàn phân phối.
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới
a) Đẩy mạnh các hoạt động nâng cao ý thức của doanh nghiệp Việt Nam về chuyển đổi số và thương mại điện tử xuyên biên giới đặc biệt với những ngành hàng nông sản, thực phẩm, đồ gỗ, nội thất;
b) Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hệ thống phân phối dựa trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam và nước ngoài. Phối hợp với các tập đoàn thương mại điện tử xuyên biên giới trong và ngoài nước từng bước nâng cao khả năng chuyển đổi số, tập huấn kỹ năng bán hàng (bao gồm cả marketing, dịch vụ khách hàng, dịch vụ sau bán hàng...) trên môi trường số, tiến tới xây dựng và củng cố thương hiệu Việt Nam, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia hiệu quả vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu hướng tới phát triển thị trường một cách bền vững;
c) Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics phục vụ cho xuất khẩu vào các hãng phân phối trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu
a) Phối hợp với các Tập đoàn phân phối và chuyên gia tư vấn hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển từ thương hiệu của các nhà phân phối, phát triển lên thương hiệu chung (co-brand) và tiến tới phát triển thương hiệu riêng trong hệ thống phân phối;
b) Phối hợp với các mạng phân phối nước ngoài hỗ trợ phát triển các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trong hệ thống phân phối trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới;
c) Hỗ trợ Doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm tại thị trường quốc tế và phối hợp với các tập đoàn phân phối quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh sản phẩm Việt Nam.
Tổ chức các hoạt động kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài, bao gồm:
a) Tổ chức hội thảo kết nối giao thương giữa doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu với các nhà phân phối nước ngoài;
b) Tổ chức Chương trình Tuần hàng Việt Nam tại các mạng phân phối nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mang hàng hóa trưng bày, giới thiệu tại các Chương trình Tuần hàng Việt Nam theo quy định của pháp luật;
c) Tổ chức đưa doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đi khảo sát thị trường các nước nhằm nắm bắt yêu cầu thị trường và giao dịch với các nhà phân phối;
d) Tổ chức cho các tập đoàn phân phối nước ngoài tham quan, tìm hiểu tình hình sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam;
đ) Tổ chức các hoạt động kết nối với mạng lưới phân phối do doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ; các hoạt động quảng bá, tiếp thị hướng tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Tổ chức các hoạt động truyền thông
a) Truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam:
- Truyền thông về lợi ích tham gia đề án, góp phần thay đổi nhận thức và nâng cao hiểu biết của doanh nghiệp về mô hình tham gia trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài, coi đây là một kênh xuất khẩu, quảng bá sản phẩm và thương hiệu một cách hiệu quả;
- Truyền tải thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp về các tiêu chuẩn tham gia và quy trình cung ứng hàng hóa cho các mạng phân phối nước ngoài;
- Truyền thông về những hoạt động của Đề án hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với các nhà phân phối, người tiêu dùng nước ngoài;
b) Truyền thông về kinh nghiệm trong việc đưa hàng vào mạng phân phối nước ngoài:
Kinh nghiệm thành công của những điển hình doanh nghiệp đã tham gia đề án trong việc đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu thị trường, tổ chức sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, phát triển các dịch vụ phục vụ khách hàng, từ đó nâng cao doanh số bán hàng trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài.
c) Truyền thông xuất khẩu tới người mua hàng nước ngoài:
Truyền thông ra nước ngoài về hình ảnh Việt Nam là nguồn cung ứng chất lượng và đáng tin cậy... Thông qua hoạt động tuyên truyền xuất khẩu để khách hàng thấy rõ năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm của các ngành sản xuất và doanh nghiệp Việt Nam.
d) Sử dụng các công cụ truyền thông đa phương tiện, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá trực tiếp đến khách hàng.
Xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy doanh nghiệp nước ngoài xây dựng chiến lược thu mua bền vững với thị trường Việt Nam
a) Khuyến khích, hỗ trợ các tập đoàn phân phối nước ngoài đặt hiện diện thương mại (mở văn phòng đại diện, thành lập doanh nghiệp thu mua...) tại Việt Nam, hợp tác đưa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào mạng phân phối của các tập đoàn tại các nước, nhất là hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam;
b) Khuyến khích, hỗ trợ các tập đoàn phân phối đa quốc gia đã có hiện diện tại Việt Nam liên kết, hợp tác với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trong nước để phát triển nguồn hàng cho mạng phân phối toàn cầu của tập đoàn, doanh nghiệp đó, xây dựng Việt Nam thành trung tâm cung ứng của khu vực;
c) Thúc đẩy việc ký kết các thỏa thuận nhằm thiết lập khung khổ hợp tác với các tập đoàn phân phối nước ngoài với những chương trình hành động cụ thể.
Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam chủ động phát triển hệ thống đại lý phân phối tại thị trường nước ngoài để đưa hàng vào các mạng phân phối nước ngoài.