Đoàn kiểm tra Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương làm việc tại Quảng Ninh

18/07/2022
Đoàn kiểm tra Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương làm việc tại Quảng Ninh
Ngày 18/7, Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương (PBGDPL) đã làm việc với tỉnh Quảng Ninh, Thành phố Hạ Long về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022.
Đoàn kiểm tra do đồng chí Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương làm Trưởng đoàn. Tham gia thành viên Đoàn kiểm tra có đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy viên Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương cùng các thành viên là đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Ban Chính sách – Luật pháp, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Ban Tuyên giáo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và một số công chức thuộc các đơn vị chức năng liên quan.
Tham gia buổi làm việc về phía tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Quảng Ninh cùng các đồng chí lãnh đạo đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các sở, ban, ngành thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh.
 
Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Thành Cung, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã thông tin báo cáo về kết quả triển khai công tác PBGDPL, hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2021, 06 tháng đầu năm 20 và các nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022.

Theo báo cáo, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, trong công tác PBGDPL, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả 07 nhóm nhiệm vụ theo Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là về tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế trong công tác PBGDPL. Các thành viên Hội đồng đã tích cực tham mưu lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo, triển khai đúng tiến độ, bám sát hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh. Hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai toàn diện, hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh.
Nội dung, hình thức PBGDPL tiếp tục được đổi mới sâu rộng, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, từng thời điểm, thích ứng linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được tăng cường. Công tác PBGDPL đang ngày càng gắn kết hơn với hoạt động tổ chức thi hành pháp luật, góp phần đắc lực trong việc hoàn thành xuất sắc “mục tiêu kép” của tỉnh Quảng Ninh trong điều kiện vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội và triển khai các hoạt động có ý nghĩa chính trị lớn trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022. Nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả trong công tác PBGDPL đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng và phát huy như: Mô hình 02 khéo “Khéo tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên chấp hành Luật Giao thông đường bộ”, “Khéo tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đảm bảo an toàn PCCC” (Công an tỉnh); Mô hình“Mỗi ngày một câu hỏi - một đáp án đúng”, Cuộc thi “Sáng kiến, mô hình PBGDPL hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa cơ sở” (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh); Mô hình “Cặp lá yêu thương” (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội); Mô hình “Kể chuyện theo án” (Uông Bí, Tỉnh đoàn); “Phiên tòa giả định” (Bình Liêu); “Gia đình hạnh phúc, 5 không 3 sạch, địa chỉ tin cậy” (Quảng Yên)...
 
Công tác hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật cũng được tỉnh quan tâm tăng cường và đạt nhiều kết quả thiết thực. Toàn tỉnh hiện có 1.549 tổ hòa giải với 9.160 hòa giải viên; năm 2021 thực hiện hòa giải thành 1232 vụ/1548 vụ (đạt tỉ lệ 81,5%), 6 tháng đầu năm 2022 đã thực hiện hòa giải thành 429/458 vụ (đạt tỉ lệ 81,5%). Tổng kinh phí các địa phương đã thực hiện hỗ trợ cho hoạt động của tổ hòa giải và thù lao hòa giải viên ở cơ sở là 248 triệu đồng. Hằng năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đều thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, công nhận các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh. Năm 2021: có 170/177 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (có 07 đơn vị không được công nhận đạt chuẩn). Sở Tư pháp đã tham mưu triển khai kịp thời, nghiêm túc Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương đã nêu rõ những tồn tại, hạn chế như việc triển khai tuyên truyền, phổ biến một số văn bản pháp luật mới còn chậm, hiệu quả chưa thực sự rõ nét; Các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm nhiều hơn, tuy nhiên việc triển khai còn thiếu tính đồng bộ; chưa thực sự phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác này; Công tác hướng dẫn đánh giá, công nhận cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới năm 2022 còn vướng mắc.

Tại buổi làm việc, các Sở, ban, ngành chức năng của tỉnh đã thông tin, trao đổi rất nhiều thông tin thực tiễn triển khai các công tác này theo chức năng được phân công; đồng thời đề xuất một số kiến nghị để Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương chỉ đạo các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, sớm ban hành Thông tư mới thay thế các Thông tư quy định về kinh phí hoạt động PBGDPL, hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn tiêu chí huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và chuẩn đô thị văn minh; tiêu chí về tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời hướng dẫn cụ thể các địa phương triển khai nội dung về chuyển đổi số trong công tác PBGDPL.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Ngô Sách Thực đã ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua. Đồng thời, đồng chí cũng đề nghị toàn tỉnh có sự quan tâm hơn nữa để tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật; cần quán triệt, nhận thức rõ công tác PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự quan tâm phối hợp, sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội; chú trọng triển khai các nội dung PBGDPL về đất đai, giải phóng mặt bằng, PBGDPL cho ngư dân, khách du lịch, người lao động trong doanh nghiệp; PBGDPL về tín ngưỡng, tôn giáo.... Đồng thời, mong muốn các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức; ưu tiên thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, PBGDPL cho đội ngũ thực hiện PBGDPL, trong đó có báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại cơ sở, người uy tín trong cộng đồng. Ngoài ra, đồng chí cũng nhấn mạnh việc tập trung nguồn lực triển khai các hoạt động, trong đó bảo đảm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 110/2022/NQ-HĐND ngày 09/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022 – 2025.

Trước đó sáng cùng ngày, Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương cũng đã làm việc tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Nhiều vấn đề được trao đổi tại cuôc họp như việc tập trung PBGDPL tới các đối tượng đặc thù không chỉ của địa phương mà còn đối với khách du lịch, công nhân các địa phương khác đến Quảng Ninh sinh sống và làm việc. Đoàn cũng định hướng thành phố Hạ Long cần ứng dụng công nghệ thông tin để người dân chủ động tiếp cận pháp luật qua kênh truyền thông đặc biệt trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội…
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật