Chủ tịch nước chủ trì các hoạt động hoàn thiện đề án về xây dựng Nhà nước pháp quyền

15/07/2022
Chủ tịch nước chủ trì các hoạt động hoàn thiện đề án về xây dựng Nhà nước pháp quyền
Sáng 14/7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Ban Chỉ đạo với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Mặt trận là nhân tố quan trọng trong phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa
Đối với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Ban Chỉ đạo giao xây dựng hai chuyên đề, gồm chuyên đề 26 “Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, các tổ chức xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam”; chuyên đề 27 “Bảo đảm thực hiện, phát huy quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.
Tại buổi làm việc với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam,  nhắc lại lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án khẳng định, MTTQ Việt Nam là nhân tố quan trọng trong phát huy dân chủ XHCN, quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, nhất là trong công tác bầu cử, xây dựng pháp luật, giám sát, phản biện xã hội, tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân…
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao Đảng đoàn MTTQ Việt Nam nỗ lực, trách nhiệm đóng góp xây dựng dự thảo Đề án, thể hiện qua 2 chuyên đề nhánh được Ban Chỉ đạo giao nghiên cứu, xây dựng. Nhiều nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam trong 2 chuyên đề này được Tổ Biên tập tổng hợp và đưa vào dự thảo Đề án.
Tại buổi làm việc, một số vấn đề mấu chốt, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền liên quan đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam cũng được trao đổi, làm rõ. Một số vấn đề đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất ngay tại buổi làm việc.
 Đảng đoàn Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến về rất nhiều vấn đề lớn của Đề án
Chiều cùng ngày, tại Nhà Quốc hội (QH), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn QH, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đã đồng chủ trì Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Đề án.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vui mừng nhận thấy, thời gian qua, thực hiện sự phân công của Ban Chỉ đạo, Đảng đoàn QH đã triển khai rất nghiêm túc, khẩn trương, trách nhiệm, bài bản, khoa học 4 chuyên đề thuộc Đề án, gồm: Chuyên đề 09 về “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”; Chuyên đề 10 về “Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”; Chuyên đề 11 về “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của QH đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”; Chuyên đề 12 về “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”. Theo Chủ tịch nước, 4 chuyên đề này là nền tảng, có ý nghĩa lớn lao về vai trò của QH trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Đảng đoàn QH đã thành lập 4 Tiểu ban do Chủ tịch QH và các Phó Chủ tịch QH làm Trưởng Tiểu ban để trực tiếp chỉ đạo xây dựng từng chuyên đề rất công phu, chặt chẽ; tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm, tổ chức xin ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, các nguyên lãnh đạo QH, các chuyên gia, nhà khoa học với nhiều vòng, nhiều lần rất kỹ lưỡng, cầu thị. 
Chủ tịch nước đánh giá cao Đảng đoàn QH đã tập trung xây dựng 4 chuyên đề, đảm bảo tiến độ, chất lượng; nhiều nội dung được tiếp thu, đưa vào dự thảo Đề án. Đặc biệt, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ rất tâm huyết, trách nhiệm cao trong xây dựng các chuyên đề và dự thảo Đề án; các Phó Chủ tịch QH được phân công làm Trưởng Tiểu ban để trực tiếp chỉ đạo xây dựng các chuyên đề này. Trong xây dựng các chuyên đề, Đảng đoàn QH đã phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị và cầu thị tiếp thu các ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, các cơ quan của QH, các đại biểu QH  thời gian qua, nhất là nhiệm kỳ khóa XV. “Các đồng chí đã chỉ đạo kịp thời, thiết thực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế, chính sách tài khóa và giám sát tối cao, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, đặc biệt là tháo gỡ những vướng mắc về thể chế làm chậm quá trình phát triển. Tất cả chúng ta đang triển khai tinh thần “Ý Đảng, lòng dân” mà đồng chí Vương Đình Huệ đã phát biểu tại Phú Thọ”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Điểm lại các công việc của Ban Chỉ đạo trong hơn 1 năm qua, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về 13 nội dung liên quan đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH gồm: nhận thức nội hàm “QH là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của QH”; đổi mới QH theo hướng QH hoạt động thường xuyên; đổi mới, pháp luật về bầu cử; thành lập thiết chế bảo vệ Hiến pháp; hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền trưng cầu ý dân và quyền phúc quyết Hiến pháp; thành lập Ủy ban Quốc gia về quyền con người; thể chế hóa cụ thể hơn về vị trí, vai trò của Chủ tịch nước; thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia; tổ chức Tòa án, thẩm quyền xét xử không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; đổi mới tổ chức hoạt động của Viện kiểm sát; tiếp tục thu gọn đầu mối cơ quan điều tra; tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của cơ quan thi hành án; đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền trong bộ máy nhà nước.
Tại Hội nghị, sau khi nghe đại diện Tổ biên tập xây dựng Đề án trình bày một số nội dung cơ bản của dự thảo Đề án, các nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo ý kiến của Đảng đoàn QH về các nội dung này. Tiếp đó, với sự điều hành của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, các đại biểu đã tập trung thảo luận về 13 nội dung liên quan đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH./.
Mai Hà