Phê duyệt Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi

14/09/2021
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1493/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030”.

Chương trình được triển khai trên quy mô toàn quốc, thực hiện theo lộ trình, phù hợp với các Chiến lược, Chính sách đã ban hành nhằm cải thiện sức khỏe, giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi. Ưu tiên tập trung khu vực miền núi khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Áp dụng các gói can thiệp, các thực hành đã được chứng minh có hiệu quả ở trong và ngoài nước.

Nội dung cụ thể của các can thiệp bao gồm: Chăm sóc phụ nữ khi mang thai, tại cuộc đẻ và sau đẻ; chăm sóc sơ sinh: thực hiện đúng các quy trình chuyên môn đã được Bộ Y tế ban hành; chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi: Xử trí hiệu quả các bệnh lý nhiễm khuẩn, phòng chống tai nạn thương tích, khống chế bệnh dịch mới nổi và các bệnh liên quan đến tiêm chủng mới xuất hiện trở lại.
Kết hợp chặt chẽ giữa truyền thông tại cộng đồng và truyền thông, tư vấn trong hệ thống cung cấp dịch vụ y tế
Theo Quyết định, một trong các giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu là tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi. Trong đó, tuyên truyền, vận động, thay đổi nhận thức, hành vi của các nhà hoạch định chính sách, người làm công tác quản lý ở các cấp và các đại biểu dân cử để tạo môi trường xã hội thuận lợi, trong xây dựng chính sách, huy động nguồn lực, triển khai thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Huy động sự tham gia của các ban/ngành, đoàn thể, những người có uy tín trong cộng đồng, các cơ quan truyền thông đại chúng tham gia vào công tác truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, kết hợp giữa truyền thông trực tiếp với truyền thông gián tiếp, chú trọng các hình thức truyền thông hiệu quả bao gồm cả mạng xã hội để thông tin đến được nhiều đối tượng đích.
Đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi có tỷ suất tử vong trẻ em cao, chú ý sử dụng các hình thức truyền thông phù hợp với đặc điểm văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ và điều kiện kinh tế-xã hội của mỗi vùng miền, nhóm dân tộc.
Kết hợp chặt chẽ giữa truyền thông tại cộng đồng và truyền thông, tư vấn trong hệ thống cung cấp dịch vụ y tế. Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế để thực hiện nhiệm vụ truyền thông, tư vấn khi tiếp xúc với người dân đến với cơ sở y tế.
Nội dung truyền thông cần tập trung tuyên truyền, giáo dục, giải thích cho người dân thực hiện các hành vi có lợi, dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu, các hành vi có hại trong chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Thu hút cán bộ sản, nhi về công tác tại các vùng miền núi khó khăn
Giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu khác là bảo đảm nguồn lực thực hiện Chương trình.
Trong đó, xây dựng tiêu chí về số lượng bác sĩ, điều dưỡng và hộ sinh cho các đơn vị chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em theo lộ trình và tính khả thi trong thực tế; tối thiểu trung tâm y tế/bệnh viện tuyến huyện có ít nhất 1-2 bác sĩ chuyên khoa sản hoặc bác sĩ đa khoa được đào tạo định hướng chuyên khoa sản; 1 bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc bác sĩ đa khoa được đào tạo định hướng chuyên khoa nhi; các bác sĩ đang thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em được đào tạo về chăm sóc và điều trị sơ sinh bệnh lý. Bảo đảm số lượng điều dưỡng/hộ sinh đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em của địa phương.
Có chính sách thu hút cán bộ sản, nhi về công tác tại các vùng miền núi khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như chính sách thực hiện nghĩa vụ xã hội đối với các cán bộ làm việc tại các cơ sở y tế tuyến trên.
Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên ngành sản nhi cho các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, đặc biệt ưu tiên cho bệnh viện huyện vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bảo đảm đủ thuốc thiết yếu, thuốc cấp cứu và điều trị bệnh thông thường cho phụ nữ có thai và ở trẻ em dưới 5 tuổi, ưu tiên cho y tế cơ sở.
Ưu tiên và tăng cường đầu tư cho các can thiệp giảm tử vong trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 5 tuổi thông qua các cơ chế tài chính như gói dịch vụ dự phòng, nâng cao sức khỏe ở trạm y tế xã; xây dựng cơ chế tài chính nhằm hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ mang thai, người chăm sóc đưa trẻ đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Vận động nguồn lực cho triển khai nhân rộng các mô hình đã được chứng minh có hiệu quả, kinh nghiệm tốt trong chăm sóc sức khỏe trẻ em như mô hình: “Quỹ sơ sinh”, “Hỗ trợ cô đỡ thôn bản thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn tại cộng đồng”...