Xây dựng kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới

07/09/2021
Xây dựng kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới
Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2021 diễn ra vào ngày 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine bao phủ diện rộng.
Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận về một số nội dung chính: Tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 8 và 8 tháng đầu năm; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình KT-XH năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Tại phiên họp, Chính phủ cũng thảo luận về thể chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho đầu tư kinh doanh trong tình hình dịch COVID-19.
Về tình hình KT-XH tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021, Chính phủ thống nhất nhận định mặc dù chịu tác động do đại dịch COVID-19 gây ra, song kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021 tiếp tục được duy trì. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI tháng 8 tăng 0,25% so với tháng 7. Đặc biệt, các cấp, các ngành chú trọng bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân. Đến nay đã có khoảng 15 triệu lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ với tổng số tiền 8,4 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ 1,2 triệu lao động tự do với số tiền trên 2,1 nghìn tỷ đồng; có 37.000 hộ sản xuất kinh doanh được nhận hỗ trợ. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, đặc biệt là ngoại giao vaccine… 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng còn không ít khó khăn, thách thức do những tác động nghiêm trọng của dịch bệnh. Nhiều địa phương vẫn phải kéo dài thời gian giãn cách, nhiều lĩnh vực kinh tế có xu hướng giảm. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Đời sống một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm tăng...
Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng cho biết, Phiên họp diễn ra trong bối cảnh chúng ta vừa tổ chức kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, khai giảng năm học mới trong điều kiện dịch bệnh tại một số địa phương chưa được kiểm soát. Trong 4 tháng vừa qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng tới tình hình KT-XH 8 tháng, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe nhân dân, gây thiệt hại về con người, tác động tới tâm lý xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp và dịch vụ bị ảnh hưởng lớn nhất. Tuy nhiên, tình hình 8 tháng cơ bản ổn định.
Để đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2021, Thủ tướng nêu rõ trước mắt cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là yêu cầu cấp thiết để tránh tác động dài hạn đến động lực tăng trưởng của nền kinh tế, làm suy giảm, cạn kiệt sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine bao phủ diện rộng. Điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác, giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. 
Tập trung đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, cung ứng. Xây dựng tiêu chí về vùng an toàn; duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. 
Chú trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Khẩn trương đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và nghiên cứu, bổ sung chính sách an sinh xã hội mới phù hợp hơn, mở rộng đối tượng được hỗ trợ. Triển khai, tổ chức năm học mới thích ứng với tình hình dịch bệnh, bảo đảm an toàn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với nâng cao chất lượng dạy và học. 
Bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách, tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất. Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. 
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, trong đó có "ngoại giao vaccine"; thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Chú ý lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của người dân, kiến nghị của doanh nghiệp. Tăng cường quản lý, kịp thời đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc, xử lý nghiêm các vi phạm…
C.Thành