Mỗi cán bộ chiến sĩ là 1 tuyên truyền viên pháp luật
Hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực pháp chế ngành công an, Đại tá Hùng đã có gần 10 năm gắn bó công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Ông chia sẻ, công tác pháp chế của ngành công an khá rộng so với công tác pháp chế của các bộ, ngành: từ khâu tham mưu, tư vấn đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; rà soát hệ thống hóa pháp điển; cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong CAND; hợp tác quốc tế, tiếp nhận và xử lý hồ sơ dẫn độ tội phạm, bồi thường nhà nước; theo dõi kiểm tra thi hành pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính và thực hiện dân chủ của Bộ… Các mặt công tác này đều là lĩnh vực khó, khá “khô khan”, đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sĩ phải nỗ lực không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ; phải thực sự yêu ngành, yêu nghề, đam mê công việc.
Riêng Phòng 6 có số cán bộ không quá nhiều, nhưng các mảng công việc khá rộng gồm PBGDPL, theo dõi kiểm tra thi hành pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi pháp chế công an đơn vị địa phương. Phòng giữ vai trò là thành viên thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ Công an, thường trực BCĐ thực hiện dân chủ của Bộ Công an…
Ông Hùng kể: “Sự ra đời của Phòng 6 gắn liền với dấu mốc Luật PBGDPL năm 2012 được thông qua, điều đó cho thấy công tác PBGDPL được Đảng ủy công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ ngày càng chú trọng, coi đó là một biện pháp phòng ngừa xã hội trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật”.
Một trong những dấu ấn tiêu biểu là Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) năm 2014, Bộ Công an đã tổ chức phát động Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 cho cán bộ, chiến sĩ, học viên toàn lực lượng. Tổng số bài dự thi lên tới gần 270.000, trong đó nhiều tác phẩm dự thi được đầu tư công phu như xây dựng mô hình tòa nhà Quốc hội, công trình trưng bày, các công trình khoa học nghiên cứu dày công lên tới 10-18 cuốn sách… Trải qua các vòng chấm điểm, Bộ Công an đã lựa chọn một số bài thi xuất sắc nhất gửi Bộ Tư pháp và đạt một số giải chung cuộc (1 giải B, 2 giải C).
Đại tá Hùng nêu quan điểm, bất kỳ Nhà nước nào cũng phải có hệ thống pháp luật để quản trị quốc gia. Vì vậy, từ khâu ban hành văn bản, đến tổ chức thi hành, kiểm tra theo dõi thi hành pháp luật đều có vai trò rất quan trọng. Trong công tác tổ chức thi hành, PBGDPL chính là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống.
Theo ông, để làm tốt công tác PBGDPL, mỗi cán bộ chiến sĩ luôn phải nỗ lực, cố gắng học tập, nghiên cứu, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và các văn bản chuyên ngành thuộc lĩnh vực mình quản lý, phụ trách; để từ đó trở thành 1 tuyên truyền viên pháp luật theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, sống làm việc theo đúng tinh thần 365 ngày đều là Ngày Pháp luật.
Trong công tác này, khâu đầu tiên quan trọng nhất là lựa chọn đối tượng, từ đó quyết định được nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp. Ví dụ tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, ở khu vực biên giới thì tập trung về các quy định liên quan xuất nhập cảnh, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán ma túy, buôn bán người… Do đồng bào thiểu số có trình độ dân trí chưa cao, đời sống còn khó khăn nên cán bộ chiến sĩ phải đổi mới, vận dụng sáng tạo nhiều hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp như phiên dịch các nội dung tuyên truyền sang tiếng đồng bào, tuyên truyền miệng, sử dụng người có uy tín, đến tận nhà vận động bà con tham gia... Ngoài ra có thể kết hợp hoạt động tuyên truyền với việc tổ chức khám chữa bệnh miễn phí, trao quà, trao nhà từ thiện, làm hộ chiếu, căn cước công dân… để thu hút bà con tham dự.
Tuyên truyền pháp luật qua những thước phim
Với công tác PBGDPL hiện nay, theo Đại tá Hùng, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới hình thức phổ biến là một xu hướng tất yếu. Ngoài các cách thức đã được Bộ Công an triển khai đem lại hiệu quả như biên soạn tài liệu đăng tải lên Cổng thông tin điện tử; tổ chức hội nghị tập huấn cho báo cáo viên, tuyên truyền viên; sử dụng mạng xã hội, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, sân khấu hóa... thì ông cho biết, còn một hình thức nữa tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người dân, là xây dựng các clip, làm phim để lồng ghép quy định pháp luật truyền tải đến người xem.
|
Đại tá Hùng cùng tập thể Phòng 6 có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện các nhiệm vụ.
|
Ông kể: “Khi cuộc thi tìm hiểu pháp luật phòng chống, tham nhũng do Bộ Tư pháp phát động vào năm 2013, tôi được giao xây dựng một tiểu phẩm dài khoảng 15 phút để đại diện cho Bộ Công an đi dự thi. Lần đầu bắt tay vào công việc mới mẻ này, tôi khá hứng thú nhưng không khỏi lúng túng. Với sự hỗ trợ của Đoàn Nghệ thuật CAND cùng một số đồng đội, tôi đã hoàn thành kịch bản, lựa chọn diễn viên và tham gia diễn xuất một vai quần chúng. Sau hơn tháng, tiểu phẩm “Chuyện phường tôi” hoàn thành, được gửi đi dự thi và đạt giải Ba”.
Nội chung chính của tiểu phẩm kể về câu chuyện một Trưởng công an phường có vợ là giáo viên. Trên địa bàn phường có nhiều cơ sở kinh doanh phức tạp như karaoke, nhà hàng, quán bar… Mỗi lần bị kiểm tra, các chủ cơ sở kinh doanh thường tìm cách gặp Trưởng công an phường để hối lộ nhưng luôn bị kiên quyết từ chối, bị yêu cầu chấm dứt hành vi... Họ tìm cách tiếp cận người vợ của anh, và cô có lúc đã dao động.
Hoàn cảnh éo le xảy ra khi con họ ốm nặng, gia đình chưa kịp thu xếp tiền. Một người bạn của vợ mang tiền đến cho vay, người chồng linh cảm phía sau đó là động cơ gì khác. Vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Cơ quan chức năng sau đó đã làm rõ được linh cảm của vị Trưởng Công an phường là đúng. Qua tiểu phẩm, Đại tá Hùng muốn nhắn nhủ rằng người chiến sĩ CAND dù ở bất kỳ vị trí, hoàn cảnh nào cũng cần giữ gìn phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, kiên quyết nói không với vi phạm.
Sau khi Đề án “Tăng cường PBGDPL cho người đang chấp hành hình phạt tù, người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018-2021” của Chính phủ được ban hành, Bộ Công an với tư cách là cơ quan chủ trì xây dựng đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Trong đó biên soạn nhiều sách, tài liệu tập huấn. Để truyền tải một cách sinh động ý nghĩa, mục đích của Đề án, Bộ đã xây dựng một phim ngắn mang tên “Hoa về nẻo thiện”. Đại tá Hùng lại chính là tác giả của bộ phim này.
Ông chia sẻ: “Tôi lên ý tưởng, xây dựng kịch bản phải đảm bảo tội danh của nhân vật đúng với quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá, nội quy, quy định của trại giam và Nghị định quy định về tái hoà nhập cộng đồng. Làm bộ phim này, phải di chuyển liên tục giữa Hà Nội và Trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình). Mặt khác, do thời tiết đôi lúc không ủng hộ nên cả đoàn làm phim khá vất vả. Nhưng với sự cố gắng của mọi người, sau 2 tháng bộ phim được hoàn thành”.
Bộ phim xoay quanh câu chuyện một cô gái “dân xã hội” sau khi bị phạt tù, vào trại có thái độ chống đối, không hợp tác. Nhờ sự động viên, giáo dục, giúp đỡ của cán bộ quản giáo, nữ phạm nhân đã dần chuyển biến về tư tưởng, chấp hành nghiêm túc các nội quy, tích cực học hỏi công việc về nông nghiệp, may mặc và đạt kết quả xếp loại tốt, được xét đặc xá. Khi ra tù, tái hòa nhập cộng đồng, cô được các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương, công an cơ sở hỗ trợ công việc kinh doanh, trở thành một doanh nhân thành đạt.
Cô trở lại trại giam để cảm ơn lãnh đạo và cán bộ quản giáo đã giúp đỡ giáo dục, cho học nghề để có được như ngày hôm nay và đề nghị với lãnh đạo trại giam là mong muốn được giúp đỡ việc làm cho các phạm nhân khác về cơ sở sản xuất kinh doanh của mình. Bộ phim thể hiện được tính nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác đặc xá và đề cao sức mạnh của sự chung tay giúp sức của các cơ quan, đoàn thể và cộng đồng trong việc giúp đỡ người mới ra tù tái hòa nhập.
Đại tá Hùng cùng tập thể Phòng 6 đã được trao tặng nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Cờ thi đua… vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật.