Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018

29/01/2019
Ngày 21 tháng 01 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào ngày 20 tháng 11 năm 2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 (viết tắt là Luật). Để đảm bảo thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật với một số nội dung sau:
1- Rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết và hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật:
Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm: Xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết một số điều được giao trong Luật và quy định các biện pháp thi hành Luật; Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai các nội dung được giao để thực hiện Luật.
Các bộ, ngành và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị mình; sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới hoặc đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo phù hợp với Luật. Căn cứ vào kết quả rà soát, các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới hoặc đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo phù hợp với Luật.
Đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội căn cứ các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 để quy định chi tiết, hướng dẫn trong cơ quan, đơn vị, tổ chức mình.
Các tổ chức, đơn vị sự nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới chế độ, định mức, tiêu chuẩn áp dụng trong tổ chức, đơn vị mình.
2- Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Luật:
Tổ chức biên soạn tài liệu phục vụ công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng; Tổ chức thông tin, truyền thông các nội dung của Luật trên các phương tiện thông tin, truyền thông: Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì và chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp với Thanh tra Chính phủ xây dựng Chương trình, tài liệu phổ biến, tuyên truyền Luật trên báo chí, phát thanh, truyền hình và các phương tiện thông tin cơ sở. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan chủ quản báo chí trung ương, địa phương chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng chương trình, chuyên mục, trang phổ biến tuyên truyền nội dung của Luật, có tin bài phản ánh kịp thời về tình hình triển khai thi hành Luật trên phạm vi cả nước.
Tổ chức truyền thông về các quy định của Luật bằng các hình thức, nội dung phù hợp điều kiện thực tế theo từng đối tượng ở các bộ, ngành, địa phương
3- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng:
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm công tác phòng, chống tham nhũng; Các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm đưa nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống nhằm phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đối với học sinh trung học phổ thông, sinh viên, học viên và người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.