Hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam & Nhật Bản – Những chặng đường đã qua

28/01/2019
1. Bối cảnh
Từ cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, thực hiện sự nghiệp đổi mới theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã xác định rõ hội nhập quốc tế, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, tham gia tích cực, có trách nhiệm tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế; sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt. Xuất phát từ đường lối đối ngoại đó, hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp ngày càng được tăng cường, mở rộng và đi vào chiều sâu với sự đồng hành và hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, trong đó có Nhật Bản – một trong những đối tác đầu tiên có dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong lĩnh vực này.
Hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam – Nhật Bản được khởi đầu từ năm 1994 với một số hoạt động đơn lẻ và tiếp tục được đẩy mạnh với việc triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật đầu tiên vào năm 1996 do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Trong những năm tiếp theo, các cơ quan pháp luật và tư pháp của hai nước đã phối hợp chặt chẽ, tích cực triển khai nhiều hoạt động hợp tác thiết thực, hiệu quả và đi vào chiều sâu, trong đó điểm nhấn quan trọng là việc triển khai 03 Dự án JICA tiếp nối nhau hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự và kinh tế.
JICA đã thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật như "Dự án hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực pháp luật (giai đoạn 1) (1996 – 1999)" và các giai đoạn tiếp (2000 – 2003 và 2003 – 2007), với mục đích hỗ trợ các công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dân sự và kinh tế, và phát triển năng lực cho các cán bộ pháp luật thực tiễn tại các cơ quan hữu quan liên quan. Trong thời gian này, các giai đoạn của dự án nêu trên đã đạt được những thành tựu đáng kể ví dụ như Bộ luật dân sự sửa đổi (tháng 6 năm 2005), Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi (tháng 11 năm 2004), và các cuốn cẩm nang cho các cán bộ pháp luật thực tiễn, những cuốn sách này do các chuyên gia Nhật bản phối hợp với các đối tác của dự án thực hiện. Trong bối cảnh các Văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành được áp dụng thực tế, các cán bộ liên quan thường xuyên gặp khó khăn để hiểu đúng và áp dụng đúng những văn bản quy phạm pháp luật mới này, và sự cần thiết nâng cao chất lượng thực tiễn áp dụng trong tất cả các lĩnh vực, như công nhận công tác xét xử hay thực thi pháp luật. Vì vậy, "Dự án Cải cách Hệ thống Pháp luật và Tư pháp (Giai đoạn 1)" bắt đầu được triển khai từ tháng 4 năm 2007 đến tháng 3 năm 2011 với các đối tác Việt Nam là Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Liên đoàn luật sư Việt Nam (tham gia từ năm 2009). Tiếp theo giai đoạn 1, giai đoạn 2 của dự án này ("Giai đoạn 2") được thực hiện từ tháng 4 năm 2011 đến tháng 3 năm 2015 để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan hữu quan/các tổ chức trung ương nâng cao năng lực nhân sự và thể chế để nắm bắt những thách thức thực tiễn trong toàn quốc, và qua đó kết hợp những giải pháp này trong công việc của họ.
Đoàn đánh giá cuối kỳ Giai đoạn 2 đã khẳng định những kết quả đạt được nhất định trong việc nâng cao các hoạt động thực tiễn tại địa phương của các đối tác, đặc biệt trong các lĩnh vực được lựa chọn như "Khu vực hoạt động nâng cao", tại đó các cơ quan hữu quan/các tổ chức trung ương và địa phương phối hợp ăn ý để đúc kết được những thách thức trong thực tiễn và từ đó đưa ra những giải pháp cho những thách thức này. Mặt khác, Đoàn đánh giá cũng khẳng định rằng vẫn còn cách hiểu chưa thống nhất trong việc hiểu và áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật giữa cơ quan, đặc biệt là ở các địa phương. Đoàn đã chỉ ra vẫn còn cách hoàn thiện hơn nữa công tác soạn thảo và thi hành văn bản quy phạm pháp luật tại các cơ quan hữu quan tư pháp địa phương. Do vậy, để nối tiếp Giai đoạn 2, JICA đã quyết định bắt đầu dự án mới "Hài hòa hóa Pháp luật hiện hành và Thống nhất Áp dụng Pháp luật Hướng tới năm 2020 (PHAP LUAT 2020)" với mục tiêu hỗ trợ Chiến lược Cải cách tư pháp của Việt Nam dựa vào những kết quả đã đạt được của những hợp tác trước đó.
2. Những thành tựu trong quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam – Nhật Bản
Qua hơn 20 năm hợp tác và phát triển, có thể khẳng định Nhật Bản là một trong số những đối tác lớn nhất luôn hỗ trợ Việt Nam một cách tích cực và hiệu quả trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Với sự hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ các Dự án JICA, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành hữu quan của Việt Nam đã tiếp thu, vận dụng phù hợp và có chọn lọc những kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản để tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội nhiều bộ luật, luật quan trọng, “rường cột” của đất nước, trong đó dấu ấn tiêu biểu nhất là việc hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực pháp luật dân sự với việc ban hành các Bộ luật dân sự phù hợp với từng thời kỳ, tạo cơ sở cho việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Phá sản doanh nghiệp, Luật trách nhiệm Bồi thường của nhà nước…; qua đó góp phần bảo đảm sự đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn kiên trì đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình tổ chức triển khai thi hành pháp luật thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, hỗ trợ quá trình tổ chức thực hiện văn bản, tạo tiền đề cho việc chuyển hướng trọng tâm từ xây dựng sang hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật.
Trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, hơn 20 năm qua, Chính phủ, các cơ sở đào tạo luật của Nhật Bản đã cung cấp, hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ pháp luật và tư pháp của Việt Nam với việc hàng trăm tiến sỹ, thạc sỹ và cử nhân luật đã được đào tạo tại Nhật Bản, hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan pháp luật và tư pháp Việt Nam đã được tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ ở trong và ngoài nước. Nhiều người sau khi hoàn thành khóa học trở về nước đã phát huy tốt những kiến thức thu được và được bổ nhiệm giữ những vị trí trọng trách, chủ chốt của các cơ quan pháp luật và tư pháp Việt Nam.  
Những thành tựu trong hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam – Nhật Bản thời gian qua đã góp phần mình vào thành tựu chung của đất nước trong phát triển kinh tế - xã hội, cải cách pháp luật và tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền; đồng thời góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á” giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Hiện nay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, tạo nền tảng để đến sau năm 2020 sớm cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và tự tin, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế. Các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã xác định rõ là phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả đột phá chiến lược về cải cách thể chế, cải cách hành chính và cải cách tư pháp, chuyển trọng tâm từ xây dựng sang hoàn thiện pháp luật gắn với thực thi pháp luật. Điều này đặt ra cho công tác pháp luật và tư pháp một khối lượng công việc rất lớn, đầy thách thức; đòi hỏi các cơ quan pháp luật và tư pháp Việt Nam, bên cạnh việc phát huy nội lực, phải tăng cường hơn nữa sự hợp tác, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế, đặc biệt là từ Chính phủ, Bộ Tư pháp, các cơ quan pháp luật và tư pháp Nhật Bản. Trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được trong hơn 20 năm qua, các cơ quan pháp luật và tư pháp Việt Nam cần chủ động, tích cực phối hợp với phía Nhật Bản nghiên cứu, đề xuất những giải pháp, hoạt động thiết thực nhằm tạo bước chuyển mới trong quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam – Nhật Bản trong giai đoạn tiếp theo. Trên bình diện song phương, bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trực tiếp giữa các cơ quan, hai Bên cần phối hợp xây dựng dự án hợp tác cho giai đoạn sau năm 2020 với mô hình quản lý Dự án hiệu quả, nội dung phù hợp với định hướng, nhu cầu và khả năng của hai Bên. Đặc biệt, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Nhật Bản nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia về pháp luật và tư pháp có trình độ, kiến thức chuyên môn ngang tầm khu vực, đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh mới của đất nước và trước yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Trên bình diện đa phương, hai Bên cần tích cực phối hợp, thúc đẩy cùng xử lý các vấn đề pháp lý khu vực và quốc tế; hợp tác tích cực trong khuôn khổ các diễn đàn, tổ chức quốc tế đa phương về pháp luật và tư pháp mà hai nước là thành viên.
 Trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, từ những thành công của hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam – Nhật Bản hơn 20 năm qua, với sự ủng hộ của Lãnh đạo cấp cao, sự chung tay của các cơ quan pháp luật và tư pháp hai nước, quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam – Nhật Bản đang có những điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu hơn, góp phần phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, tăng cường tin cậy lẫn nhau giữa hai nước như tinh thần Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản đã được thống nhất nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Nhật Bản vào tháng 5/2018./. 
 
Hiên Lê, Vụ Hợp tác quốc tế

Hình ảnh tư liệu về các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ "Hài hòa hóa Pháp luật hiện hành và Thống nhất Áp dụng Pháp luật Hướng tới năm 2020 (PHAP LUAT 2020)" với sự tham gia của 03 Cố vấn trưởng Dự án (giai đoạn 2015 – nay)
 
 
Ảnh 1: JICA hỗ trợ Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự” ngày 10/7/2015 (Đồng chủ trì: Ông MATSUMOTO Takeshi Cố vấn trưởng Dự án JICA và ông Nguyễn Văn Sơn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp;
 
Ảnh 2: JICA hỗ trợ Bộ Tư pháp tổ chức “Tọa đàm về công tác theo dõi thi hành pháp luật” ngày 13/3/2017 (Đồng chủ trì: ông Kawanishi Hajime, Cố vấn trưởng Dự án JICA và ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục QLXLVPHC & TDTHPL);
 
Ảnh 3: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tiếp Đoàn công tác Hạ viện Nhật Bản do bà Yoko KAMIKAWA - Hạ Nghị sỹ, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp thăm và làm việc tại Việt Nam vào ngày 3/5/2017;
 
Ảnh 4: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tiếp Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo, Bộ Tư pháp Nhật bản thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 11/2016.
 
Ảnh 5: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trao Kỷ niệm chương vì những cống hiến cho sự nghiệp hợp tác tư pháp Việt Nam – Nhật Bản cho Giáo sư Saburi Haruo, Đại học Kinh tế - Nagoya và chụp ảnh chung với Đoàn vào tháng 2/2017.
Ảnh 6: Các đối tác Việt Nam và JICA Ký Biên bản giữa kỳ Dự án "Hài hòa hóa Pháp luật hiện hành và Thống nhất Áp dụng Pháp luật Hướng tới năm 2020 (PHAP LUAT 2020)" ngày 18/01/2018.