Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025

29/01/2019
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2019 phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 – 2025.
Theo đó, mục tiêu chung của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của hệ thống giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực; góp phần nâng cao chất lượng và năng suất lao động, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:
Về chất lượng sinh viên tốt nghiệp: 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra kể cả chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.
Về điều kiện bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục: Phấn đấu 100% giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên, trong đó ít nhất 35% có trình độ tiến sĩ; Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục đại học (đủ điều kiện) thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó khoảng 10% được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín; Trên 35% chương trình đào tạo được kiểm định trong nước hoặc nước ngoài, trong đó 100% chương trình đào tạo giáo viên ở tất cả các trình độ được kiểm định;
Về tự chủ đại học: Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.
Về hội nhập quốc tế: Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục đại học khai thác và sử dụng các chương trình đào tạo, học liệu mở được chia sẻ trực tuyến bởi các trường đại học có uy tín trên thế giới; Trên 70% cơ sở giáo dục đại học có hoạt động trao đổi giảng viên, sinh viên với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới; Trên 70% cơ sở giáo dục đại học có ngành đào tạo trong số 8 ngành đã được công nhận lẫn nhau trong khu vực ASEAN hoàn thành các thủ tục công nhận tương đương bằng cấp và chuyển đổi tín chỉ/học phần với các trường đại học trong khu vực; Có ít nhất 02 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 100 trường đại học tốt nhất Châu Á, 10 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 400 trường đại học tốt nhất Châu Á, 04 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.
Về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng: Trên 30% cơ sở giáo dục đại học có ít nhất 03 đề tài, chương trình hoặc dự án hợp tác với nước ngoài trong nghiên cứu khoa học hằng năm; trên 50% cơ sở giáo dục đại học thực hiện được ít nhất 02 đề tài nghiên cứu khoa học hoặc chuyển giao công nghệ cho các tổ chức trong và ngoài nước; Trên 50% cơ sở giáo dục đại học tổ chức được ít nhất 01 hội thảo quốc tế hằng năm; Có ít nhất 10 tạp chí khoa học của các cơ sở giáo dục đại học trong nước được nâng cấp đạt chuẩn của các tạp chí quốc tế trong khu vực ASEAN và thế giới.
Về chương trình đào tạo: Trên 50% cơ sở giáo dục đại học sử dụng toàn bộ hoặc tích hợp một phần nội dung chương trình đào tạo và giáo trình của nước ngoài vào các chương trình đào tạo của nhà trường; Phấn đấu 100% chương trình đào tạo có mục tiêu, nội dung được thiết kế đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động.
Đề án đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp sau:
1- Đẩy mạnh thực hiện tự chủ, đổi mới quản trị giáo dục đại học gắn với cơ chế quản lý và giám sát hiệu quả: Lựa chọn, xây dựng và vận hành hiệu quả một số mô hình quản trị đại học phù hợp với điều kiện của Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đổi mới công tác quản trị, giảm can thiệp hành chính từ các cơ quan nhà nước, bảo đảm tăng cường minh bạch, công khai; chuyển từ mô hình quản lý sang quản trị có hiệu quả; Phát huy mạnh mẽ nội lực của tất cả các đơn vị trực thuộc cơ sở giáo dục đại học. Thực hiện giải thể hoặc sáp nhập các cơ sở giáo dục đại học hoạt động không hiệu quả; rà soát và dừng tuyển sinh các chương trình đào tạo chậm đổi mới hoặc không còn đáp ứng nhu cầu của xã hội.
2-Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng và đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Tăng cường về đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý; về cơ sở vật chất, trang thiết bị; về công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục.
3- Đổi mới quản lý đào tạo, chương trình, phương pháp đào tạo: Xây dựng chuẩn đầu ra đối với tất cả các chương trình đào tạo dựa trên Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Ký kết thỏa thuận với các cơ sở giáo dục đại học có uy tín trên thế giới nhằm công nhận tương đương chương trình, tín chỉ đào tạo; Hỗ trợ và khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học đầu tư phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở các lĩnh vực ưu tiên (như công nghệ thông tin, du lịch, nông nghiệp xanh...) tạo nguồn nhân lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Xác định thời điểm và lộ trình giảm chỉ tiêu, chấm dứt đào tạo những ngành không còn phù hợp hoặc không có nhu cầu; Đa dạng hóa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với lao động đã tốt nghiệp trình độ đại học trở lên theo nhu cầu thị trường lao động. 
4- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng: Huy động các nguồn lực cho nghiên cứu khoa học và đầu tư có trọng điểm cho một số cơ sở giáo dục đại học có kết quả nghiên cứu nổi bật, tạo ra những hướng nghiên cứu mũi nhọn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam; Khuyến khích các nghiên cứu có tính ứng dụng cao, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra; đẩy mạnh chuyển giao các kết quả nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội...
5- Đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục đại học: Chú trọng tăng cường năng lực tiếng Anh cho người học thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 và tạo lập môi trường sử dụng tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục đại học; thu hút sinh viên quốc tế và giảng viên quốc tế học tập và giảng dạy; tăng cường các chương trình đào tạo được giảng dạy bằng tiếng Anh...
6- Xây dựng và triển khai Hệ thống thu thập thông tin, phân tích và dự báo cung - cầu nguồn nhân lực trình độ cao: Khảo sát, đánh giá thực trạng chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao ở Việt Nam, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao trong thời gian tới; Xây dựng Hệ thống thu thập thông tin, phân tích và dự báo cung - cầu nguồn nhân lực trình độ cao theo chuẩn đầu ra của cơ sở giáo dục đại học và chuẩn nghề nghiệp của các hiệp hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp;  Xây dựng hệ thống kết nối, chia sẻ thông tin về nguồn nhân lực trình độ cao giữa các nhà quản lý, hoạch định chính sách, cơ quan dự báo cung-cầu, các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp.
7- Xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn lực, động lực và môi trường cạnh tranh lành mạnh phát triển giáo dục đại học: Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo động lực cho giảng viên cơ sở giáo dục đại học nâng cao chất lượng đào tạo; chính sách tiền lương và chế độ làm việc của giảng viên, tạo môi trường làm việc thuận lợi để phát triển năng lực cán bộ quản lý giáo dục và giảng viên cơ sở giáo dục đại học; Hoàn thiện cơ chế đầu tư cho cơ sở giáo dục đại học theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung đầu tư xây dựng một số ngành đào tạo mũi nhọn đạt trình độ khu vực, lấy hạt nhân là các chương trình đào tạo cử nhân tài năng, chương trình chất lượng cao và chương trình tiên tiến.