Cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng

11/04/2019
Cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng
Ngày 19 tháng 11 năm 2018, Quốc hội đã thông qua Luật Chăn nuôi (Luật số: 32/2018/QH14). Luật này quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Theo đó, nguyên tắc trong hoạt động chăn nuôi như sau: Phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế các vùng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; Ứng dụng khoa học và công nghệ trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Bảo tồn, khai thác và phát triển hợp lý nguồn gen giống vật nuôi bản địa, nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm; tiếp thu nhanh tiến bộ di truyền giống của thế giới; kết hợp chăn nuôi hiện đại với chăn nuôi truyền thống; phát triển chăn nuôi phù hợp với vùng sinh thái; Xã hội hóa hoạt động chăn nuôi; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân trong phát triển chăn nuôi; bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế trong chăn nuôi; Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Chính sách của Nhà nước về chăn nuôi
Nhà nước đầu tư cho các hoạt động sau đây: Thống kê, điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi, đánh giá tiềm năng và hoạt động chăn nuôi theo định kỳ 05 năm và hằng năm; xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi; dự báo thị trường, dự trữ sản phẩm chăn nuôi phù hợp với từng thời kỳ; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong chăn nuôi; Bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm và giống vật nuôi bản địa.
Trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động sau đây: Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới tạo ra sản phẩm có tính đột phá trong chăn nuôi; nhập khẩu và nuôi giữ giống gốc; Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; xử lý môi trường chăn nuôi; phát triển các mô hình thực hành chăn nuôi tốt; di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; Xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề trong hoạt động chăn nuôi, khuyến nông chăn nuôi, trong đó ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn; Xây dựng và phát triển sản phẩm chăn nuôi quốc gia, sản phẩm chăn nuôi chủ lực, sản phẩm chăn nuôi hữu cơ; xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi quốc gia; xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, chợ đầu mối, cơ sở đấu giá để quảng bá, tiêu thụ giống và sản phẩm chăn nuôi; xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; Hỗ trợ thiệt hại về chăn nuôi, phục hồi giống vật nuôi sau thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật.
Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động trên và các hoạt động sau đây: Tổ chức chăn nuôi theo quy mô trang trại, theo chuỗi giá trị; phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất chăn nuôi; Đầu tư công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi, công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi để làm phân bón và mục đích khác; Đầu tư hoạt động bảo hiểm vật nuôi; nâng cao năng lực hoạt động thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi.
Chiến lược phát triển chăn nuôi
Chiến lược phát triển chăn nuôi trên phạm vi cả nước được xây dựng theo chu kỳ 10 năm, định hướng 20 năm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nội dung chính của chiến lược phát triển chăn nuôi bao gồm quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án và tổ chức thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi.
Hoạt động khoa học và công nghệ trong chăn nuôi
Hoạt động khoa học và công nghệ trong chăn nuôi được Nhà nước ưu tiên bao gồm: Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về chăn nuôi; Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi theo từng giai đoạn. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo từng giai đoạn. Tổ chức, cá nhân có năng lực được tham gia đề xuất, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi theo quy định của Luật này, Luật Khoa học và công nghệ và Luật Chuyển giao công nghệ.
Ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi
Công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích ứng dụng trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi. Tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong chăn nuôi được hưởng chính sách quy định tại Điều 4 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi
Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi là hệ thống thông tin liên quan đến chăn nuôi, được xây dựng thống nhất từ trung ương đến địa phương, được chuẩn hóa để cập nhật và quản lý bằng công nghệ thông tin. Nội dung cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi bao gồm: Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chăn nuôi; Cơ sở dữ liệu về giống vật nuôi, nguồn gen giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; Cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; Cơ sở dữ liệu về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; Cơ sở dữ liệu khác về chăn nuôi. Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.
Luật cũng quy định một số hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi như sau:
1- Chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.
2- Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
3- Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.
4- Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng.
5- Phá hoại, chiếm đoạt nguồn gen giống vật nuôi.
6- Xuất khẩu trái phép nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm.
7- Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
8- Nhập khẩu, kinh doanh, chế biến sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân.
9- Nhập khẩu, nuôi, phóng thích, sử dụng trái phép vật nuôi biến đổi gen, sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi biến đổi gen.
10- Sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi nhằm mục đích gian lận thương mại.
11- Thông đồng, gian dối trong thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định, công bố chất lượng, chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi.
12- Xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
13- Gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi nhằm trục lợi.
14- Cản trở, phá hoại, xâm phạm hoạt động chăn nuôi hợp pháp.