Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.
Chương trình đặt mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2025, đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 đến 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025; giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5%; giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 - 2018; đảm bảo 100% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện/giải pháp kỹ thuật trong khai thác, sử dụng phương tiện giao thông cơ giới theo hướng tiết kiệm năng lượng...
Một trong các nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình là xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam, các cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Cụ thể, thực hiện thống kê năng lượng, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về cơ sở dữ liệu năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả với các cơ sở dữ liệu khác; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, thiết bị thông minh, tích hợp trong quản lý, vận hành hệ thống sử dụng năng lượng và quản lý, điều hành giao thông vận tải; xây dựng, hướng dẫn sử dụng phần mềm trong quản lý, cập nhật dữ liệu sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với các đối tượng sử dụng năng lượng, các cơ quan quản lý năng lượng các cấp từ trung ương đến địa phương.
Nhiệm vụ chủ yếu khác của Chương trình là tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đào tạo, tăng cường năng lực cho cán bộ, các cơ quan đầu mối về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ trung ương đến địa phương trong việc tổ chức quản lý thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đào tạo, tập huấn các nội dung chuyên môn, kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, tăng cường năng lực đối với các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, các đơn vị tư vấn hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO); cập nhật, biên soạn mới tài liệu đào tạo, tài liệu kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn, phục vụ các hoạt động nâng cao năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các đối tượng khác nhau; rà soát, bổ sung, cập nhật nội dung có liên quan về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào chương trình đào tạo ngành năng lượng của các cơ sở đào tạo trong toàn hệ thống giáo dục; củng cố, tăng cường mạng lưới các tổ chức tư vấn, dịch vụ về tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn trên toàn quốc từ Trung ương đến địa phương; đầu tư và đưa vào hoạt động 2 trung tâm đào tạo cấp quốc gia về quản lý năng lượng.
Đối với cơ sở sử dụng năng lượng, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, người lao động trong đơn vị về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tổ chức các hội thảo, hội nghị hướng dẫn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, lập kế hoạch và thực hiện việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giữa các đơn vị. Đối với các tổ chức tín dụng, tổ chức đào tạo nâng cao năng lực thẩm định các dự án cho vay trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đối với các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp, đào tạo, phổ biến các sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ngoài ra, Chương trình cũng sẽ triển khai các nhiệm vụ chủ yếu: Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả./.
An Như