Phê duyệt đề án Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn

10/04/2019
Ngày 05 tháng 12 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1685/QĐ-TTg phê duyệt đề án Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm cơ cấu lại ngành du lịch nhằm khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm, thị trường, các nguồn lực, hệ thống quản lý ngành, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Phấn đấu là quốc gia trong nhóm nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Phấn đấu tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD, ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP; tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp; nâng dần tỷ lệ lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng đạt 70%. Đón và phục vụ 30 - 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa; Hệ thống sản phẩm du lịch hình thành rõ nét, đặc sắc, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và có thương hiệu, nhất là tại các khu vực động lực phát triển du lịch; năng lực đón tiếp tại các khu, điểm du lịch được nâng cao, đặc biệt trong các khu du lịch phức hợp quy mô lớn; du lịch thông minh được áp dụng rộng rãi; từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Đề án đặt ra các nhiệm vụ chủ yếu như sau:
1- Cơ cấu lại thị trường khách du lịch
Về thị trường khách du lịch quốc tế: Tiếp tục khai thác có hiệu quả các thị trường có nguồn khách lớn; Tập trung khai thác các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên; Đẩy mạnh thu hút phân khúc thị trường khách du lịch theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế như du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch sự kiện, hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch golf, du lịch ẩm thực; Tăng dần tỷ trọng khách không đi theo chương trình du lịch trọn gói, tự trải nghiệm và khám phá Việt Nam; mở rộng phát triển các thị trường tiềm năng, có lượng khách du lịch ra nước ngoài hàng năm tăng nhanh.
Về thị trường khách du lịch nội địa: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cuối tuần gắn với mục đích chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tìm hiểu văn hóa lịch sử, trải nghiệm văn hóa dân tộc, tăng cường giao lưu văn hóa; Định hướng lại thị trường khách du lịch lễ hội, văn hóa tâm linh theo hướng kết hợp hài hòa mục đích lễ hội, tâm linh với các mục đích khác, khắc phục tính thời vụ.
2- Củng cố, phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch
Ưu tiên phát triển những sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao và tăng cường trải nghiệm của khách du lịch. Tiếp tục phát triển mạnh các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo có lợi thế về tự nhiên và văn hóa, gắn với các khu vực động lực phát triển của du lịch Việt Nam: Du lịch văn hóa: Hình thành sản phẩm du lịch gắn với đẩy mạnh phát triển và trải nghiệm các loại hình văn hóa, trình diễn nghệ thuật, tìm hiểu lịch sử, tinh hoa ẩm thực, phong tục, tập quán, lối sống; Du lịch biển, đảo: Ưu tiên phát triển mạnh du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo và du lịch thể thao biển nhằm định vị Việt Nam là một điểm đến nghỉ dưỡng biển có sức hấp dẫn cao; Du lịch sinh thái: Tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng gắn với cảnh quan núi, hồ; du lịch nông nghiệp, tìm hiểu đa dạng sinh học tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên và các vùng có giá trị cảnh quan độc đáo; Du lịch đô thị: Đẩy mạnh các hoạt động vui chơi giải trí, giải trí về đêm, du lịch mua sắm, du lịch MICE, tìm hiểu và khám phá các di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng và các công trình kiến trúc độc đáo tại các đô thị. Phát triển các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng và điều kiện: Các sản phẩm du lịch sáng tạo: Đầu tư phát triển các công viên chuyên đề, tổ chức các sự kiện lớn, liên hoan văn hóa nghệ thuật, trình diễn nghệ thuật, biểu diễn thực cảnh, trình diễn ánh sáng; Các sản phẩm du lịch chuyên đề: Du lịch mạo hiểm; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp; du lịch golf; du lịch thể thao, giải trí; Sản phẩm du lịch mua sắm: Hình thành các trung tâm mua sắm hiện đại, đồng thời với hệ thống cửa hàng lưu niệm, đặc sản vùng miền, sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch; Sản phẩm du lịch cộng đồng: Trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, phong tục và tri thức bản địa, tìm hiểu ẩm thực địa phương, có sự tham gia tích cực, chia sẻ lợi ích với cộng đồng; gắn với bảo vệ tài nguyên tự nhiên và văn hóa. Đẩy mạnh sự kết nối và nâng cao chất lượng trong chuỗi giá trị của sản phẩm du lịch. Tăng cường công tác quản lý điểm đến, các khu vực động lực du lịch, bảo đảm môi trường an toàn, sạch sẽ, văn minh, thân thiện.
3- Phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý
Tăng số lượng lao động trực tiếp, chú trọng lao động lành nghề, có tính chuyển nghiệp cao. Tăng dần tỷ trọng lao động qua đào tạo, trong đố: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về quản lý du lịch gắn với nội dung ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, nhân lực quản trị cao cấp của doanh nghiệp, nhân lực điều hành các nhóm nghề, nhân lực quản lý điểm đến; Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và các kỹ năng mềm đối với lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, tăng nhanh tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng và nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ. Bảo đảm đội ngũ hướng dẫn viên du lịch am hiểu về văn hóa, lịch sử đất nước; Từng bước vận động, hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư, người dân bản địa tham gia vào lực lượng lao động, trở thành đội ngũ tuyên truyền, quảng bá du lịch, đại diện cho hình ảnh và nét dẹp của từng địa phương, từng vùng miền và của đất nước.
4- Cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch: Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cao cấp, có giá trị cao; Tập trung phát triển số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, tăng cường tính kết nối trong chuỗi giá trị du lịch. Thúc đẩy phát triển các mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh, du lịch sáng tạo, du lịch cộng đồng; Xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, hệ thống doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
5- Cơ cấu lại nguồn lực phát triển du lịch
Về nguồn lực đầu tư: Khuyến khích các hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư cho phát triển hạ tầng du lịch; Đầu tư công từ ngân sách nhà nước là vốn mồi trong phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các khu vực động lực phát triển du lịch, các khu du lịch quốc gia; phát triển nguồn nhân lực du lịch; xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam; ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động du lịch; đầu tư hỗ trợ các vùng nghèo; Đầu tư tư nhân là nguồn lực chủ yếu để phát triển hạ tầng phục vụ du lịch, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch; quy hoạch, bảo tồn, khai thác và phát triển tài nguyên; phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch chất lượng quốc tế; phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh doanh; xúc tiến, quảng bá du lịch; Huy động hiệu quả nguồn lực, tăng cường vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch.
Về nguồn lực tài nguyên: Khai thác hiệu quả các nguồn lực tài nguyên tự nhiên và văn hóa tại các địa phương, điều chỉnh hướng ưu tiên dần sang các nguồn lực tài nguyên phi vật thể để giới thiệu được nhiều giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc; Khuyến khích các nguồn lực đầu tư phát triển các loại hình du lịch sáng tạo.
Về nguồn lực khoa học công nghệ: Sử dụng hiệu quả nguồn lực khoa học công nghệ thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến, quản lý doanh nghiệp, cung cấp thông tin và giá trị trải nghiệm phục vụ khách du lịch; phát triển du lịch thông minh; Đầu tư phát triển du lịch gắn với ứng dụng khoa học công nghệ; sử dụng công nghệ xanh - sạch - tái tạo.
Về phát huy nguồn lực tổng hợp, liên ngành: Phối hợp, sử dụng hiệu quả nguồn lực tổng hợp của các bộ, ngành liên quan; tăng cường trách nhiệm các Bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, chính quyền địa phương, cộng đồng đối với phát triển du lịch.
6- Sắp xếp, kiện toàn hệ thống quản lý du lịch: Từng bước hình thành cơ chế điều phối phát triển du lịch theo các vùng du lịch đáp ứng yêu cầu liên kết phát triển du lịch; Hình thành hệ thống quản lý các khu, điểm du lịch đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; Tăng cường năng lực quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương, tập trung vào vai trò, trách nhiệm của địa phương trong quản lý môi trường du lịch, an toàn, an ninh trật tự, nhất là tại các địa phương trọng điểm du lịch.
Đề án cũng đưa ra một số giải pháp thực hiện như sau:
1- Về đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch: Đầu tư xây mới, mở rộng, nâng cấp các sân bay, cảng tàu du lịch tại các địa bàn trọng điểm và khu vực có tiềm năng phát triển du lịch; tăng cường kết nối giao thông tới các điểm đến du lịch; Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch; triển khai có hiệu quả kế hoạch mở đường bay quốc tế theo Đề án “Định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2119/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2017; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương, đa phương về hàng không dân dụng, mở rộng trao đổi thương quyền 5 trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, thúc đẩy phát triển du lịch. Từng bước mở rộng thị trường hàng không nội địa cho nhiều hãng hàng không tham gia khai thác; Tạo thuận lợi về thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp thị thực, thị thực điện tử.
2- Về cơ chế, chính sách và nguồn lực phát triển du lịch: Ban hành các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư, tạo môi trường thuận lợi thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân; ngân sách nhà nước hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, hỗ trợ phát triển du lịch tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Xây dựng cơ chế đặc thù về khai thác, bảo tồn tài nguyên du lịch, nhất là các khu du lịch quốc gia; khai thác các nguồn lực đất đai tại các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính sách hấp dẫn, cạnh tranh về đất đai, tài chính, điện, nước... cho các dự án đầu tư phát triển du lịch; Xây dựng chính sách liên kết các giá trị đầu vào của các ngành, lĩnh vực hình thành chuỗi giá trị du lịch. Thúc đẩy sự chủ động phát triển sản phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp sạch, chế biến thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng phục vụ nhu cầu du lịch; Tăng cường và sử dụng hiệu quả nguồn lực Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tính chuyên nghiệp cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; Phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin trong ngành du lịch hướng tới trình độ của khu vực và quốc tế. Xây dựng hệ thống hạ tầng viễn thông, mạng internet không dây miễn phí tại các khu, điểm du lịch và các khách sạn, nhà hàng, trung tâm dịch vụ du lịch.
3- Về phát triển nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch
Về phát triển nguồn nhân lực du lịch: Ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực cho các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vụng Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Ban hành các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; thực hiện đào tạo và chuẩn hóa nhân lực nghề du lịch; Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng cán bộ và công chức, viên chức quản lý nhà nước về du lịch và các đối tượng liên quan đến hoạt động phục vụ khách du lịch; lồng ghép các nội dung ứng dụng công nghệ hiện đại vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch; Tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch. Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và đào tạo viên du lịch; tạo điều kiện để các thành phần trong xã hội có thể tham gia phát triển nhân lực ngành du lịch, đặc biệt là thu hút các doanh nhân, nghệ nhân, lao động nghề bậc cao tham gia đào tạo. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đào tạo tại doanh nghiệp du lịch. Thúc đẩy hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực du lịch; Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cộng đồng dân cư tại các khu du lịch nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ ứng xử văn minh. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cộng đồng tham gia phục vụ du lịch.
Về phát triển sản phẩm du lịch: Có chính sách thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch quy mô lớn, chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm và khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia; Ban hành tiêu chuẩn và tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ, các điều kiện, tiện nghi phục vụ du lịch bảo đảm an toàn, an ninh, vệ sinh môi trường và phát triển bền vững; Ban hành các quy chế phối hợp khuyến khích các mô hình liên kết trong chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch.
Về xúc tiến quảng bá du lịch: Xây dựng hệ thống thông tin, thống kê về thị trường du lịch. Bố trí nguồn lực cho hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia, bảo đảm linh hoạt, liên kết chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực, các địa phương và doanh nghiệp; Tổ chức, sắp xếp lại các hội chợ du lịch trong nước bảo đảm thiết thực, hiệu quả; nâng cao tính chuyên nghiệp cho các hội chợ quy mô quốc gia, quốc tế.
4- Về đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch, tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp du lịch
Đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch: Nghiên cứu đề xuất mô hình, cơ chế điều phối, liên kết phát triển du lịch theo các vùng và các khu vực động lực phát triển du lịch; Thực hiện đánh giá tác động kinh tế của du lịch thông qua phương pháp thống kê chuyên ngành (Tài khoản vệ tinh du lịch); Rà soát, tổ chức các đơn vị quản lý khu du lịch, điểm du lịch trong cả nước với mô hình hoạt động hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của địa phương, bảo đảm năng lực quản lý và phát triển bền vững tài nguyên du lịch. Tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền địa phương; phát triển các mô hình hợp tác công - tư trong quản lý khai thác khu, điểm du lịch; Xây dựng hệ thống dữ liệu toàn diện và hiện đại của ngành du lịch, ứng dụng công nghệ hỗ trợ công tác dự báo, xúc tiến quảng bá du lịch.
Tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp du lịch: Phát huy vai trò của hiệp hội du lịch và các tổ chức nghề nghiệp liên quan đến du lịch; khuyến khích thành lập các câu lạc bộ doanh nghiệp theo nhóm ngành dịch vụ, theo thị trường, theo quy mô; Khuyến khích các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh phát triển sản phẩm du lịch cao cấp, có giá trị cao, hình thành mạng lưới văn phòng đại diện doanh nghiệp ở các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam; Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh trong phát triển du lịch. Nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ đầu tư ở mức cao nhất trong khuôn khổ pháp luật hiện hành; Hỗ trợ hoàn thiện mô hình du lịch cộng đồng đặc trưng cho các khu vực, tạo môi trường thuận lợi cho người dân tham gia kinh doanh du lịch; tiêu chuẩn hóa và hướng dẫn người dân đầu tư, kinh doanh các dịch vụ du lịch theo tiêu chuẩn; Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại trong kinh doanh du lịch; phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ hỗ trợ du khách tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ du lịch dựa trên công nghệ số. Theo dõi sự phát triển của các loại hình kinh doanh du lịch dựa trên nền tảng công nghệ để kịp thời có các biện pháp quản lý phù hợp; Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định của luật pháp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng.
5- Về xây dựng môi trường du lịch: Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục, phát động cộng đồng dân cư tích cực tham gia đóng góp xây dựng môi trường du lịch an toàn, vệ sinh, thân thiện, văn minh; Triển khai thực hiện tốt và kịp thời công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật; Thực hiện giải pháp lắp máy ghi hình cố định tại một số địa điểm có đông khách du lịch, tăng cường hiệu quả các đường dây nóng phục vụ khách du lịch; hình thành hệ thống kiểm soát an ninh, an toàn các khu, điểm du lịch kết nối với các trung tâm hỗ trợ du khách; Tiếp tục rà soát, quản lý tốt các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại tất cả các điểm tham quan du lịch trên từng địa bàn; lắp đặt đủ các biển báo; tiếp tục triển khai tốt công tác đầu tư xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, hệ thống cung cấp nước sạch tại các điểm tham quan, trạm dừng nghỉ trên địa bàn đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch tại địa phương; Đẩy mạnh triển khai phổ biến các quy tắc ứng xử văn minh du lịch tại các địa phương. Tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch; Tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch.