Ngày 17/8/2006, tại Hà Nội, Ban Xây dựng pháp luật thuộc Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ban soạn thảo đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ. Đây là một Dự luật hết sức quan trọng, đặc biệt trong điều kiện hiện nay khi vai trò của Chính phủ ngày càng giữ vị trí trọng yếu trong hoạt động quản lý nhà nước và trong mối quan hệ với các cơ quan thực hiện chức năng lập pháp và tư pháp.
Lãnh đạo Ban Xây dựng pháp luật thuộc Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Nội vụ đã chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Ban Nội chính TW, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ... và một số chuyên gia, nhà khoa học trong nước.Việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 là cần thiết
Sau khi có hiệu lực thi hành, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 đã thực hiện thành công chức năng quản lý nhà nước. Thành công lớn nhất của Luật là đã xác định được rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về kinh tế, an ninh quốc phòng, tổ chức bộ máy, công chức công vụ, văn hoá xã hội và đối ngoại...
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành, các quy định của Luật đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Đó là chưa thực sự đảm bảo Chính phủ có vị trí, vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.
Thứ nhất là mặc dù Luật đã có quy định về nhiệm vụ nhưng trên thực tế thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ chưa được thực hiện đầy đủ trên một số lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, ngoại giao, thông tin báo chí... Vì thế dẫn đến việc chưa có sự gắn chặt và chưa đảm bảo được sự tương xứng giữa quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Thứ hai là tuy Luật đã đề cập nhiều hơn đến yêu cầu của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp để tập trung vào vai trò quản lý vĩ mô, giảm bớt việc sự vụ trong chỉ đạo, điều hành, song cách quy định trong Luật lại không thể hiện được rõ nét vai trò quản lý vĩ mô này được thực hiện như thế nào. Hơn nữa, vấn đề dịch vụ công mới được ghi trong Luật năm 2001 song thực tế chưa thể hiện được yêu cầu tách bạch giữa quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp dịch vụ công.
Thứ ba, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm giữa Chính phủ với Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ chưa thật rành mạch. Quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong Luật năm 2001 có tính chất "ôm đồm" toàn bộ trách nhiệm của cả hệ thống hành chính nhà nước ở Trung ương. Trong khi đó, thực tế điều hành của Chính phủ cho thấy với chế độ làm việc như hiện nay, Chính phủ không đủ thời gian bàn tập thể và quyết định tất cả những nhiệm vụ do Luật quy định. Đặc biệt là nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ mới chỉ thể hiện vai trò là Thủ trưởng của một cơ quan của Chính phủ, chứ chưa thực hiện tư cách là một thành viên Chính phủ.
Với một vài hạn chế nêu trên, Ban soạn thảo cho biết, đã đến lúc cần phải có những sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ để đáp ứng được những yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế của Việt Nam sắp tới. Qua đó, đảm bảo cho hoạt động của Chính phủ mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Luật sửa đổi, bổ sung cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tinh gọn bộ máy của cơ quan thuộc Chính phủ
Liên quan đến việc thực hiện một số thẩm quyền, nhiều đại biểu cho rằng, quy định của Luật năm 2001 chưa phản ánh được hết thực trạng về công tác tổ chức, nhân sự, thanh tra, kiểm tra của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Sự phân công thẩm quyền và trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ chưa được rõ. Các đại biểu đề xuất, Luật sửa đổi, bổ sung cần tiếp tục phân định rành mạch nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ. Đồng thời, cũng cần quy định rõ hơn về phạm vi và các hình thức trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Về việc sắp xếp lại bộ máy cơ quan thuộc Chính phủ, các đại biểu đã phân tích chỉ ra những việc cần làm. Tuy Luật năm 2001 đã bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan thuộc Chính phủ nhưng thực tế vẫn còn một số cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước. Vì vậy mà khả năng tập trung hiệu lực và trách nhiệm quản lý nhà nước vào Chính phủ ở một số ngành, lĩnh vực vẫn rất hạn chế do hiệu quả hoạt động của những cơ quan này thấp. Luật sửa đổi, bổ sung cần phải chú ý sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của các cơ quan thuộc Chính phủ, nên tinh gọn để hoạt động đúng chức năng và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, đa số các đại biểu còn cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung nên luật hoá những yêu cầu mang tính nguyên tắc cho việc thiết lập tổ chức Chính phủ theo hướng tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước vào các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Cần thực hiện mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, không để chống chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ và đặc biệt phải đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước một cách hợp lý./.
(Theo website Chính phủ)