Chính sách đào tạo, trọng dụng nhân tài của Vua Lê Thánh Tông

27/02/2017
Lê Thánh Tông là một vị minh quân. Các nhà sử học các thời đều đã đánh giá như vậy. Như một điều rất biện chứng, minh quân ấy cũng xây dựng cho mình một lực lượng hiền thần để trợ giúp và phò tá. Nghiên cứu về sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông để đúc rút ra những bài học cho hậu thế sẽ không thể toàn diện nếu chúng ta không nghiên cứu thái độ, cách ứng xử của vua Lê Thánh Tông và vương triều dưới thời vua Lê Thánh Tông với hiền tài của quốc gia mà nói theo ngôn ngữ hiện nay, đó chính là chính sách đào tạo, trọng dụng nhân tài.
1. Những khía cạnh cơ bản của chính sách đào tạo, trọng dụng nhân tài của vua Lê Thánh Tông
Dựa trên các tư liệu lịch sử và kết quả nghiên cứu đã được công bố, có thể thấy, chính sách đào tạo, trọng dụng nhân tài của vua Lê Thánh Tông thể hiện ở những điểm cốt lõi sau đây:
Thứ nhất, bày tỏ minh thị cam kết trọng dụng nhân tài. Sử cũ chép rằng, vào năm Nhâm Ngọ (1462), khi mới lên ngôi được 2 năm, vua Lê Thánh Tông có sắc dụ cho thượng thư các bộ quan trọng là Bộ lại (Thượng thư Lại bộ Nguyễn Như Đổ), Bộ hình (Thượng thư Hình bộ Trần Phong), Bộ binh (Thượng thư Binh bộ Nguyễn Vĩnh Tích), Bộ hộ (Thượng thư Hộ bộ Nguyễn Cư Pháp) rằng “Nghe Tư Mã Quang có nói rằng: Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc để đi đến họa loạn. Ta và các người thề với trời đất dùng người quân tử bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm nhớ lấy, các ngươi chớ lãng quên”.[1] Sử cũ cũng chép điều tâm niệm của vua Lê Thánh Tông mong muốn những bề tôi của mình là bậc hiền tài. Vua từng dụ Thượng thư Hộ bộ Nguyễn Cư Đạo (vốn là bạn của vua từ khi còn thơ ấu) rằng “ta lúc ít tuổi, làm bạn với ngươi, khi lên làm vua, người làm quan Kinh diên. Nói về thần hạ thì người đối với ta là bạn tri kỷ, là bạn học thức… Ngươi nên hết lòng hiệp sức… chí công vô tư, ngăn lấp hối lộ. Được như thế thì ta được tiếng là vua biết người, người được tiếng là tôi hết trung, vinh hiển cha mẹ, vẻ vang danh tiếng, rạng rỡ trong sử sách, nghĩa lại chẳng khoái lắm sao! Nếu không làm được như thế, thì ta là vua không biết người, mà người là tôi làm vì. Trong hai điều ấy, người chọn đằng nào thì chọn.[2]
Thứ hai, củng cố hệ thống giáo dục, khuyến khích việc học tập, bồi dưỡng tài năng: hiểu thấu lẽ nhân tài phải do rèn luyện, bồi dưỡng, đào tạo mới thành, vua Lê Thánh Tông rất chú ý tới việc tạo dựng môi trường ươm nhân tài thông qua việc thiết lập hệ thống giáo dục. Vua Lê Thánh Tông đã trực tiếp viết “Chiếu khuyến học”. Ông cho lập nhà Thái Học để tạo nơi ăn, chốn ở cho các sĩ tử về Thăng Long thi hội, cấp học bổng Quốc Tử Giám cho học trò nghèo học giỏi và siêng năng, đặt ra các quan coi việc học (giáo thụ) tại các châu, lộ, in và phát sách cho các địa phương.[3] Trên thực tế, nhiều lần vua Lê Thánh Tông trực tiếp ra đề cho các thí sinh thi đình, hỏi về việc trị quốc để chọn người tài.[4]
Thứ ba, tổ chức thi công bằng để tuyển chọn người tài làm nguồn bổ nhiệm quan lại:[5] Kế tục kinh nghiệm hay của các đời trước, Lê Thánh Tông rất coi trọng việc tổ chức các kỳ thi để tuyển chọn nhân tài cho quốc gia. Khác với các đời trước, Lê Thánh Tông cho tổ chức kỳ thi tuyển chọn nhân tài cho quốc gia với tần suất nhiều hơn, nhằm để nhân tài có thêm cơ hội phát lộ. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết “từ năm Nhâm Tuất [1442] đến năm Quý Mùi [1463], hoặc 6 năm một khoa thi, hoặc 5 năm một khoa, 3 năm một khoa thì năm Bính Tuất [1466] này mới bắt đầu”.[6] Lê Thánh Tông chính là người cho dựng tấm bia tiến sỹ tại Văn miếu Quốc Tử giám vào năm 1484 trong đó chứa đựng câu nói bất hủ “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.[7] Ông cũng là vị vua đặt ra lệ “vinh quy bái tổ” (từ năm 1481) để tôn vinh những người đỗ đại khoa. Số tiến sĩ tuyển chọn được trong 38 năm trị vì của Lê Thánh Tông là 501 vị, bằng một nửa số tiến sĩ mà các triều vua Lý, Trần, Hồ tuyển chọn được trong 398 năm trước đó.[8]
Đánh giá về khoa cử thời Hồng Đức, sử cũ có ghi “Khoa cử các đời thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng: đời sau càng không thể theo kịp. Kẻ sĩ bấy giờ học được rộng mà không cần phải tìm tòi tỉ mỉ. Tài được đem ra ứng dụng mà không bỏ rơi. Trong nước không bỏ sót nhân tài. Triều đình không dùng người kém”.[9]
Vua chọn quan, lại chủ yếu qua thi cử chứ không tuyển chọn người theo dòng máu xuất thân, mà nói như ngôn ngữ hiện nay là để chọn “người tài chứ không phải chọn người nhà”. Người trong hoàng tộc mà không có thực tài thì có thể được phong quan, tước nhưng chỉ là các quan có hàm để được ăn lộc chứ không nắm thực quyền. Nói theo ngôn ngữ của quản trị hiện đại là vì việc mà tìm người xử lý chứ không phải nhìn người để giao việc. Quan lại có trình độ học vấn cộng với thực tài thì mới được bổ nhiệm.[10]
Theo Lê Quý Đôn “khoảng giữa niên hiệu Hồng Đức, mở rộng khoa cử, tuyển nhiều nhân tài, sĩ tử … mong sao thi đỗ để ra làm quan. … phương pháp thi cử nghiêm ngặt, người điềm tĩnh được tiến lên, người cầu may bị sàng sảy, cho nên người tại chức ít thói cầu cạnh mà trong nước biết quý danh nghĩa”.[11]
 Trong thực tế, nhiều người đỗ đạt cao đã được vua trao cho những chức vụ quan trọng. Chẳng hạn, Thân Nhân Trung (đỗ tiến sĩ năm 1469) được giao nhiều trọng trách như Thượng thư bộ Lễ, Thượng thư bộ Lại, Đông các Đại học sĩ kiêm Tế tửu Quốc tử giám. Trạng nguyên Lương Thế Vinh (đỗ trạng nguyên năm 1463) từng được trao giữ chức Trực học sĩ, Thị thư và Chưởng viện sự ở Hàn lâm viện.
Ngoài ra, vua Lê Thánh Tông rất chú ý tới việc bảo đảm kỷ luật các kỳ thi để các kỳ thi trở thành kênh chọn người tài cho vương triều. Điều 98 Bộ luật Hồng Đức quy định rõ “quy chế thi cử đối với quan chủ khảo”, theo đó “các quan chủ ty chấm thi cùng với người dự thi có thân thuộc, cần phải hồi tỵ mà không từ chối thì phạt 50 roi, biếm một tư; nếu là các quan di phong,[12] đằng lục[13] thì phải phạt 80 trượng. Thi hương thì được giảm một bậc. Các khảo quan khác (biết có sự không hồi tỵ này) mà cứ chấm quyển thi cùng là quan di phong, đằng lục đều được giảm một bậc. Nếu không nên hồi ty mà hồi ty thì cũng xử tội như thế.[14] Điều 99 Bộ luật Hồng Đức cũng quy định “những cử nhân vào thi hội mà mượn người làm hộ bài thi, cùng người làm hộ đều phải biếm 3 tư; thi hương thì phải biếm hai tư. Người giấu sách vở đem vào trường thi phải phạt 80 trượng.[15]
Thứ tư, thiết lập chế độ đãi ngộ quan lại công bằng, tùy theo tính chất công việc khó dễ mà định đoạt. Năm Hồng Đức thứ tám (1477), vua Lê Thánh Tông ban Chiếu về chế độ bổng lộc trong đó nêu rõ “lộc để khuyên người có công, tùy theo công việc nặng hay nhẹ… các quan văn, quan võ trong kinh và ngoài các đạo chức việc không giống nhau, thì việc cấp lộc nên làm cho tỏ rõ việc nặng nhọc, việc nhàn rỗi… Quan trong kinh, nếu giữ chức phiền kịch thì cấp bổng lộc tiến lên hai bậc, chức phiền kịch vừa tiến lên một bậc; chức giản dị lùi xuống một bậc, chức giản dị lắm lùi xuống hai bậc.”[16] Cụ thể hơn, Lê Thánh Tông quy định chế độ đãi ngộ với quan lại như sau:
TT Phẩm Chế độ đãi ngộ
  Chánh nhất phẩm
Tòng nhất phẩm
Chánh nhị phẩm
Tòng nhị phẩm[17]
Chánh tam phẩm
80 quan
74 quan
68 quan
62 quan
56 quan[18]
  Tòng tam phẩm
Chánh tứ phẩm
Tòng tứ phẩm
Chánh ngũ phẩm
Tòng ngũ phẩm
52 quan
48 quan
44 quan
40 quan
36 quan[19]
  Chánh lục phẩm
Tòng lục phẩm
Chánh thất phẩm
Tòng thất phẩm
Chánh bát phẩm
Tòng bát phẩm
33 quan
30 quan
27 quan
24 quan
21 quan
18 quan[20]
  Chánh cửu phẩm
Tòng cửu phẩm
Giản nha môn
Thái giản nha môn
Nhàn tản nha môn
Thái nhàn tản nha môn
16 quan
14 quan
12 quan
10 quan
8 quan
6 quan[21]
         
Thứ năm, trọng dụng hiền tài cũng đồng nghĩa với việc đặt yêu cầu, tiêu chuẩn rất cao đối với hiền tài trong quá trình được trọng dụng: Có thể nói, góc nhìn hiền tài của vua Lê Thánh Tông rất biện chứng, toàn diện và rất độc đáo. Trọng dụng hiền tài không phải chỉ là trao quyền cao cùng với chế độ đãi ngộ hậu hĩnh mà còn đòi hỏi người được trọng dụng phải luôn sống theo những tiêu chuẩn khắt khe. Để thực sự là minh quân, đi kèm với đội ngũ hiền thần, vua Lê Thánh Tông đã từng nói rõ đạo làm vua cùng tiêu chuẩn của các bề tôi trung. Trong bài Quân đạo (Đạo làm vua) và Thần tiết (Tiết của người bề tôi) trong Quỳnh uyển cửu ca (Chính khúc ca vườn Quỳnh), Lê Thánh Tông từng nói:
          “Hạ dục nguyên nguyên thượng kinh thiên.
          Chế trị bảo bao tư kế thuật,
          Thanh lâm quả dục tuyệt du điền.
          Bàng cáu luận nghệ phu văn đức,
          Khắc cật binh nhung trung tướng quyền.” (Quân đạo).
          (Tức là: Dưới dưỡng nuôi trăm họ, trên kính trời. Trị dân, giữ nước thường nghĩ sự noi theo người trước. Chay lòng, ít ham muốn, bỏ hẳn thói chơi săn bắn. Rộng tìm kẻ tài giỏi để ban bố văn đức. Sắm sửa binh bị coi trọng quyền kẻ làm tướng).
          “Đan trung cảnh nhật linh lâm,
          Trí chủ an dân, nghĩa khái thâm.
          Nội minh ngoại phủ hồi thiên lực
          Hậu lạc tiên ưu Lê thế tâm” (Thần tiết).
          (Tức là: Lòng son quang minh, nhập tinh soi xét tới. Có nghĩa khí sâu sắc để trung với chúa và an dân… Sức chuyển dời trong nước bình trị, ngoài nước mến yêu. Lòng giúp đời vui sau thiên hạ, lo trước thiên hạ).[22]
Hiền tài được sử dụng, nhất là khi đã làm quan thì phải sống trong cơ chế giám sát, ràng buộc, chế ước lẫn nhau rất chặt chẽ do nhà vua ban hành. Dụ Hiệu định quan chế do Lê Thánh Tông ban hành vào năm 1471 (tức sau 11 năm trị vì) nêu rõ việc đặt ra quan chế này là để “trách nhiệm … có nơi quy kết, khiến cho quan to, quan nhỏ đều ràng buộc với nhau, chức trọng chức khinh cùng kiềm chế lẫn nhau. Uy quyền không lạm, thế nước khó lay.[23]
Với vua Lê Thánh Tông, không có chuyện đã bổ nhiệm làm quan thì mãi mãi vẫn là quan. Thay vào đó, vua đặt ra lệ khảo thí và khảo khóa để buộc các quan đều phải thường xuyên lo trau dồi, rèn luyện đạo đức và năng lực.[24] Vua đặt ra lệ 3 năm khảo thi một lần cho các quan lại đương chức để kiểm tra trình độ học vấn (không trừ một ai, kể cả trạng nguyên). Quan lại được đánh giá theo tiêu chí có “xứng chức” hay không (với các tiêu chí cụ thể hơn như: có làm cho dân nhiều lên không, có làm cho dân giàu lên không, có làm cho dân biết lễ nghĩa hơn không).[25]
Vua Lê Thánh Tông đã từng có sắc chỉ rằng “các quan viên lười biếng bỉ ổi, đê tiện yếu hèn, nếu có con cháu công thần thì bãi chức cho về hạng dân, nếu là con cháu thường dân thì bãi chức sung quân.”[26]
          Vua Lê Thánh Tông chính là vị vua đầu tiên đưa ra một cách khá hệ thống luật hồi tỵ. Theo đó, vua cấm quan lại 5 điều thường rất dễ phạm như sau: (1) Cấm quan, lại lấy vợ người địa phương nơi mình trị nhậm; (2) Cấm quan, lại mua đất, mua vườn, mua ruộng, mua nhà tại địa phương nơi mình trị nhậm; (3) Cấm quan, lại lấy người địa phương nơi mình trị nhậm làm cấp phó giúp việc cho mình; (4) Cấm quan, lại kết làm thông gia với người địa phương nơi mình trị nhậm; (5) Cấm đưa quan, lại về trị nhậm tại quê hương bản quán.[27] Phải chăng, đó chính là một trong những hình thức kiểm soát xung đột lợi ích của đội ngũ quan, lại được hình thành rất sớm trong lịch sử nước ta và hiện nay vẫn còn nhiều nhân tố hợp lý rất đáng nghiên cứu, học tập để áp dụng.
          Bộ luật Hồng Đức đòi hỏi tính chính trực của các vị quan đại thần. Điều 625 Bộ luật này quy định tội “các quan đại thần nếu biết việc có hại mà không giãi bày can ngăn, lại a dua vân theo”. Theo đó “các quan đại thần và các quan tâu việc, biết có điều bất tiện, hại đến quân dân mà không hết sức giãi bày để bỏ điều ấy đi, thì xử tội biếm hay bãi chức. Nếu a dua trước mặt để thuận ý vua, lúc lui chầu lại nói khác, thì xử tội đồ hay tội lưu.[28]
Ngoài ra, việc đề cử không được người tài dưới triều vua Lê Thánh Tông có thể bị trị tội. Điều 174 Bộ luật Hồng Đức quy định “những người làm nhiệm vụ cử người mà không cử được người giỏi thì bị biếm hoặc phạt theo luật nặng nhẹ; nếu vì tình riêng hoặc lấy tiền thì xử tội nặng thêm hai bậc.” [29]
2. Một số bình luận
  Thứ nhất, khi nói về thái độ, cách ứng xử với hiền tài của Lê Thánh Tông thì điều đầu tiên có lẽ nên nhắc tới đó là bản thân Lê Thánh Tông vốn là một người tài đức. Các nhà viết sử nổi tiếng xưa nay đều nhắc tới điều này. Đại Việt sử ký toàn thư chép Lê Thánh Tông “thực là bậc vua anh hùng tài lược…Vua sinh ra,…thần sắc anh dị, tuấn tú, sáng suốt, chững chạc, thực là bậc thông minh đáng làm vua, bậc trí dung đủ giữ nước… Tính trời sinh tri, mà sớm khuya không rời quyển sách; tài năng lỗi lạc mà chế tại lại càng lưu tâm. Ưu điều thiện, thích người hiền, chăm chăm không mỏi”.[30] Tiểu sử vua Lê Thánh Tông có đoạn chép “sức học của vua có nguồn gốc, rừng kinh bể sử không đâu là không kê cứu”.[31] Sử thần Vũ Quỳnh ghi “Vua tự trời cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi, văn hay, mà thánh học rất chăm, tay không lú nào rời quyển sách. Các sách kinh sử, các sách lịch toán, các việc thánh thần, cái gì cũng tinh thông”.[32] Vua Lê Thánh Tông “sửa tam đức để thiện lòng người, coi học hành để chấn hưng văn hóa… Kính tôn bậc nho cố cựu, lễ phép với bực đại thần. Thưởng phạt thì rõ ràng. Chính lệnh thì nghiêm minh. … Siêng cần dân sự thì lấy việc làm ruộng, trồng dâu làm gốc… Không chuộng châu báu lạ kỳ, không ưa xa xỉ…biết các quan là nguồn gốc trị loạn, nên đem liêm giới khuyên răn. Hết lòng hiếu kính triều trước, mà bỏ luôn thú vui phóng túng”.[33] Trong đời sống thường nhật, vua Lê Thánh Tông “xa kẻ nịnh, thân người hiền tài. Cố gắng mưu yên định cho dân. Phát động chính trị ôn hòa. Lấy chín điều[34] mà làm việc nước”.[35] PGS.TS. Nguyễn Minh Tường viết “Lê Thánh Tông… là một vị vua thông minh, “hùng tài đại lược”, có tư chất và tính khí rất cao minh”.[36] Thực tế lịch sử thời vua Lê Thánh Tông là minh chứng rõ nét cho chân lý: vua sáng là điều kiện tiên quyết để có nhiều hiền thần. Có vua tài năng là điều kiện để người tài được trọng dụng. Suy rộng ra, trong mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, có lãnh đạo tài năng thì mới có môi trường để người giỏi được trân trọng, phát huy.
Thứ hai, chính sách đãi ngộ, trọng dụng hiền tài kể trên trước hết xuất phát từ nhận thức rất sâu sắc của vua Lê Thánh Tông và vương triều dưới thời vua Lê Thánh Tông về tầm quan trọng của hiền tài đối với sự phát triển của quốc gia và đối với sự vững bền của vương triều. Điều đó thể hiện rất rõ trong Văn bia tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) trong Văn miếu Quốc tử giám được vua Lê Thánh Tông giao cho Thân Nhân Trung soạn vào năm 1484: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy, các đấng Thánh Đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế: cho nên quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng”.[37] Có thể nói, những câu nói bất hủ kể trên chính là tư tưởng và điều khắc cốt, ghi tâm của vị vua sáng Lê Thánh Tông. Có niềm tin ấy, thiết nghĩ, không chỉ ngài học từ trong sách vở, mà bản thân nhà vua chứng nghiệm qua sự lên ngôi của ngài và kết quả đất nước thịnh trị những năm sau đó như là kết quả của sự “xe duyên” người tài đức với vị trí phù hợp, xứng tầm. Lê Thánh Tông, trước khi làm vua vốn là bậc hiền tài, khi được trao ngôi báu, đã làm xoay chuyển thế cục của nước Đại Việt thời bấy giờ. Điều rất đáng nhắc tới là tư duy chỉ trao trọng trách cho người xứng đáng – một tư duy rất tiến bộ của quần thần khi chọn lựa và tôn ngài lên làm vua. Bia ở Chi Lăng về tiểu sử vua Lê Thánh Tông (do Thân Nhân Trung soạn năm 1498 tức 1 năm sau ngày mất của vua Lê Thánh Tông) có đoạn nói về “mưu tính” của các đại thần khi tôn Lê Tư Thành lên ngôi báu như sau “Ngôi trời thực khó, ngai vàng rất quan trọng, nếu không phải bực đại đức khó có thể kham được. Nay Gia vương thiên tư minh duệ, khí lược trầm hùng, trội xa đồng lớp, các vị vương khác chẳng sánh kịp. Lòng người đều theo thì ý trời có thể biết được.[38]
3. Gợi ý một số bài học kinh nghiệm và liên hệ với thực tiễn Việt Nam hiện nay
Lê Thánh Tông đã mất cách đây 520 năm nhưng những gì Lê Thánh Tông đã làm trong việc trọng dụng hiền tài vẫn gợi cho chúng ta rất nhiều điều đáng suy ngẫm. Tất nhiên, dùng thực tiễn của lịch sử cách chúng ta khá xa để nói về bài học cho ngày hôm nay là điều không đơn giản. Mỗi thời mỗi khác, không thể sao chép máy móc kinh nghiệm quá khứ để áp cho hiện tại. Chúng ta hiện nay đã chuyển sang chế độ chính trị dân chủ XHCN người dân đã không còn vị trí thần dân mà là vị trí công dân, mọi người, về nguyên tắc, đều bình đẳng trước pháp luật và được tự do thi thố tài năng. Mặc dù vậy, tấm gương và kinh nghiệm lịch sử Lê Thánh Tông với việc trọng dụng hiền tài vẫn gợi cho chúng ta những điều rất cần học ở vị minh quân này:
Thứ nhất, muốn trọng dụng hiền tài, trước tiên phải thực sự hiểu sâu sắc tầm quan trọng của hiền tài đối với sự phát triển của quốc gia và sự vững mạnh của chế độ. Không chỉ kinh nghiệm thời vua Lê Thánh Tông mà chính thực tiễn phát triển của thời hiện tại đang cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của nhân tài đối với sự phát triển của quốc gia. Điều đó lại càng trở nên rõ nét trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở đó đổi mới, sáng tạo, cùng hệ thống công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, trí thông minh nhân tạo trở thành nhân tố then chốt quyết định sức mạnh của mỗi quốc gia và sức cạnh tranh của mỗi nền kinh tế. Thật khó có quốc gia hùng cường nếu đất nước thiếu những người tài năng đủ sức làm chủ những thành tựu mới nhất trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng, khoa học và công nghệ, luật pháp, quản trị quốc gia. Trước những vấn đề khá bức xúc trong việc sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ ở một số cơ quan, địa phương trong thời gian qua, đã đến lúc, chúng ta phải làm sao để người dân thực sự cảm nhận rõ nét hơn và tin tưởng vững chắc rằng chế độ ta là chế độ trọng dụng nhân tài, coi trọng hiền tài. Đây cũng là một trong những tư tưởng nền tảng của chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu tiên sáng lập chế độ. Những động thái gần đây của Lãnh đạo Đảng và Chính phủ trong việc phê phán các biểu hiện lệch chuẩn trong công tác cán bộ, đồng thời bày tỏ quyết tâm “chọn người tài thay vì người nhà” đang được đông đảo người dân hoan nghênh, ủng hộ. Thực hiện nghiêm túc định hướng đó để hình thành nên nền công chức, công vụ dựa trên thực tài sẽ rất có lợi cho sự phát triển trước mắt và lâu dài của Việt Nam. Tôi cho rằng, đã đến lúc các cấp lãnh đạo cần quyết liệt hơn nữa trong công tác phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, tạo môi trường “cạnh tranh” lành mạnh, công bằng thực sự trong tuyển dụng, bổ nhiệm, chọn lựa nhân sự vào các vị trí trong nền công chức, công vụ nước ta và cả trong hệ thống chính trị, qua đó người tài có cơ hội để thể hiện và thi triển năng lực thực sự của mình.
Thứ hai, đối với hiền tài, cần thực sự tin tưởng và giao trọng trách tương xứng với tài năng và đạo đức của người được giao cùng chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Công tác đánh giá, phân loại, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ cần làm tốt hơn nữa để những người “giỏi lo việc nước” được kịp thời phát hiện và trọng dụng thỏa đáng. Đi kèm với đó, cần tiếp tục hoàn thiện chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, gắn trách nhiệm với quyền hạn, giảm bớt cơ chế chịu trách nhiệm tập thể, tăng cường cơ chế quy trách nhiệm cá nhân của thủ trưởng cơ quan, đơn vị đối với kết quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống công quyền. Mạnh dạn trao quyền tự chủ hơn cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng ngân sách, khen thưởng, kỷ luật vì mục đích chung là nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Cần tiếp tục cải cách chế độ tiền lương và các chế độ đãi ngộ có liên quan xứng đáng với tài năng, đóng góp của người được trọng dụng. Một hệ thống lương còn nhiều mặt mang tính “tượng trưng” như hiện nay là điều rất cần quan tâm khắc phục.
          Thứ ba, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đội ngũ cán bộ, công chức bởi đây chính là lực lượng có thể góp phần rất lớn cho sự phát triển của đất nước khi đó là đội ngũ tiên tiến nhưng cũng có thể gây nhiều vấn đề phức tạp khi bị tha hóa, biến chất. Cần học tập cách tiếp cận của vua Lê Thánh Tông khi vừa trọng dụng hiền tài nhưng cũng yêu cầu rất cao đối với đội ngũ nhân tài khi được trọng dụng, ngăn ngừa các nguy cơ, biểu hiện tha hóa khi đã có quyền lực ở trong tay. Trên cơ sở đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm thực sự không có vùng cấm trong kiểm soát quyền lực, không ai đứng trên pháp luật, cao hơn pháp luật. Tinh thần của luật hồi tỵ mà vua Lê Thánh Tông khởi xướng rất nên nghiên cứu để có hình thức áp dụng phù hợp.
Thứ tư, đầu tư mạnh cho giáo dục và khoa học, công nghệ theo hướng coi trọng hiệu quả, đề cao thực học, học gắn chặt với hành, dùng thực tiễn để kiểm tra tài năng, năng lực của người được đào tạo. Gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, với nhu cầu quản trị quốc gia. Bảo đảm hệ thống giáo dục và hệ thống nghiên cứu khoa học, công nghệ thực sự là vườn ươm nhân tài cho quốc gia, là động lực thực sự cho quá trình phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập.
 Thứ năm, thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã nêu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước ta “xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, hiệu lực, hiệu quả…Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao…Đổi mới công tác tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức, bảo đảm cạnh tranh, công khai, minh bạch. Đánh giá cán bộ, công chức phải dựa trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ”.[39] Có thể nói, những yêu cầu mà Đảng đặt ra đối với nền hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức là rất trúng với nguyện vọng của nhân dân, trúng với đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước hiện nay và rất tương đồng với những gì mà vua Lê Thánh Tông đặt ra đối với nền hành chính và đội ngũ quan lại cách đây hơn 500 năm. Thực hiện đúng đắn, đầy đủ chủ trương của Đảng vừa nêu đang là đòi hỏi rất cấp bách và cũng chính là việc chúng ta kế thừa những bài học kinh nghiệm quý báu mà vua Lê Thánh Tông đã để lại cho hậu thế.
         
TS. Nguyễn Văn Cương
 
 
[1] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2 (Hà Nội: NXB Văn học, 2006) tr. 227.
[2] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2 (Hà Nội: NXB Văn học, 2006) tr. 273-274.
[3] Đặng Việt Thủy, “Vua Lê Thánh Tông với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài” <http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Vua-Le-Thanh-Tong-voi-su-nghiep-giao-duc-va-dao-tao-nhan-tai-post165070.gd>.
[4] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2 (Hà Nội: NXB Văn học, 2006) tr. 275, 312.
[5] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2 (Hà Nội: NXB Văn học, 2006) tr. 335 có chép rằng: Năm Canh Tý (1480), tháng 6, có sắc chỉ rằng “phàm các lại viên có chân thi Hội đỗ tam trường, thì bổ là Chính quan châu huyện và các chức Kinh lịch, Thủ lĩnh, Phó sứ. Còn lại viên không có chân thi Hội đỗ tam trường thì chỉ bổ chức Thủ lĩnh hoặc châu huyện”.
[6] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2 (Hà Nội: NXB Văn học, 2006) tr. 241.
[7] PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế, “Nước Đại Việt thời Lê sơ – Một vài đặc điểm căn bản của nền tảng chính trị, kinh tế, văn hóa –xã hội” trong TS. Lê Thị Sơn (chủ biên), Quốc triều hình luật: Lịch sử hình thành, nội dung và giá trị (Hà Nội: NXB Khoa học xã hội, 2004) tr. 22.
[8] Lê Đức Tiết, Lê Thánh Tông: Vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại (Hà Nội: NXB Tư pháp, 2007) tr. 98.
[9] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí: Khoa mục chí (Hà Nội: NXB Khoa học xã hội, 1992) tập 2.
[10] Lê Đức Tiết, Lê Thánh Tông: Vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại (Hà Nội: NXB Tư pháp, 2007) tr. 98.
[11] Lê Quý Đôn, Kiến Văn tiểu lục (Bản dịch) (Hà Nội: NXB Khoa học xã hội, 1977) tr. 259.
[12] Phong kín những quyển thi trong những cuộc thi đình để dâng vua.
[13] Sao chép khi thi hội, thi đình, quyển văn của các thí sinh đều phải giao cho viên đằng lục sao tả nguyên văn ra quyển khác để các khảo quan chấm, cốt để cho khảo quan không biết được chữ của thí sinh.
[14] Viện sử học, Quốc triều hình luật (Bản dịch quốc ngữ của TS. Nguyễn Ngọc Nhuận và TS. Nguyễn Tá Nhí) (TP Hồ Chí Minh: NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1995) tr. 65-66.
[15] Viện sử học, Quốc triều hình luật (Bản dịch quốc ngữ của TS. Nguyễn Ngọc Nhuận và TS. Nguyễn Tá Nhí) (TP Hồ Chí Minh: NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1995) tr. 66.
[16] Tạ Ngọc Liễn (chủ biên), Lịch sử Việt Nam: Tập III - Thế kỷ XV-XVI (Hà Nội: NXB Khoa học xã hội, 2007) tr. 158-159.
[17] Ví dụ: Thời Lê Thánh Tông, lãnh đạo Bộ Lại gồm có: Thượng thư, trật tòng nhị phẩm; Tả thị lang, trật tòng tam phẩm; Hữu thị lang, trật tòng tam phẩm [Xem: PGS.TS. Nguyễn Minh Tường, Tổ chức bộ máy nhà nước quân chủ Việt Nam (từ năm 939 đến năm 1884) (Hà Nội: NXB Khoa học xã hội, 2015) tr. 177]
[18] Tức là bớt đều mỗi bậc 6 quan.
[19] Tức là bớt đều mỗi bậc 4 quan.
[20] Tức là bớt đều mỗi bậc 3 quan.
[21] Tức là bớt đều mỗi bậc 2 quan.
[22] Văn học Việt Nam thế kỷ X - Nửa đầu thế kỷ XVIII (Hà Nội: NXB Giáo dục, 1977) [dẫn trong TS. Nguyễn Văn Phát, “Kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng hiền tài của vua Lê Thánh Tông và những bài học đối với công tác giáo dục, đào tạo ở trường Đại học Hồng Đức hiện nay” trong Quốc triều hình luật: Những giá trị lịch sử và đương đại góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam (Hà Nội: NXB Tư pháp, 2008) tr. 474].
[23] Lê Đức Tiết, Lê Thánh Tông: Vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại (Hà Nội: NXB Tư pháp, 2007) tr. 104.
[24] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2 (Hà Nội: NXB Văn học, 2006) tr. 333.
[25] Lê Đức Tiết, Lê Thánh Tông: Vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại (Hà Nội: NXB Tư pháp, 2007) tr. 99.
[26] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2 (Hà Nội: NXB Văn học, 2006) tr. 324.
[27] Lê Đức Tiết, Lê Thánh Tông: Vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại (Hà Nội: NXB Tư pháp, 2007) tr.78.
[28] Viện sử học, Quốc triều hình luật (Bản dịch quốc ngữ của TS. Nguyễn Ngọc Nhuận và TS. Nguyễn Tá Nhí) (TP Hồ Chí Minh: NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1995) tr. 226.
[29] Viện sử học, Quốc triều hình luật (Bản dịch quốc ngữ của TS. Nguyễn Ngọc Nhuận và TS. Nguyễn Tá Nhí) (TP Hồ Chí Minh: NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1995) tr. 87.
[30] Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2 (Hà Nội: NXB Văn học, 2006) tr. 211-212.
[31] Lê Đức Tiết, Lê Thánh Tông: Vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại (Hà Nội: NXB Tư pháp, 2007) tr. 389.
[32] Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2 (Hà Nội: NXB Văn học, 2006) tr.386.
[33] Lê Đức Tiết, Lê Thánh Tông: Vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại (Hà Nội: NXB Tư pháp, 2007) tr. 388-389.
[34] Tức là (1) tu thân (tu sửa thân mình); (2) tôn hiền (tôn trọng người hiền tài); (3) thân thân (thân ái với người thân thuộc); (4) kính đại thần (kính trọng các quan đại thần); (5) thể quần thần (rộng lượng đói đãi các bề tôi); (6) tử thứ dân (thương dân như con); (7) lai bách công (chiêu tập các nhà công nghệ); (8) nhu viễn nhân (được lòng các người ở phương xa); (9) hoài chư hầu (làm cảm phục các chư hầu).
[35] Lê Đức Tiết, Lê Thánh Tông: Vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại (Hà Nội: NXB Tư pháp, 2007) tr. 394.
[36] PGS.TS. Nguyễn Minh Tường, Tổ chức bộ máy nhà nước quân chủ Việt Nam (từ năm 939 đến năm 1884) (Hà Nội: NXB Khoa học xã hội, 2015) tr. 172.
[37] Văn bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, do Thân Nhân Trung soạn, được in trong Tuyển tập văn bia Hà Nội (Hà Nội: NXB Khoa học xã hội, 1978).
[38] Lê Đức Tiết, Lê Thánh Tông: Vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại (Hà Nội: NXB Tư pháp, 2007) tr. 388.
[39] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2016) tr. 309.