1. “Doing business” - Công cụ đánh giá sự tín nhiệm của các nền kinh tế
“Doing Business” là báo cáo đánh giá thường niên của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về những quy định thúc đẩy hoặc cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế tư nhân của 190 nền kinh tế thế giới thông qua 11 lĩnh vực của đời sống kinh doanh. Trong 11 lĩnh vực đánh giá của Báo cáo, có 10 lĩnh vực liên quan đến xếp hạng thông thoáng môi trường đầu tư kinh doanh (Ease of doing business ranking), bao gồm: Khởi sự kinh doanh (Starting a business), Cấp phép xây dựng (Dealing with contruction permits), Bảo đảm điện năng (Getting electricity), Đăng ký tài sản (Registering Property), Bảo đảm tín dụng (Getting credit), Bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số (Protecting minority investors), Đóng thuế (Paying taxes), Giao dịch thương mại qua biên giới (Trading across borders), Giải quyết tranh chấp hợp đồng (Enforcing contracts) và Giải quyết phá sản (Resolving insolvency).
Năm 2016, các nền kinh tế được xếp hạng tốp đầu trong thông thoáng môi trường đầu tư kinh doanh là New Zealand, Denmark, Hong Kong China, United States, Sweden. Các nền kinh tế tốp cuối gồm Afghanistan, South Sudan, Libya, Somalia. Theo Báo cáo, Việt Nam xếp hạng
82/190 với số điểm đạt 63,83/100, cụ thể: Khởi sự kinh doanh xếp hạng 121, Cấp phép xây dựng xếp hạng 24, Bảo đảm điện năng xếp hạng 96, Đăng ký tài sản xếp hạng 59, Bảo đảm tín dụng xếp hạng 32, Bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số xếp hạng 87, Đóng thuế xếp hạng 167, Giao dịch thương mại qua biên giới xếp hạng 93, Giải quyết tranh chấp hợp đồng xếp hạng 69 và Giải quyết phá sản xếp hạng 125. Các quốc gia ASEAN có thứ tự thứ hạng Thông thoáng môi trường kinh doanh như sau:
Quốc gia |
Điểm |
Thứ hạng |
Singapore |
85.05 |
2 |
Malaysia |
78.11 |
23 |
Thailand |
72.53 |
46 |
Brunei Darussalam |
65.51 |
72 |
Vietnam |
63.83 |
82 |
Indonesia |
61.52 |
91 |
Philippines |
60.40 |
99 |
Cambodia |
54.79 |
131 |
Lao PDR |
53.29 |
139 |
Myanmar |
44.56 |
170 |
2. Mục tiêu đạt trung bình ASEAN 4 còn là một thách thức
Trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá và xếp hạng ở mức thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực, ở mức trung bình thấp so với các nước ASEAN, liên tục trong các năm 2014, 2015, 2016, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết số 19-2014 của Chính phủ khẳng định mục tiêu đến hết năm 2015 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 6 trên 6 chỉ tiêu môi trường kinh doanh; Nghị quyết số 19-2015 của Chính phủ khẳng định mục tiêu phấn đấu hết năm 2016 đạt mức trung bình ASEAN 4 trên 10 chỉ tiêu theo Doing Business; Nghị quyết số 19-2016 tiếp tục duy trì mục tiêu đạt trung bình ASEAN 4 đến hết năm 2017 và đặt mục tiêu ASEAN 3 đến hết năm 2020.
Theo đánh giá của Chính phủ, trong 3 năm thực hiện Nghị quyết 19, các Bộ, ngành, địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, môi trường kinh doanh tăng 9 bậc (từ vị trí 91/189 lên 82/190) với 5 chỉ số tăng hạng, cụ thể là: (1) Bảo vệ nhà đầu tư nhờ Luật Doanh nghiệp năm 2014 tăng 31 bậc; (2) Giao dịch thương mại qua biên giới nhờ thực hiện hải quan điện tử và nâng cao hiệu quả quản lý chuyên ngành tăng 15 bậc; (3) Nộp thuế và bảo hiểm xã hội nhờ thời gian được rút ngắn 230 giờ (từ 770 giờ xuống còn 540 giờ) tăng 11 bậc; (4) Tiếp cận điện năng cải thiện 5 bậc do thời gian rút ngắn từ 59 xuống 46 ngày và giảm từ 6 thủ tục xuống còn 5 thủ tục; (5) Giải quyết phá sản tăng 1 bậc nhưng không nhờ cải cách. Tuy nhiên, bên cạnh 5/10 chỉ số tăng hạng, 5 chỉ số khác của Việt Nam lại giảm bậc, cụ thể là: (1) Khởi sự kinh doanh giảm 10 bậc; (2, 3) Cấp phép xây dựng và tiếp cận tín dụng giảm 3 bậc; (4, 5) Đăng ký sở hữu tài sản, Giải quyết tranh chấp hợp đồng giảm 1 bậc.
Các bộ, ngành đã quan tâm hơn tới việc thực hiện Nghị quyết chứ không còn thái độ thờ ơ, đối phó. Một số địa phương cũng hiểu rõ ý nghĩa của các chỉ tiêu theo thông lệ quốc tế, từ đó tìm kiếm các sáng kiến cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện vị thế năng lực cạnh tranh của tỉnh, thành phố. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và hoan nghênh những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ thời gian qua. Doanh nghiệp ngày càng tin tưởng vào việc thực thi Nghị quyết 19 và kỳ vọng vào những thay đổi, cải cách; đồng thời sẵn sàng hợp tác, chia sẻ thông tin cởi mở, hướng tới tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng, minh bạch, giảm chi phí và ít rủi ro. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn bộc lộ một số bất cập sau:
+/ Nghị quyết số 19-2014 xác định 07 giải pháp tổng thể và 50 nhiệm vụ cụ thể. Tuy vậy, đến hết năm 2014, trong số 50 giải pháp cụ thể, số lượng các giải pháp được thực hiện và có kết quả còn rất hạn chế, cụ thể là có 08 giải pháp được thực hiện và có kết quả (16%); 16 giải pháp đã được thực hiện nhưng chưa có kết quả rõ ràng (34%) và 25 giải pháp chưa được thực hiện (50%). Trong năm đầu tiên, chỉ có 5 Bộ, cơ quan gồm Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính (Tổng cục thuế và Tổng cục hải quan), EVN, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và TP. Hồ Chí Minh chủ động tích cực thực hiện. Hầu hết các Bộ, cơ quan, địa phương khác chưa quan tâm, thậm chí thờ ơ với các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết; không ban hành hoặc ban hành Kế hoạch hành động nhưng chưa bám sát các chỉ tiêu, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế, không có lộ trình thời gian cũng như cách thức triển khai thực hiện.
+/ Nghị quyết 19-2015 xác định 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung và 73 nhiệm vụ cụ thể. Tính đến hết năm 2016, có 43,8% giải pháp thực hiện có kết quả, 23,3% thực hiện nhưng kết quả chưa rõ ràng và 32,9% chưa thực hiện hoặc chưa có thông tin. Sang năm thứ hai, ngoài 5 Bộ và địa phương nêu trên, có thêm sự tham gia tích cực của một số Bộ, ngành gồm: Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VCCI và các địa phương: Hà Nội, Quảng Ninh.
+/ Nghị quyết 19-2016 xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung và 83 nhiệm vụ cụ thể. Đến cuối tháng 12/2016, kết quả cho thấy số lượng và tỷ lệ các giải pháp cụ thể được thực hiện và có kết quả nhiều hơn so với các năm trước, có 35 giải pháp được thực hiện có kết quả (chiếm 24,1%) và 28 giải pháp đã được thực hiện nhưng chưa có kết quả rõ ràng (24,1%) và 28 giải pháp chưa được thực hiện hoặc chưa có thông tin (chiếm 33,7%). Trong năm thứ ba, có thêm sự vào cuộc tích cực của một số Bộ: Xây dựng, Tư pháp, Công thương và Y tế.
3. Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP - Sức bật mới trong cải thiện môi trường kinh doanh
Sáng 28/12/2016, trong Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trình bày báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong 3 năm 2014-2016, định hướng đến năm 2020. Lần đầu tiên Nghị quyết được đưa vào bàn trong hội nghị Chính phủ với các địa phương để các bộ, ngành, địa phương cùng nhau hiểu và cùng vào cuộc để tạo sức bật mới trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết 19-2017 được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế, với những chỉ số, chỉ tiêu được nêu trong báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, đặt ra cách nhìn phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Đây không chỉ là hình ảnh, vị thế quốc gia mà còn là thế mạnh trong thu hút đầu tư, cạnh tranh của nền kinh tế, trong đàm phán các cam kết thương mại quốc tế. Tín nhiệm quốc tế cao thì chi phí vốn của cả quốc gia và doanh nghiệp sẽ đều giảm, như vậy, kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn, hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Phó Thủ tướng cho biết một loạt chỉ số về môi trường kinh doanh cho thấy Việt Nam ở mức trung bình. Chỉ số tốt nhất đứng thứ 60 và có những chỉ số đứng thứ 116-120. Nói về môi trường kinh doanh do Ngân hàng thế giới đánh giá, xếp hạng qua 3 năm Việt Nam thực hiện Nghị quyết 19 (2014-2016), Phó Thủ tướng cho biết trong 10 nhóm chỉ tiêu có đến 41 chỉ tiêu cụ thể để đánh giá, chấm điểm. Việt Nam hiện xếp hạng thứ 82, có những thủ tục rất tốt như cấp phép xây dựng đứng thứ 24 nhưng khởi sự kinh doanh đứng thứ 121, đặc biệt thuế, bảo hiểm dù đã cải tiến rất nhiều nhưng vẫn đứng 167, giải quyết tranh chấp, phá sản xếp thứ 125.
So sánh tương quan với các nước ASEAN về môi trường kinh doanh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh để đạt được mục tiêu mức trung bình của ASEAN 4, Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện các chỉ số cụ thể. "Hiện nay chúng ta xếp thứ 82, để lọt vào trung bình ASEAN 6, tính cả Singapore, thì chúng ta phải tiến tới vị trí 56, còn nếu muốn lọt vào trung bình ASEAN 4 thì chúng ta phải đứng thứ 43 trên thế giới”
. Nêu một số ví dụ về việc cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh, nhiều người thường nghĩ là của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đổi mới sáng tạo thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ hay cấp phép xây dựng thuộc Bộ Xây dựng… Phó Thủ tướng cho biết có rất nhiều chỉ tiêu cụ thể trong từng chỉ số là của các bộ, ngành khác. Ví dụ trong khởi sự kinh doanh, có thủ tục khắc dấu trước đây thuộc Bộ Công an, mua, bán hóa đơn trước đây thuộc Bộ Tài chính. Ví dụ thứ hai là cấp phép xây dựng đứng thứ 24/190 có thủ tục thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy thuộc Bộ Công an, đăng ký sở hữu tài sản sau khi hoàn thành thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường…
Nhấn mạnh đến thực tế hầu hết các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện nhiều nhưng các nước khác cải cách nhanh hơn rất nhiều, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là khâu thực hiện ở địa phương. “Về thuế, chúng ta cải cách cơ bản trên văn bản nhưng thực thi còn khoảng cách và để văn bản xuống đến thực tế, cần các sở, ngành, địa phương vào cuộc cùng Trung ương. Hay trong khởi sự kinh doanh thì đăng ký doanh nghiệp theo văn bản quy định 3 ngày nhưng khảo sát thực tế ở địa phương lại lên đến 5 ngày. Rõ ràng mức độ vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương còn khác nhau”.
Ngày 06/2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, trong đó, tiếp tục khẳng định mục tiêu đến hết năm 2017, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4. Từ đó, Nghị quyết yêu cầu bám sát tiêu chí đánh giá của Ngân hàng thế giới; củng cố và duy trì kết quả đạt được về môi trường kinh doanh, đồng thời phấn đấu nâng điểm trên tất cả các chỉ tiêu, cụ thể:
- Khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; Nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước.
- Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, gồm: Nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm (trong đó thuế là 119 giờ và bảo hiểm là 49 giờ); cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 120 ngày, bao gồm: Thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng xuống còn 63 ngày (giảm 19 ngày); thủ tục kết nối, cấp thoát nước xuống còn 7 ngày (giảm 7 ngày); thủ tục đăng ký sở hữu tài sản sau hoàn công xuống còn 20 ngày (giảm 10 ngày); tiếp cận điện năng không quá 35 ngày; đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản không quá 20 ngày; thông quan hàng hoá qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hoá xuất khẩu, 90 giờ đối với hàng hoá nhập khẩu; giải quyết tranh chấp hợp đồng tối đa 300 ngày; thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp còn 30 tháng.
4. Hoạt động thi hành án dân sự trong tiêu chí “giải quyết tranh chấp hợp đồng” và “giải quyết phá sản doanh nghiệp”
4.1. Giải quyết tranh chấp hợp đồng
Theo “Doing Business”, một cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng hiệu quả là hết sức thiết yếu đối với phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững. Các nền kinh tế có hệ thống tư pháp hiệu lực với các toà án đủ năng lực bảo đảm việc thực thi các nghĩa vụ hợp đồng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn các thị trường tín dụng, bảo vệ các quyền tài sản, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đổi mới và đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vì vậy, giải quyết tranh chấp hợp đồng (Enforcing contracts) là một tiêu chí quan trọng khi xếp hạng thông thoáng môi trường đầu tư kinh doanh của mỗi nền kinh tế.
Về mặt kỹ thuật, việc xếp hạng giải quyết tranh chấp hợp đồng (Enforcing contracts) được đánh giá chủ yếu qua các chỉ báo về Thời gian (Time) và Chi phí (Cost) bảo đảm việc thực thi. Ngoài ra, Chất lượng của quá trình tố tụng (The quality of judicial index) cũng là một chỉ báo quan trọng của tiêu chí này.
“Doing Business” định nghĩa (1) Thời gian thực thi phán quyết của toà án là khoảng thời gian kể từ khi người được thi hành án tiến hành các bước theo yêu cầu để khởi động các thủ tục thi hành bản án cho đến khi tiền được thu hồi thành công thông qua việc đấu giá các tài sản là động sản của con nợ (như xe cộ hay trang thiết bị văn phòng), (2) Chi phí thực thi phán quyết là các chi phí mà người được thi hành án phải trả trước để cưỡng chế thực hiện bản án thông qua việc đấu giá các tài sản là động sản của con nợ, không kể chi phí cuối cùng do chủ nợ chịu.
- Thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng trong khối ASEAN được xếp hạng như sau:
(Xếp theo thứ tự thứ hạng giải quyết tranh chấp hợp đồng)
Quốc gia |
Thời gian giải quyết |
Trong đó |
Thụ lý |
Xét xử và phán quyết |
Thực thi phán quyết |
Singapore (2) |
164 |
6 |
118 |
40 |
Malaysia (42) |
425 |
35 |
270 |
120 |
Thailand (51) |
440 |
60 |
260 |
120 |
Vietnam (69) |
400 |
50 |
200 |
150 |
Lao PDR (88) |
443 |
30 |
278 |
135 |
Brunei (93) |
540 |
50 |
400 |
90 |
Philipines (136) |
842 |
58 |
580 |
204 |
Indonesia (166) |
460 |
60 |
220 |
180 |
Cambodia (178) |
483 |
63 |
250 |
170 |
Myanmar (188) |
1.160 |
65 |
815 |
280 |
- Chi phí giải quyết tranh chấp hợp động trong khối ASEAN được xếp hạng như sau:
(Xếp theo thứ tự thứ hạng giải quyết tranh chấp hợp đồng)
Quốc gia |
Chi phí |
Trong đó |
Luật sư |
Án phí |
Phí thi hành bản án |
Singapore (2) |
25.8 |
20.9 |
2.8 |
2.1 |
Malaysia (42) |
37.3 |
30 |
1.1 |
6.2 |
Thailand (51) |
19.5 |
10 |
6.5 |
3.0 |
Vietnam (69) |
29.0 |
21.0 |
5.0 |
3.0 |
Lao PDR (88) |
31.6 |
27.9 |
1.4 |
2.3 |
Brunei (93) |
36.6 |
30.0 |
3.6 |
3.0 |
Philipines (136) |
31.0 |
20.0 |
6.0 |
5.0 |
Indonesia (166) |
118.1 |
90.0 |
3.1 |
25.0 |
Cambodia (178) |
103.4 |
95.8 |
1.0 |
6.6 |
Myanmar (188) |
51.5 |
47.0 |
2.5 |
2.0 |
4.2. Giải quyết phá sản doanh nghiệp
“Doing Business” khẳng định một hệ thống phá sản thiết thực sẽ có chức năng như bộ lọc bảo đảm việc duy trì các công ty có hiệu quả kinh tế và tái phân phối các nguồn lực đối với các công ty hoạt động thiếu hiệu quả. Thủ tục phá sản nhanh và tiết kiệm sẽ nhanh chóng mang các hoạt động đầu tư kinh doanh quay trở lại bình thường và tăng tiền thu hồi cho các nhà đầu tư.
Tiêu chí giải quyết phá sản doanh nghiệp được đo lường qua các chỉ báo: (1) Thời gian thu hồi khoản nợ (tính theo năm); (2) Chi phí thu hồi khoản nợ (theo tỷ lệ % tài sản con nợ); (3) Kết quả phá sản, việc kinh doanh có tiếp tục được duy trì như mục đích ban đầu của tài sản hay phải bán từng phần (từ 0 đến 1), (4) Tỷ lệ thu hồi của các nhà đầu tư (tính theo đơn vị cent trên mỗi dollar), (5) Sự vững chắc của các quy định phá sản với tổng thang điểm là 16, gồm các yếu tố: Thụ lý giải quyết vụ việc, Quản lý tài sản của con nợ, Quá trình tổ chức lại hoạt động kinh doanh, và Sự tham gia của chủ nợ.
- Hiệu quả phá sản doanh nghiệp trong khối ASEAN được xếp hạng như sau:
(Xếp theo thứ tự thứ hạng giải quyết phá sản)
Quốc gia |
Trong đó |
Tỷ lệ thu hồi |
Thời gian |
Chi phí |
Kết quả |
Khung phá sản |
Thailand (23) |
67.7 |
1.5 |
18 |
1 |
13.0 |
Singapore (29) |
88.7 |
0.8 |
4 |
1 |
8.5 |
Malaysia (46) |
81.3 |
1.0 |
10 |
1 |
6.0 |
Philipines (56) |
21.3 |
2.7 |
32 |
0 |
14 |
Brunei (57) |
47.2 |
2.5 |
3.5 |
0 |
9.5 |
Cambodia (72) |
13.9 |
6 |
18 |
0 |
13 |
Indonesia (76) |
29.9 |
2.0 |
22 |
0 |
9.5 |
Vietnam (125) |
21.6 |
5 |
14.5 |
0 |
7.5 |
Myanmar (164) |
14.7 |
5 |
18 |
0 |
4 |
Lao PDR (169) |
0 |
Không có thông tin |
Không có thông tin |
Không có thông tin |
0 |
5. Trách nhiệm của thi hành án dân sự Việt Nam trước mục tiêu ASEAN 4
Trước yêu cầu đạt mục tiêu ASEAN 4, thi hành án dân sự, hoạt động thực thi phán quyết của tòa án, đã và đang từng bước vượt qua khỏi chức năng truyền thống của minh là bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật để vươn tới một mục tiêu rộng lớn và năng động hơn, đó là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, tích cực giải phóng nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thông qua việc “rã đông” các tài sản đóng băng trong các tranh chấp theo quy định của Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và trong quá trình thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo Luật phá sản năm 2014.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, nhiều quốc gia trong khu vực có thứ hạng cao và còn giữ khoảng cách khá xa so với Việt Nam trong xếp hạng thông thoáng môi trường kinh doanh như Sigapore (2/190), Malaysia (23/190), Thailand (46/190)…Nhiều lĩnh vực cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có thực thi phán quyết của toà án và giải quyết phá sản còn có thứ hạng khá khiêm tốn.
Theo Báo cáo, việc bảo đảm thực thi hợp đồng thông qua giải quyết tranh chấp của các toà án tại Việt Nam năm 2017 là
400 ngày với chi phí
29% giá trị tài sản tranh chấp, xếp hạng
69/190 (năm 2016 xếp hạng 68). Trong 400 ngày giải quyết tranh chấp hợp đồng, thụ lý của toà án là 50 ngày, xét xử và phán quyết là 200 ngày và
thực thi phán quyết của toà án là 150 ngày. Trong 29% chi phí, chi phí luật sư chiếm 21%, án phí chiếm 5% và phí thi hành bản án là
3%.
So sánh tương quan thứ hạng trong khối các quốc gia ASEAN trong hoạt động thực thi phán quyết của toà án và chi chi thực thi phán quyết, thứ hạng của Việt Nam còn chưa nổi bật, cả về thời gian (hạng 6) và chi phí (đồng hạng 4 với 3 nền kinh tế). Cụ thể:
- Thứ tự các nền kinh tế có thời gian thực thi phán quyết của toà án từ ít ngày đến nhiều ngày như sau: Singapore (40 ngày), Brunei (90 ngày), Malaysia (120 ngày), Thailand (120 ngày), Lao PDR (135 ngày),
Vietnam (150 ngày), Cambodia (170 ngày), Indonesia (180 ngày), Philipines (204 ngày) và Myanmar (180 ngày).
- Về phí thực thi phán quyết từ thấp đến cao như sau: Myanmar (2%), Singapore (2.1%), Lao P0DR (2.3%), Brunei (3.0%), Thailand (3.0%),
Vietnam (3.0%), Philipines (5%), Malaysia (6.2%), Cambodia (6.6%), Indonesia (25.0%).
Bên cạnh đó, hiệu quả giải quyết phá sản doanh nghiệp tại Việt Nam có thứ hạng gần thấp
125/190 và gần thấp nhất khu vực, với thời gian giải quyết phá sản kéo dài tới 05 năm, chi phí khá lớn, 14,5% giá trị tài sản, hoạt động kinh doanh sau phá sản hầu như không thể phục hồi, hầu hết các tài sản đều bị bán từng phần mà không duy trì được mục đích sử dụng ban đầu, và cuối cùng, tỷ lệ thu hồi tài sản của chủ nợ là thấp, 21.6 cent/01 dollar.
So sánh tương quan thứ hạng trong khối các quốc gia ASEAN như sau: Thailand (xếp hạng 23), Singapore (xếp hạng 29), Malaysia (xếp hạng 46), Philipines (xếp hạng 56), Brunei (xếp hạng 57), Cambodia (xếp hạng 72), Indonesia (xếp hạng 76),
Vietnam (xếp hạng 125), Myanmar (xếp hạng 164), Lao PDR (xếp hạng 169).
“Công lý bị trì hoãn cũng có nghĩa là công lý bị từ chối” (Justice delayed is justice denied). Trách nhiệm của thi hành án dân sự Việt Nam trước ngưỡng cửa ASEAN 4 còn rất nặng nề, nhất là thu hẹp khoảng cách về thời gian thi hành bản án. Để đạt được mục tiêu ASEAN 4, Nghị quyết 19-2017 nhận định “Để đạt được mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN 4, đòi hỏi phải có sự nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực”, đồng thời, đưa ra mục tiêu cụ thể về nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng từ 400 ngày xuống 300 ngày trong năm 2017 và dưới 200 ngày đến năm 2020. Nâng cao tỷ lệ phục hồi doanh nghiệp và rút ngắn thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp từ 60 tháng xuống dưới 30 tháng trong năm 2017 và dưới 24 tháng đến năm 2020. Trước trăn trở của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu ASEAN 4, toàn Hệ thống thi hành án dân sự cần tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp cơ bản sau:
Một là, khẩn trương phối hợp với các tổ chức quốc tế tìm hiểu rõ phương pháp, cách tính và ý nghĩa của các chỉ tiêu xếp hạng trong các chỉ tiêu về giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản nói chung, trong giai đoạn thi hành phán quyết của toà án và thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp nói riêng, đồng thời cung cấp thông tin để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực để xếp hạng.
Nghị quyết 19-2017 yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ này trước 31/3/2017.
Hai là, giới thiệu, quán triệt, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của đội ngũ công chức thi hành án về tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp và yêu cầu, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong việc góp phần đưa đất nước đạt mục tiêu ASEAN 4 theo lộ trình đã đề ra tại Nghị quyết 19-2017. Thay đổi tư duy, nhận thức tiếp cận theo thông lệ quốc tế chuẩn mực; vượt qua rào cản lợi ích cục bộ.
Kiên quyết không chấp nhận thái độ thờ ơ, đối phó, trì trệ trong quá trình triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ.
Ba là, xây dựng Kế hoạch hành động của Hệ thống thực hiện Nghị quyết 19-2017, xác định rõ Mục tiêu, các nhiệm vụ, tiến độ, đơn vị chủ trì thực hiện, có các giải pháp cụ thể nâng cao hiệu quả công tác thi hành án. Trọng tâm là đơn giản hoá quy trình, nội dung hồ sơ, bãi bỏ hồ sơ, thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian, giảm chi phí giải quyết; tạo lập cơ chế thúc đẩy hoà giải, thuyết phục trong quá trình thi hành các bản án tranh chấp thương mại và quyết định tuyên bố phá sản; Đẩy mạnh công tác hoà giải, thuyết phục các bên trong quá trình thi hành án.
Nghị quyết 19-2017 yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ này trước 28/02/2017.
Bốn là, đẩy mạnh quá trình điện tử hóa thủ tục (nộp hồ sơ, trả kết quả...) thi hành án; công khai các thủ tục hành chính; thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Nghiên cứu triển khai xây dựng, vận hành và nâng cao hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin điện tử và Trang Thông tin điện tử thi hành án dân sự trong tiếp nhận, xử lý kiến nghị và công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính; công khai kết quả tiếp nhận và xử lý kiến nghị trong lĩnh vực thi hành án dân sự.
Năm là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao trách nhiệm của các Cục trưởng, Chi cục trưởng Thi hành án dân sự trong việc thực hiện các mục tiêu hướng tới ASEAN 4. Xử lý nghiêm các cơ quan, cá nhân và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp./.
Nguyễn Xuân Tùng
Thạc sỹ luật so sánh Đại học Melbourne, Australia
Chánh Văn phòng Tổng cục THADS Bộ Tư pháp
Tài liệu tham khảo:
1. World Bank Group:
Doing Business 2017 tại http://www.doingbusiness.org/.
2. World Bank Group:
Doing Business 2017 - Economy Profile 2017 Vietnam tại http://www.doingbusiness.org/data/exploreeconomies/vietnam.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Báo cáo số 1042/BC-BKHĐT ngày 27/12/2016 về Tình hình và kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Tài liệu phục vụ Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tháng 12/2016).
4. Triển khai Nghị quyết 19: Trách nhiệm, quyết liệt, phối hợp chặt chẽ tại http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Trien-khai-Nghi-quyet-19-Trach-nhiem-quyet-liet-phoi-hop-chat-che/295429.vgp
5. Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/2/2017 của Chính phủ Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.