Nhiều doanh nghiệp vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật lao động

23/12/2015
Nhiều doanh nghiệp vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật lao động
Ngày 21/12/2015, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội phối hợp với Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020) tổ chức Đối thoại pháp luật lao động với doanh nghiệp. Hơn 100 đại biểu đại diện cho các tổ chức đại diện của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp tham dự buổi đối thoại và với báo đài đưa tin về Hội nghị.

Hội nghị đối thoại do Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Phạm Minh Huân cùng với TS. Nguyễn Thanh Tú, Q. Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp; TS. Đinh Xuân Thảo, đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội và đại diện Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị đối thoại, các chuyên gia và đại biểu đã trao đổi về cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm xác định mục tiêu của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp một cách đồng bộ, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, nâng cao nhận thức pháp luật, hiệu quả công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp cần hỗ trợ những vấn đề gì về pháp lý liên quan đến hoạt động, sản xuất kinh doanh của mình?"; "Làm thế nào để hạn chế, phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp?" là nội dung của cuộc đối thoại. Tại cuộc đối thoại, nhiều doanh nghiệp đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi pháp luật. Doanh nghiệp muốn tuân thủ pháp luật lao động, tuy nhiên, ngay trong bộ máy của họ cũng chưa hình thành bộ phận pháp chế, tổ pháp lý hay luật sư tư vấn pháp luật trong các hoạt động của mình.

Hơn 20 lĩnh vực pháp lý có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp đã được giới thiệu trong cuộc đối thoại này. Bộ Tư pháp mong muốn, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 sẽ giúp các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực pháp luật lao động hoạt động và hội nhập mạnh mẽ hơn. Qua hội nghị các đại biểu đều thống nhất được các giải pháp nhằm năng cao công tác này trong thời gian tới:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin pháp luật lao động cho doanh nghiệp, truyền tải chính sách pháp luật của Nhà nước, của Bộ tới các doanh nghiệp; tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận một cách nhanh chóng, dễ dàng với các thông tin pháp lý, qua đó tăng cường nhận thức, ý thức pháp luật của doanh nghiệp và tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp thi hành pháp luật lao động có hiệu quả.

Thứ hai, chủ động nắm bắt, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp thông qua hoạt động điều tra, khảo sát; đồng thời tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp một cách có trọng tâm, trọng điểm tại các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho doanh nghiệp, tiếp nhận vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp để hoàn thiện pháp luật lao động.

Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp với Bộ Tư pháp (là đơn vị đầu mối của Chương trình 585), với các Bộ, ngành, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội, doanh nghiệp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam và các doanh nghiệp hỗ trợ về kỹ thuật và nguồn lực để đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Thứ tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát huy vai trò chủ động trong hoạt động hỗ trợ pháp lý, giúp cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế.

ThS. Trần Minh Sơn, Bộ Tư pháp