Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về quá trình hình thành và phát triển của quan điểm Cộng đồng ASEAN dựa trên cơ sở luật lệ, trong đó được chia thành 3 giai đoạn chủ yếu như sau:
Giai đoạn đầu tiên là từ năm 1967 – năm 1991: tổ chức thể chế đơn giản, liên kết rất lỏng lẻo, hợp tác khu vực chủ yếu mang tính chất chính trị; hoạt động của ASEAN không có gì đáng kể với ba Hội nghị Cấp cao 1976, 1977, 1987. Ban thư ký ASEAN được thành lập vào năm 1976. Hai văn kiện quan trọng của được ký trong giai đoạn này là Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) và Tuyên bố về sự hòa hợp ASEAN I (Bali Concord I).
Giai đoạn thứ hai từ năm 1992 – năm 2008: đây là giai đoạn mở rộng thành viên, mở rộng hợp tác trong mọi lĩnh vực, trong đó trọng tâm là hợp tác kinh tế và quan hệ đối ngoại. Cơ cấu tổ chức của ASEAN được củng cố thông qua việc tổ chức hội nghị cấp cao định kỳ, cải tổ và tăng cường vai trò của Ban thư ký ASEAN... ASEAN phát triển sâu và rộng trên nhiều lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng trải qua những giai đoạn khó khăn như khủng hoảng kinh tế khu vực, bất ổn chính trị tại nhiều nước thành viên...
Giai đoạn từ 2009 trở lại đây: đây là giai đoạn Hiến chương ASEAN hiệu lực, đánh dấu một bước ngoặt, thay đổi về chất của ASEAN đối với mô hình Cộng đồng ASEAN dựa trên cơ sở luật lệ. Đặc biệt, Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN năm 2015 được các nhà lãnh đạo ASEAN ký vào ngày 22/11/2015 một lần nữa đã khẳng định rõ quan điểm của ASEAN về việc xây dựng Cộng động ASEAN dựa trên cơ sở luật lệ như sau "Nhấn mạnh mong muốn của chúng ta nhằm tiến tới một ASEAN thực sự dựa trên luật lệ, hướng tới con người, lấy con người làm trung tâm, nơi các dân tộc của chúng ta tiếp tục tham gia và hưởng lợi đầy đủ từ tiến trình liên kết và xây dựng cộng đồng đang diễn ra của ASEAN; và bảo đảm tiếp tục thực hiện các cam kết của chúng ta đối với tiến trình xây dựng cộng đồng đang diễn ra của ASEAN, trong đó có tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, dựa trên các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN".
Thách thức cho việc xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng đã được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận, trong đó nổi bật nhất là sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên của ASEAN về tôn giáo, ngôn ngữ, dân tộc, văn hóa, trình độ phát triển và đặc biệt là truyền thống pháp lý. Các nước ASEAN có sự khác biệt đáng kể về truyền thống pháp luật, một số nước theo truyền thống luật án lệ (common law), một số nước khác theo hệ thống luật thành văn (civil law), một số khác lại bị tác động bởi hệ thống luật hồi giáo. Chính sự khác biệt này đã dẫn đến các cách hiểu và thực thi cam kết tại các nước thành viên ASEAN có sự khác nhau đáng kể.
Bên cạnh đó, quá trình mở rộng của ASEAN cũng đang tạo ra thách thức lớn đối với các quốc gia thành viên. Cộng đồng ASEAN dựa trên cơ sở 3 trụ cột chính là: Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội. Trên cơ sở 3 trụ cột chính, ASEAN được tổ chức dựa trên cơ sở các cuộc họp của các nhà lãnh đạo và bộ máy giúp việc tại Ban Thư ký ASEAN. Việc mở rộng về cơ cấu tổ chức trong ASEAN đòi hỏi tổ chức này cần phải xây dựng thể chế dựa trên cơ sở pháp luật. Các cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN quá nhiều và nhiều cuộc họp trong số đó mang tính hình thức. Theo thông tin của Ban Thư ký ASEAN, hàng năm ASEAN tổ chức khoảng 1200 cuộc họp. Nhiều cam kết tại các cuộc họp chỉ có ý nghĩa chính trị, cam kết về mặt chính trị và không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý.
Việc thực thi các quy định tại hiệp định trong ASEAN cũng được nhiều đại biểu cho là còn yếu. Hiện nay ASEAN đã ký kết khoảng hơn 300 các văn kiện quốc tế nhưng theo nghiên cứu gần đây thì khoảng 30% trong số đó không được thực hiện. Cá biệt có những trường hợp như Nghị định thư của Hiến chương ASEAN về cơ chế giải quyết tranh chấp đã được 10 quốc gia thành viên ASEAN ký vào ngày 08/4/2010 tại Hà Nội nhưng chưa có hiệu lực do một số nước ASEAN chưa thực hiện thủ tục trong nước (phê duyệt/phê chuẩn) đối với Nghị định thư. Hơn thế, ASEAN chưa xây dựng được cơ chế theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả việc triển khai ở cả cấp quốc gia và khu vực. Việc đảm bảo thực thi các cam kết trong ASEAN chỉ được thực hiện thông qua hình thức sức ép của các nước thành viên ASEAN khác (peer pressure) hay công khai chỉ trích làm mất thể diện (name and shame) không phát huy hiệu quả.
Cơ chế giải quyết tranh chấp trong ASEAN cũng chưa được vận hành phù hợp. Mặc dù ASEAN đã phát triển ba cơ chế giải quyết tranh chấp chính: Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á năm 1976 (TAC), Nghị định thư năm 1996 về cơ chế giải quyết tranh chấp và sau đó là Nghị định thư năm 2004 về tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp đối với các tranh chấp liên quan đến các hiệp định kinh tế ASEAN, và các quy định của Hiến chương ASEAN – cơ sở để xây dựng Nghị định thư của Hiến chương ASEAN về các cơ chế giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, các cơ chế giải quyết tranh chấp này chưa một lần được áp dụng trên thực tế.
Không những vậy, phương cách của ASEAN cũng bộc lộ những bất cập nhất định. Một trong những đặc điểm của phương cách ASEAN là việc ra quyết định dựa trên sự đồng thuận (consencus). Tuy nhiên, với sự khác biệt nhất định về văn hóa, chính trị, tôn giáo và pháp luật giữa các nước ASEAN, việc đưa ra quyết địnhdựa trên cơ đồng thuận đã dẫn đến trì hoãn nhất định đối với các quyết định củanước thành viên. Chính vì vậy, nhiều thỏa thuận của các nước ASEAN đã không thể đạt được và bị trì hoãn qua nhiều cuộc họp.
Trên cơ sở kết quả thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu tham dự Hội thảo đã thống nhất đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường cộng đồng ASEAN dựa trên cơ sở luật lệ như: (i) tăng cường nhận thức của các cán bộ pháp luật trong nước, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người dân về việc xây dựng Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng ASEAN trên cơ sở luật lệ; (ii) tăng cường vai trò của Ban Thư ký ASEAN đặc biệt là vai trò của bộ phận pháp lý trong ASEAN. Đối với việc xây dựng các văn kiện pháp lý trong ASEAN, thay vì việc các nước thành viên đứng ra dự thảo văn kiện thì Ban Thư ký ASEAN sẽ là người chuẩn bị dự thảo Văn kiện để đảm bảo sự khách quan của dự thảo thỏa thuận. Ban Thư ký đồng thời cần phải xây dựng cơ chế giám sát quá trình thực thi các văn kiện pháp lý của ASEAN, xây dựng cơ chế báo cáo;(iii) xây dựng văn hóa tôn trọng và tuân thủ các cam kết trong các quốc gia thành viên ASEAN, đảm bảo tính có trách nhiệm và minh bạch trong thể chế của ASEAN: các quốc gia thành viên ASEAN cần đảm bảo việc tuân thủ các cam kết trong ASEAN theo đúng nguyên tắc tự nguyên thực hiện các cam kết quốc tế (pacta sunt ser vanda). Hội thảo cũng kêu gọi các nước thành viên chưa phê chuẩn/phê duyệt các văn kiện của ASEAN cần sớm tiến hành thủ tục phê chuẩn/phê duyệt trong nước để có hiệu lực trên thực tế, đặc biệt là Nghị định thư của Hiến chương ASEAN về cơ chế giải quyết tranh chấp năm 2010;(iv) các quốc gia thành viên ASEAN cần rà soát các cam kết của mình trong ASEAN, đảm bảo thực hiện các thủ tục trong nước để các văn kiện pháp lý của ASEAN có hiệu lực, chuyển hóa các cam kết trong ASEAN vào pháp luật trong nước đối với các nước theo cách tiếp cận về chuyển hóa điều ước quốc tế; (v) thúc đẩy việc sửa đổi Nghị định thư 2004 về tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp trong ASEAN nhằm tạo cơ chế hiệu quả giải quyết tranh chấp và bất đồng trong lĩnh vực kinh tế giữa các nước thành viên ASEAN.
Hội thảo quốc tế về xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên cơ sở luật lệ đã kết thúc tốt đẹp, các đại biểu tham dự Hội thảo đều đánh giá cao về kết quả của Hội thảo và bày tỏ mong muốn tổ chức nhiều hơn các hội thảo chuyên sâu về các chủ đề pháp lý liên quan tới ASEAN.
Bùi Hương Quế, Vụ Hợp tác quốc tế
Các yêu cầu của Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ theo tầm nhìn ASEAN 2025
- Về chính trị - an ninh:
(i) triển khai hiệu quả và đầy đủ Hiến chương ASEAN và các thỏa thuận khác;
(ii) đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế về ứng xử hòa bình giữa các quốc gia;
(iii) tôn trọng các nguyên tắc độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp và bản sắc quốc gia;
(iv) thúc đẩy các giá trị dân chủ, pháp trị, quản trị tốt, chống tham nhũng; tăng cường hợp tác và hỗ trợ giữa các nước về củng cố luật pháp, các hệ thống tư pháp và hạ tầng pháp lý;
(v) giải quyết tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương ASEAN và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế;
(vi) củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong việc định hình cấu trúc khu vực mở, minh bạch, toàn diện và dựa trên luật lệ, trong đó có xem xét khả năng xây dựng một văn kiện ràng buộc pháp lý trên cơ sở phát huy Hiệp ước TAC để áp dụng cho phạm vi khu vực rộng lớn hơn.
- Về kinh tế:
(i) thúc đẩy các nguyên tắc quản trị tốt, minh bạch và các quy định liên quan;
(ii) giải quyết hiệu quả các tranh chấp kinh tế, trong đó có việc thúc đẩy áp dụng Nghị định thư ASEAN về tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp.
- Về văn hóa – xã hội:
(i) tăng cường cam kết, sự tham gia và trách nhiệm của người dân thông qua một cơ chế chung trên cơ sở các nguyên tắc quản trị tốt;
(ii) thể chế hóa các chính sách của ASEAN về tham vấn và tham gia của các bên liên quan trong hoạt động của các Cơ quan ASEAN từ sáng kiến xây dựng chính sách, đánh giá tác động chính sách, triển khai và giám sát.