Giới thiệu về tổ chức tham vấn pháp luật Á-Phi (AALCO)

09/12/2015
Giới thiệu về tổ chức tham vấn pháp luật Á-Phi (AALCO)
Ngày 24/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nghiên cứu gia nhập Tổ chức Tham vấn pháp luật Á Phi (AALCO), trong đó đã chỉ đạo cần sớm hoàn thiện các thủ tục trong nước để gia nhập Tổ chức này vào Quý I năm 2016. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chung về AALCO, tổ chức quốc tế uy tín trong lĩnh vực pháp luật quốc tế.   
 

1. Bối cảnh ra đời

Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, phong trào đấu tranh giành độc lập tại Châu Á và Châu Phi đã đưa các nước ở hai châu lục này xích lại gần nhau. Kể từ khi giải phóng dân tộc, các nước này đều nhận thấy vai trò của mình còn thụ động và bị phân biệt đối xử trong môi trường pháp luật quốc tế. Đối với các tổ chức quốc tế nói chung và các tổ chức quốc tế về pháp luật nói riêng, các nước Á - Phi thường ở vị thế thụ động gia nhập với tư cách là nước thuộc địa. Các cơ quan, tổ chức quốc tế ảnh hướng lớn tới quá trình xây dựng luật pháp quốc tế như  Ủy ban Pháp luật quốc tế của Liên hợp quốc, Ủy ban tư pháp liên Mỹ, Ủy ban châu Âu về hợp tác pháp luật, Viện pháp luật quốc tế, Hiệp hội luật quốc tế… đều không phản ánh được quan điểm, lập trường, nguyện vọng của các nước Châu Á và Châu Phi. Do đó, các nước này đều có nhận định chung về vị thế yếu của mình trong sự phát triển của pháp luật quốc tế cũng như quá trình pháp điển hóa của luật quốc tế.  Chính vì vậy, nhu cầu xây dựng một diễn đàn hợp tác khu vực để tập hợp quan điểm của các nước Châu Á và Châu Phi và phản ánh quan điểm của các nước này đối với sự phát triển của luật quốc tế đã xuất hiện. Năm 1955, Hội nghị Bandung Á - Phi đã thông qua đề xuất thành lập một tổ chức tư vấn cho các nước Á - Phi trong lĩnh vực tư vấn pháp luật quốc tế.

Một năm sau Hội nghị Bandung, Ủy ban tham vấn luật Châu Á (ALCC) đã được thành lập với 7 quốc gia thành viên, bao gồm Mi-an-ma, Xri-Lan-ca, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Cộng hòa Ả Rập thống nhất (hiện nay tách thành 2 quốc gia là Cộng hòa Ả Rập Ai Cập và Cộng hòa Ả RậpSyria). Năm 1958, Tổ chức này đổi tên thành Uỷ ban tham vấn pháp luật Á - Phi (AALCC) với sự tham gia của các thành viên thuộc lục địa Châu Phi. Trước năm 1981, tổ chức này được thành lập như một tổ chức tạm thời với nhiệm kỳ 5 năm và chính thức trở thành tổ chức thường niên từ năm 1981 tại phiên họp ở Colombo, Xri-Lan-ca.Năm 2001, tại phiên họp lần thứ 40 New Delhi,Ấn Độ, Ủy ban này đã đổi tên thành Tổ chức tham vấn pháp luật Á-Phi (AALCO).

Kể từ khi thành lập vào năm 1956 cho đến nay, AALCO đã phát triển mạnh mẽ về số lượng thành viên. Khi thành lập, AALCO chỉ gồm có 7 thành viên sáng lập và lãnh đạo các phong trào không liên kết. Cho đến nay AALCO có 47 thành viên, trong đó 32 thành viên ở Châu Á (trong số đó có sáu quốc gia Đông Nam Á, gồm: Bru-nây Da-ru-xa-lem, In-đô-nê-xia, Ma-lai-xi-a, Mi-an-ma, Xing-ga-po và Thái Lan) và 15 thành viên ở Châu Phi. Ô-xtrây-lia và New Zealand là quan sát viên của tổ chức này kể từ năm 1981. AALCO đã được Liên hợp quốc công nhận là quan sát viên thường trực của Liên hợp quốc.

2. Chức năng và mục tiêu hoạt động

Quy chế của AALCO được thông qua lần đầu tiên vào năm 1956 với mục tiêu chính là tham vấn hỗ trợ Chính phủ các nước thành viên về pháp luật quốc tế và thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên trong lĩnh vực này. Trong quá trình phát triển, Quy chế đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 1987 và năm 2004 để phù hợp hơn với nhu cầu và nguyện vọng của hầu hết các nước thành viên cũng như điều kiện thực tế của AALCO.

Điều 1 của Quy chế quy định chức năng, nhiệm vụ và mục đích hoạt động của AALCO như sau:

-Xem xét và cân nhắccác vấn đề liên quan đến luật quốc tế được các quốc gia thành viên đưa ra và kiến nghị cho Chính phủ các nước thành viên khi cần thiết.

- Trao đổi quan điểm, kinh nghiệm và thông tin về những vấn đề các bên cùng quan tâm liên quan đến việc thực thi pháp luật và đưa ra các kiến nghị khi thấy cần thiết.

- Bày tỏ quan điểm về vấn đề liên quan đến luật quốc tế đang được Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác xem xét khi được sự đồng ý của các quốc gia thành viên.

- Nghiên cứuđưa ra ý kiến đối với chủ đề được Ủy ban Pháp luật pháp quốc tế nêu ra; xem xét và đưa ra các khuyến nghị đối với các báo cáo của Ủy ban cho chính phủ các nước thành viên nếu thấy cần thiết.

- Thực hiện các hoạt động cần thiết khác phù hợp với chức năng và mục tiêu của AALCO khi có sự đồng ý hoặc theo yêu cầu của các quốc gia thành viên.

3. Quyền và nghĩa vụ của nước thành viên AALCO

a.  Các quyền lợi cơ bản của thành viên

Theo Quy chế của AALCO và Quy định hướng dẫn Quy chế, các quốc gia thành viên của AALCO được hưởng những quyền lợi cơ bản sau:

- Được mời tham dự các phiên họp của AALCO và được quyền phát biểu và biểu quyết tại các phiên họp của tổ chức: ví dụ như biểu quyết về những thay đổi trong tổ chức và hoạt động của tổ chức, thông qua ngân sách, kết nạp thành viên hoặc thành viên dự khuyết.

- Được hưởng các dịch vụ của AALCO như: cung cấp các tư vấn pháp lý cho các quốc gia thành viên trong lĩnh vực pháp luật quốc tế, hỗ trợ xây dựng các luật mẫu của quốc gia và được cử cán bộ thực tập và làm việc tại Ban Thư ký của AALCO, được cập nhật tình hình về pháp luật quốc tế thông qua các ấn phẩm của AALCO.

b. Các nghĩa vụ của thành viên

- Chỉ định Chuyên gia pháp luật làm đầu mối tham gia các hoạt động của Tổ chức.

- Tham dự đầy đủ các phiên họp do AALCO tổ chức.

- Đóng góp niên liễm cho hoạt động của AALCO, mức đóng góp sẽ được xác định hàng năm trên cơ sở thống nhất của các nước tại Hội nghị thường niên hàng năm.

4. Điều kiện, thủ tục trở thành thành viên, thành viên dự khuyết của AALCO và từ bỏ tư cách thành viên, thành viên dự khuyết

a. Điều kiện, thủ tục trở thành thành viên của AALCO

Các nước Châu Á và Châu Phi đều có thể trở thành thành viên của AALCO. Các nước muốn trở thành thành viên của AALCO gửi đơn đề nghị gia nhập cho Tổng Thư ký AALCO. Đơn đề nghị gia nhập thể hiện nguyện vọng gia nhập và khẳng định chấp nhận Quy chế và Quy định hướng dẫn (Mục 4 của Quy định hướng dẫn). Việc chấp nhận gia nhập được thực hiện dưới một trong hai hình thức sau đây:

- Hình thức thứ nhất: các nước thành viên sẽ bỏ phiếu thông qua đề nghị gia nhập tại phiên họp thường niên của AALCO.

- Hình thức thứ hai: trong trường hợp thời gian nộp đơn cách kỳ họp quá hai tháng, Ban Thư ký thông báo cho các nước thành viên về việc xin gia nhập. Các nước thành viên có trách nhiệm trả lời trong thời hạn sáu tuần. Nếu quá thời hạn yêu cầu mà nước thành viên không phản hồi về đề nghị gia nhập thì thành viên đó được cho là không phản đối việc gia nhập của quốc gia đề nghị gia nhập. Nếu 2/3 tổng số các nước thành viên đồng ý, thì quốc gia đề nghị gia nhập sẽ chính thức trở thành thành viên của AALCO.

b. Điều kiện, thủ tục trở thành thành viên dự khuyết của AALCO

Các nước Châu Á và Châu Phi cũng có thể đề nghị gia nhập AALCO với tư cách là thành viên dự khuyết. Thủ tục gia nhập AALCO với tư cách là thành viên dự khuyết cũng giống như thủ tục gia nhập với tư cách thành viên. Thành viên dự khuyết được tham dự các phiên họp của AALCO và các hoạt động khác như thành viên nhưng không được quyền bỏ phiếu.

c. Từ bỏ tư cách thành viên, thành viên dự khuyết

Chính phủ nước thành viên AALCO hoặc nước thành viên dự khuyết có thể từ bỏ tư cách thành viên, thành viên dự khuyết thông qua việc gửi thông báo bằng văn bản cho Tổng Thư ký trong thời gian sáu tháng trước ngày từ bỏ tư cách có hiệu lực.

Các đóng góp của thành viên kể cả niên liễm sẽ được trả lại cho quốc gia thành viên từ bỏ hoặc quốc gia thành viên dự khuyết.

5. Tổ chức và hoạt động

a. Hội nghị thường niên

Hội nghị thường niên của AALCO được tổ chức hàng năm để thảo luận và trao đổi ý kiến, quan điểm, tham vấn về những vấn đề pháp luật quốc tế là mối quan tâm của các nước thành viên. Trên cơ sở kết quả thảo luận, Hội nghị đưa ra những quan điểm, ý kiến chung dưới hình thức nghị quyết hoặc cử đại diện của AALCO phát biểu tại các diễn đàn hay khuôn khổ quốc tế khác có trách nhiệm về các nội dung pháp luật quốc tế liên quan.

Bên cạnh các nước thành viên, rất nhiều phái đoàn là các Chính phủ và đại diện của các tổ chức quốc tế ở các khu vực được mời tham dự Hội nghị với tư cách quan sát viên như như Úc và New Zealand, Nga, các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc, Tòa án hình sự quốc tế, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế…

Đại biểu tham dự Hội nghị thường niên là quan chức cấp cao của các quốc gia thành viên, ví dụ như Bộ trưởng, Tổng Chưởng lý và các quan chức cao cấp khác. Một điểm đặc biệt tại Hội nghị thường niên của AALCO là các học giả, chuyên gia pháp luật quốc tế nổi tiếng thế giới được mời tham dự để trình bày về các vấn đề pháp luật quốc tế đương đại nhằm giúp các đại biểu có cái nhìn toàn diện hơn về những vấn đề pháp luật quốc tế hiện đại.

Việc tổ chức Hội nghị thường niên thường do các nước thành viên đăng cai thực hiện trên cơ sở luân phiên giữa hai Châu lục. Trong trường hợp không có nước nào đăng cai tổ chức thì Hội nghị sẽ được tổ chức tại trụ sở chính của AALCO là New Deili, Ấn Độ.

Bên cạnh hội nghị thường niên, các hội nghị giữa kỳ cũng là những hội nghị quan trọng của AALCO. Theo kế hoạch hoạt động đã được phê duyệt của AALCO, Tổng Thư ký sẽ chủ động tổ chức hội nghị giữa kỳ và có thể tổ chức các cuộc họp tư vấn giữa kỳ nhằm nghiên cứu một số vấn đề cụ thể mà AALCO đang quan tâm.

b. Hội nghị của các cán bộ liên lạc

Hội nghị của các cán bộ liên lạc được coi như Ủy ban điều hành của AALCO. Hội nghị được tổ chức 2 tháng/1 lần để thảo luận về những vấn đề chung của AALCO, ví dụ chuẩn bị cho Hội nghị thường niên và những vấn đề quan trọng đang được AALCO thảo luận.

Nhiệm vụ của cán bộ liên lạc là cầu nối liên hệ giữa AALCO và chính phủ nước thành viên, phản ánh quan điểm và lập trường của nước thành viên đối với những vấn đề đang được AALCO thảo luận cũng như những sáng kiến của quốc gia thành viên.

Cán bộ liên lạc của quốc gia phải là những người có chuyên môn pháp lý. Cán bộ này đại diện cho chính phủ trong thời gian giữa hai Hội nghị thường niên và thường là các cán bộ thuộc cơ quan ngoại giao của các quốc gia thành viên đặt tại New Delhi.

Cho đến thời điểm hiện nay, 316 phiên họp của các cán bộ liên lạc đã được tổ chức và biên bản cuộc họp này là nguồn tư liệu quý giá cho sự phát triển và hoạt động của AALCO.

c. Ban Thư ký

Ban Thư ký thông qua các hoạt động mang tính thường xuyên, có trách nhiệm tổ chức và thực thi các quyết định tại phiên họp thường niên. Ban Thư ký  chuẩn bị báo cáo, tài liệu và tư vấn cho Chính phủ của quốc gia thành viên, tổ chức các khóa đào tạo cho các cán bộ pháp luật của nước thành viên, duy trì sự hợp tác mật thiết với Liên hợp quốc, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực khác trong việc thực hiện các mục tiêu của AALCO. Ban Thư ký cũng đóng vai trò là cơ quan tư vấn cho chính phủ các nước thành viên trong lĩnh vực pháp luật quốc tế.

Ban Thư ký gồm các cán bộ chuyên môn và cán bộ hành chính hỗ trợ cho Tổng Thư ký thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Ban Thư ký thành lập Phái đoàn quan sát viên của Liên hợp quốc tại New York và Vienna. Ban Thư ký của AALCO được đặt tại New Delhi, Ấn Độ theo thỏa thuận với Chính phủ Ấn Độ.

Tổng Thư ký của AALCO do các nước thành viên bầu với nhiệm kỳ là 4 năm trên cơ sở luân phiên giữa hai khu vực Châu Á và Châu Phi. Tổng Thư ký phải là người mang quốc tịch của quốc gia thành viên, có kinh nghiệm pháp lý chuyên sâu và kinh nghiệm quản lý điều hành.

Tổng Thư ký có nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo và điều hành các chương trình hoạt động đã được Hội nghị thường niên thông qua. Nhiệm vụ của Tổng Thư ký là rà soát các công việc tổ chức liên quan tới các vấn đề đang được bàn thảo tại Ủy ban Pháp luật quốc tế và đưa ra quan điểm của các nước thành viên về vấn đề này. Một trong những vai trò quan trọng của Tổng Thư ký là thúc đẩy hợp tác với Liên hợp quốc, các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.

d. Trung tâm nghiên cứu và đào tạo

Trung tâm nghiên cứu và đào tạo, tiền thân là trung tâm cơ sở dữ liệu được thành lập vào năm 1989 để thu thập về các công cụ thương mại và kinh tế thế giới cũng như pháp luật của các nước thành viên. Trong nhiều năm qua, hoạt động của trung tâm được mở rộng và đi vào thực chất hơn bao gồm nghiên cứu và phổ biến thông tin về các chủ đề pháp luật quốc tế.

Những hoạt động chính của trung tâm gồm:

- Tăng cường năng lực thông qua các dự án nghiên cứu về pháp luật quốc tế và về những vấn đề pháp luật có liên quan tới các nước Châu Á - Châu Phi.

- Tổ chức chương trình đào tạo cho các cán bộ pháp luật của các nước thành viên AALCO, đặc biệt liên quan tới pháp luật quốc tế.

- Tổ chức hội thảo, tọa đàm gồm có các chuyên gia pháp luật quốc tế cả trong và ngoài khu vực Á - Phi.

- Xuất bản các báo cáo và biên bản họp hàng năm của AALCO về pháp luật quốc tế.

- Cập nhật thông tin về các hoạt động của AALCO lên trang web của AALCO cũng như là cầu nối với Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác về các vấn đề pháp luật quốc tế.

- Hỗ trợ cho các nước thành viên trong việc soạn thảo Luật mẫu, Hiến pháp mẫu, Hiệp định song phương theo yêu cầu của quốc gia thành viên.

e. Trung tâm trọng tài khu vực của AALCO

Một trong những thành công lớn của AALCO là xây dựng được các Trung tâm trọng tài thương mại với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động trọng tài thương mại quốc tế trong khu vực Châu Á - Châu Phi. Hiện nay, 05 Trung tâm trọng tài đã được thành lập tại Kuala Lumpur (Malaysia năm 1978), Cairo (Ai Cập 1979), Lagos (Nigeria 1980), Tehran (Iran 1997) và Nairobi (Kenya 2007). Các Trung tâm này đều được Chính phủ các nước công nhận về vai trò độc lập giống như các tổ chức quốc tế và giành các ưu đãi, miễn trừ cho các Trung tâm này.

Giám đốc là người đứng đầu trung tâm do Chính phủ nước chủ nhà bổ nhiệm trên cơ sở tham vấn với Tổng Thư ký của AALCO. Các Giám đốc của Trung tâm sẽ báo cáo về hoạt động của Trung tâm tại phiên họp thường niên của AALCO…

Gần đây, các Trung tâm này đã giành được uy tín nhất định trong các trung tâm trọng tài quốc tế thông qua việc ngày càng nhiều các tranh chấp kinh tế thương mại lựa chọn giải quyết tại các Trung tâm này. Các Trung tâm này đang đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các tranh chấp có liên quan tới giao dịch kinh tế thương mại trong các khu vực Châu Á và Châu Phi.

6. Ngân sách của AALCO

Ngân sách của AALCO được huy động từ ba nguồn (i) quỹ thường niên do các nước thành viên đóng góp (ii) đóng góp tự nguyện của các nước thành viên, trong đó kể cả việc cử người tham gia làm việc tại AALCO và (iii) quỹ Ả Rập dùng cho các mục đích đặc biệt từ các nước Ả Rập.

Tất cả các nước thành viên cam kết đóng góp vào quỹ thường niên. Quỹ thường niên được chia trên cơ sở đồng thuận và dựa trên tiềm lực kinh tế của các quốc gia thành viên. Các quốc gia thành viên từ các quốc gia nói tiếng Ả rập đóng góp thêm vào quỹ Ả Rập. Các nước Ả Rập đóng góp vào Quỹ để dịch các tài liệu sang tiếng Ả Rập và cho phiên dịch viên trong các Phiên họp thường niên. Kể từ hai buổi họp gần đây nhất, phiên họp thứ 42 và 43 tổ chức lần lượt tại Seoul (Hàn Quốc) và Bali (Indonesia), các bản dịch tiếng Pháp bắt đầu được sử dụng vì lợi ích của các quốc gia nói tiếng Pháp ở Châu Phi. Chi phí dịch sang tiếng Pháp thông thường được đảm bảo bởi nước chủ nhà nơi diễn ra phiên họp.

7. Kết quả đạt được

Các hoạt động của AALCO đã được mở rộng theo thời gian nhằm đáp ứng yêu cầu của các nước thành viên cũng như những thay đổi của thế giới hiện nay. AALCO đã có bước phát triển mạnh trong lĩnh vực luật biển, thương mại, luật nhân quyền quốc tế, luật về di cư và luật về môi trường quốc tế. Đồng thời, AALCO đã tạo được mối liên hệ chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như: Uỷ ban Pháp luật quốc tế của Liên hợp quốc, các tổ chức chuyên ngành của Liên hợp quốc (UNHCR, UNDP, UNODC…) và các tổ chức quốc tế khác.

a. Đóng góp của AALCO vào sự phát triển của pháp luật quốc tế

Sau hơn 50 năm hoạt động, AALCO đã có nhiều đóng góp trong việc giải quyết các vấn đề pháp luật quốc tế liên quan tới các nước Châu Á và Châu Phi, đồng thời thúc đẩy quan điểm của khối này trong sự phát triển của luật quốc tế trên thế giới.

Một số thành tựu điển hình của AALCO đối với pháp luật quốc tế:

- Luật Biển

AALCO đã có đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và hoàn thiện Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và được công nhận trong cộng đồng quốc tế.

AALCO đã rất chủ động xây dựng chương trình hành động của mình nhằm góp phần vào việc xây dựng UNCLOS. Thông qua các phiên họp thường niên, các phiên họp giữa kỳ trong 10 năm liên tục, AALCO đã đưa ra các bình luận, đề xuất đối với UNCLOS và cập nhật cho các nước thành viên về tình hình đàm phán xây dựng UNCLOS. AALCO đã có ảnh hưởng và đóng góp nhiều vào UNCLOS, đặc biệt là đưa sáng kiến đối với rất nhiều thuật ngữ trong UNCLOS, ví dụ như khu vực đặc quyền kinh tế, các quốc gia quần đảo, quyền của các nước không có biển…

Nhờ đóng góp của AALCO đối với UNCLOS, số lượng thành viên của AALCO trong thời điểm này đã tăng đột biến với 20 nước đã tham gia ở giai đoạn này.

- Các chủ đề về pháp luật quốc tế khác

Bên cạnh những đóng góp cho UNCLOS, trong thời gian qua AALCO cũng tích cực tham gia vào quá trình phát triển các lĩnh vực khác của pháp luật quốc tế, chẳng hạn tham gia vào quá trình xây dựng luật ngoại giao, luật điều ước quốc tế, luật người tỵ nan, pháp luật về quyền con người và nhân đạo quốc tế, luật hình sự quốc tế, pháp luật chống tham nhũng…

b. Hợp tác vớicác tổ chức quốc tế

- Hợp tác với các tổ chức của Liên hợp quốc

AALCO là tổ chức liên Chính phủ duy nhất gắn kết hai khu vực Châu Á và Châu Phi và luôn định hướng hoạt động phù hợp với công việc của Liên hợp quốc trong rất nhiều lĩnh vực. Năm 1980 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết công nhận AALCO là quan sát viên thường trực của Liên hợp quốc. AALCO và Liên hợp quốc cũng thỏa thuận là hàng năm nội dung hợp tác giữa hai tổ chức sẽ được đưa vào trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng.

Bên cạnh mối quan hệ chặt chẽ với Liên hợp quốc, AALCO còn thiết lập quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc thông qua việc ký kết thỏa thuận hợp tác chính thức. AALCO phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức các cuộc họp chung và các hội thảo về các chủ đề mà các bên cùng quan tâm.

Hàng năm, AALCO tổ chức một cuộc họp của các chuyên gia pháp lý tại New York, cùng thời điểm diễn ra các cuộc họp của Đại hội đồng. AALCO thường mời thêm các chuyên gia pháp lý của các nước không phải là thành viên AALCO, đại diện của Liên hợp quốc và các cơ quan của Liên hợp quốc tham dự cuộc họp này.

Một trong những định hướng lớn của AALCO là nghiên cứu và chia sẻ quan điểm của AALCO đối với các chủ đề Ủy ban Pháp luật pháp quốc tế đưa ra; xem xét các báo cáo của Ủy ban và đưa ra các kiến nghị cho chính phủ các nước thành viên nếu thấy cần thiết.Đã trở thành thông lệ, các phiên họp của hai tổ chức này đều có sự hiện diện của nhau. Thông thường, chủ tịch hoặc thành viên của Ủy ban Pháp luật pháp quốc tế phát biểu tại các phiên họp của AALCO và sau khi kết thúc phiên họp, Tổng Thư ký của AALCO thường đưa ra thông điệp của AALCO tới Ủy ban. Việc tham gia của các thành viên của Ủy ban Pháp luật pháp quốc tế tại các phiên họp của AALCO đã nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động của AALCO. AALCO cũng thường xuyên phối hợp với Ủy ban Pháp luật pháp quốc tế tổ chức các hội thảo, tọa đàm quốc tế về các chủ đề đang trong chương trình nghị sự của Ủy ban Pháp luật pháp quốc tế cũng như các chủ để dự kiến đưa vào chương trình nghị sự sắp tới của Ủy ban.

- Hợp tác với Tòa án hình sự quốc tế

Kể từ khi Tòa án hình sự quốc tế được thành lập, những kết quả hoạt động của Tòa án hình sự quốc tế thường được cập nhật tại các phiên họp thường niên của AALCO và nhận được sự quan tâm các nước thành viên. AALCO cũng đóng góp lớn trong việc xây dựng Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế. AALCO và Tòa án hình sự quốc tế đã ký biên bản ghi nhớ giữa hai tổ chức vào năm 2008 nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức.

Một trong những nhiệm vụ trong Quy chế của AALCO là nghiên cứu các chủ đề đang được bàn thảo tại Tòa án hình sự quốc tế và sau đó chia sẻ quan điểm của các nước thành viên cho cơ quan này. Hoạt động này thắt chặt hơn quan hệ giữa AALCO và Tòa án hình sự quốc tế.

c. Đóng góp của AALCO cho việc phát triển pháp luật quốc tế tại các nước thành viên

Một trong những chức năng của AALCO là hỗ trợ các nước thành viên nghiên cứu các vấn đề pháp luật quốc tế và các vấn đề pháp luật mà các nước thành viên cùng quan tâm, bên cạnh việc xây dựng diễn đàn chung về hợp tác giữa các nước Châu Á và Châu Phi nhằm trao đổi quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin. Trong thời gian vừa qua, AALCO đã cam kết mở rộng trợ giúp pháp lý cho các quốc gia thành viên trong việc soạn thảo luật mẫu, dự thảo các nguyên tắc quốc tế hoặc công ước quốc tế.

Những thành tựu của AALCO trong việc soạn thảo luật mẫu bao gồm việc xây dựng nguyên tắc Băng Cốc về vị trí và đối xử với người tỵ nạn, dự thảo luật về người tỵ nạn, dự thảo luật về buôn bán phụ nữ và trẻ em…

8. Phương hướng hoạt động

- Tăng số lượng các nước thành viên: Hiện nay AALCO đã có 47 nước thành viên, trong đó 32 nước thành viên là Châu Á và 15 nước thành viên là từ Châu Phi. Tổ chức này mong muốn mở rộng thành viên trong khu vực, đặc biệt là các nước Trung Á và các nước trong khối Pháp ngữ.

- Hợp tác với các tổ chức quốc tế: Tiếp tục và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với Ủy ban Pháp luật quốc tế của Liên hợp quốc; tăng cường hợp tác với các tổ chức khu vực khác như Hiệp hội các nước  Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp hội Nam Á về hợp tác khu vực (SAARC), Cộng đồng phát triển Nam Phi (SADC), Cộng đồng các nước Ca-ri-bê (CARICOM).

- Tổ chức các cuộc họp của các chuyên gia pháp luật: AALCO mong muốn sẽ tổ chức nhiều hơn các cuộc họp của các chuyên gia pháp luật nhằm nắm bắt được quá trình xây dựng luật đang được thực hiện tại Uỷ ban Pháp luật quốc tế, phản ánh quan điểm của các nước thành viên và là cơ hội để các nước thành viên hợp tác và đoàn kết đưa ra quan điểm của các nước Châu Á - Châu Phi trên các diễn đàn đa phương.

- Tăng cường trung tâm nghiên cứu và đào tạo: Trung tâm này sẽ tích cực phối hợp hơn với các nước thành viên tổ chức các nghiên cứu, hội thảo, tọa đàm, các chương trình nâng cao năng lực và đào tạo cho các cán bộ của quốc gia thành viên.

- Tăng cường vai trò của Ban Thư ký: trong thời gian qua, Ban Thư ký đã có vai trò tích cực đối với các hoạt động của AALCO. Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu tiếp theo, Ban Thư ký cần thu hút được nhiều người tài của các nước thành viên tham gia vào tổ tư vấn cũng như tìm kiếm các nguồn hỗ trợ về tài chính cho hoạt động của Ban Thư ký.

Bùi Hương Quế