Ngày 2/6, dưới sự điều khiển của các Phó Chủ tịch Trương Quang Được và Nguyễn Phúc Thanh, Quốc hội tập trung thảo luận cho ý kiến xây dựng hai dự án luật mới, đó là Luật Quản lý thuế và Luật Bình đẳng giới.
Thảo luận dự án Luật Quản lý thuế, nhiều vị đại biểu Quốc hội đều cho rằng sự cần thiết của luật này là đương nhiên nhằm thống nhất, đồng bộ và cụ thể hơn các quy định về quản lý thuế, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh công tác quản lý, cải cách hành chính thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, khắc phục những hạn chế và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Sẽ khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý thuế
Từ thực tế, nhiều đại biểu phân tích: Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách quốc gia, nhưng lâu nay những tiêu cực trong việc nộp thuế, thu thuế và quản lý thuế còn rất nhiều bất cập, gây thất thoát cho ngân sách. Nhưng các đại biểu cũng cho rằng dự án Luật Quản lý thuế vẫn còn nặng về đối tượng phải nộp thuế và chưa quy định rõ chế tài đối với cán bộ thuế, cơ quan quản lý thuế và sự ra đời của luật này có khắc phục nổi những bất cập, tồn tại, vướng mắc về quản lý thuế trong thời gian qua, liệu có thu hồi nổi 420 tỷ đồng tiền thuế còn bị nợ đọng không? Vì vậy nhiều đại biểu cho ý kiến cần phải quy định rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ của người nộp thuế cũng như cơ quan quản lý thuế với những chế tài đủ mạnh và khả thi, nhất là những quy định về điều tra, kiểm tra, thanh tra đang còn là những trở ngại cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Xem xét vấn đề kiểm tra, thanh tra thuế, điều tra thuế, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) đề nghị cần quy định và làm rõ hơn nội hàm của hoạt động kiểm tra, thanh tra và điều tra thuế, tránh chồng chéo, gây khó khăn và cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh.Kiểm tra thuế là hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý thuế nhằm bảo đảm đầy đủ, kịp thời các nguồn thu vào ngân sách. Điều tra thuế nhằm mục đích thu thập những chứng cứ xác thực, đầy đủ khi đối tượng nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, khi có các khiếu kiện, khiếu nại về thuế; thanh tra là một hình thức kiểm tra toàn diện và đầy đủ.
Về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý thuế, đại biểu Tào Hữu Phùng (Hà Tây) nêu vấn đề: Dự án luật này phải khắc phục được tình trạng trốn lậu thuế, gian lận thương mại diễn ra khá phổ biến ở nước ta hiện nay. Vì vậy luật phải nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội và đặc biệt là trách nhiệm của cán bộ thu thuế và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế. Phải xác định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan thu thuế và quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của người nộp thuế; cần xác định quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực thi các luật thuế.
Cùng với nội dung dự thảo Luật, nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp thu, chỉnh sửa lại bố cục chương, điều, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ X.
Cần quy định tuổi nghỉ hưu trên nguyên tắc bình đẳng giới
Bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ không chỉ là lợi ích riêng của phụ nữ, mà đó còn là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một xã hội, của một đất nước. Đó cũng là mục tiêu mà đất nước nào cũng cần đặt ra trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay. Ở nước ta, nhiều phong tục lạc hậu, tư tưởng phong kiến "trọng nam, khinh nữ" vẫn còn nặng nề. Các quy định bình đẳng giới thiếu tính hệ thống, thiếu những quy định có giá trị pháp lý về nguyên tắc bình đẳng giới… Với những lý do trên, các đại biểu Quốc hội cho rằng Luật Bình đẳng giới là rất cần thiết.
Về tên gọi; phạm vi điều chỉnh; bố cục của dự án Luật, đa số ý kiến đồng ý với dự thảo "Luật Bình đẳng giới" phản ánh đúng nội dung của Luật. Nhưng vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đó là tuổi nghỉ hưu của lao động nữ. Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) sau khi phân tích thực tế đời sống kinh tế - xã hội ngày càng tốt, sức khoẻ của phụ nữ cũng ngày càng được nâng lên, tuổi thọ cao hơn nam giới, điều kiện chăm sóc y tế tốt hơn, bà đề nghị: Cần quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ trên nguyên tắc bình đẳng giới, nghĩa là nam nữ có quyền nghỉ hưu ở độ tuổi ngang nhau, tuy nhiên nếu phụ nữ có nhu cầu nghỉ hưu sớm thì được quyền nghỉ trước 5 năm.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới cũng có nhiều loại ý kiến khác nhau, nhưng các đại biểu đều nhất trí cho rằng cần có một cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới trong phạm vi ngành, lĩnh vực, theo sự phân công của Chính phủ…
Qua thảo luận vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau đề nghị dự án Luật cần tiếp tục làm rõ như bình đẳng giới trong các lĩnh vực và trong gia đình; về các biện pháp, quy định (đặc biệt) tạm thời nhằm thúc đẩy bình đẳng giới…. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo Ban soạn thảo bổ sung, chỉnh sửa để trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ X.
(Theo website Chính phủ)