Hôm nay (31-5), QH nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra của 6 dự thảo Luật, trong đó, dự thảo về Luật đê điều thu hút được sự chú ý của nhiều đại biểu cũng như của công luận, đặc biệt về vấn đề sử dụng bãi sông, lòng sông để xây dựng công trình, nhà cửa, trong đó có khu vực bãi sông Hồng ở Hà Nội.
Qua 5 năm triển khai thực hiện đến nay, Pháp lệnh Đê điều năm 2000 đã đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong việc quản lý, xây dựng, tu bổ và bảo vệ đê điều, trong đó công tác quản lý xây dựng công trình, nhà cửa ở lòng sông, bãi sông đã có những chuyển biến tích cực; hệ thống đê điều đã được nâng cấp vững chắc hơn. Trong 5 năm chỉ xảy ra một số vụ vỡ đê nhỏ, gây thiệt hại không lớn, trên phạm vi hẹp ở một số địa phương. Tuy nhiên, Pháp lệnh này cũng đã bộc lộ nhiều bất cập: một số quy định trong Pháp lệnh chưa cụ thể, còn mang tính định hướng nên khó thực hiện; đã nảy sinh một số vấn đề bức xúc trong quản lý đê điều (cấp quyền sử dụng đất lâu dài trong phạm vi bảo vệ đê điều; việc sử dụng bãi sông để xây dựng công trình, nhà cửa ở những vùng đê qua khu đô thị, khu dân cư; việc xử lý nhà cửa, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông, lòng sông…); việc phân công, phân cấp, xã hội hoá trong công tác quản lý và bảo vệ đê điều chưa được chú trọng đúng mức.
Ngoài đê sông Hồng của Hà Nội có vùng đất rộng tới 3.600ha với 21.305 ngôi nhà đã xây kiên cố (LĐ) |
Việc xây dựng Luật đê điều sẽ nâng cao hiệu lực pháp lý để điều chỉnh các vấn đề có liên quan phù hợp với tính chất quan trọng của hệ thống đê điều trong việc phòng, chống lụt, bão, phát triển kinh tế - xã hội; cụ thể hoá các quy định đối với các hoạt động liên quan đến đê điều như về quy hoạch, đầu tư, tổ chức lực lượng trực tiếp bảo vệ đê; phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động liên quan đến đê điều...
* Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đăk Nông): Muốn xây nhà ở bãi, cần đẩy lùi đê ra sát sông Hồng Tôi cho rằng chúng ta không nên quy hoạch nhà cửa theo hệ thống đê cũ như hiện nay vì trước đây, đê sông Hồng được xây dựng để chống lại lũ lụt, nhưng cho đến nay nhờ các nhà máy thủy điện, tình trạng này đã được hạn chế rất nhiều nên để hệ thống đê như hiện tại là rất vô lý. Đến nay đã có những dự án rất hay là đẩy lùi con đê ra sát dòng sông, và như vậy không có nhà ngoài đê, một thực trạng cực kỳ vô lý và nguy hiểm. Tôi cùng rất nhiều nhà khoa học khác đồng tình với quan điểm không nên giữ lại con đê như hiện nay. Tất nhiên đây là một kế hoạch lớn và không thể thực hiện một sớm một chiều, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải quyết tâm làm được điều đó. Trên thực tế người dân vẫn đang tiếp tục xây nhà ở bãi sông do vậy theo tôi, họ nên xây theo hướng là sẽ chuyển đê để không phải xây nhà trên cọc như hiện nay. Không lý gì chúng ta lại để trống một vùng đất ngoài đê lớn như vậy, rất lãng phí. Ở các nước khác cũng thế, hầu hết đê được xây sát sông. Vân Khanh (ghi) |
Trong quá trình xây dựng Luật, còn có một số ý kiến chưa thống nhất, tập trung chủ yếu ở Điều 20 và Điều 21 về vấn đề sử dụng bãi sông, lòng sông để xây dựng công trình, nhà cửa, đặc biệt là khu vực bãi sông Hồng ở Hà Nội. Có ý kiến đề nghị Luật Đê điều nên giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định hành lang thoát lũ đối với các tuyến sông có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt. Về việc xây dựng công trình trên bãi sông, Pháp lệnh đê điều năm 2000 quy định cấm xây dựng công trình, nhà cửa trong phạm vi bảo vệ đê điều ở bãi sông, lòng sông, trừ công trình chuyên dùng phục vụ phòng, chống lụt, bão, giao thông, quốc phòng, an ninh và công trình đặc biệt khác. Dự thảo Luật lần này có quy định mở rộng hơn, cho phép xây dựng các công trình theo dự án đầu tư với mục đích phát triển kinh tế, văn hoá, du lịch, thể thao trên cơ sở đáp ứng đồng thời các điều kiện, như: Bảo đảm an toàn đê; không làm suy giảm khả năng thoát lũ của lòng sông, bãi sông; các công trình được phép xây dựng phải nằm trong quy hoạch.
Về việc xây dựng nhà ở mới trên bãi sông, có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng nên cho phép xây dựng nhà ở mới trên bãi sông khi đáp ứng một số điều kiện theo quy định của pháp luật. Loại ý kiến thứ hai đề nghị chỉ cho xây dựng công trình khi đáp ứng một số điều kiện theo quy định của pháp luật và không cho xây dựng nhà ở mới trên bãi sông. Dự thảo Luật lần này cũng đã được biên soạn theo nhóm ý kiến thứ hai.
Ngày mai (1-6), QH sẽ nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về 6 dự thảo Luật, trong đó đáng chú ý là 2 dự thảo Luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và Luật cư trú.
* Ông Nguyễn Văn Thuận, Chi cục phó Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội: Nếu có thể, không cho xây dựng công trình và nhà mới trên bãi là tốt nhất. Tuy nhiên, Hà Nội có diện tích bãi nhiều với hơn 10.500 ha và số dân hiện sống ở ngoài bãi là khá lớn, tập trung nhiều ở xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm), phường Chương Dương, Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng), phường Tứ Liên, Nhật Tân (quận Tây Hồ), xã Duyên Hà, Đông Mỹ, Yên Mỹ (huyện Thanh Trì), trong đó nhiều hộ dân đã sống ngoài bãi lâu năm rồi, thì không thể không cho xây dựng công trình trên bãi. Theo tôi, nếu luật cho phép xây dựng công trình thì nên cho phép xây dựng nhà mới, bởi xét về diện tích chiếm đất và khả năng ảnh hưởng đến thoát lũ của sông thì hai dạng công trình này là tương đương nhau; bên cạnh đó, các hộ đã ở bãi lâu đời, nhu cầu về nhà ở sẽ tăng lên, nếu không cho xây nhà mới thì dân sẽ phải chuyển vào trong bãi, cuộc sống của họ sẽ bị ảnh hưởng. Tất nhiên là chúng ta không khuyến khích dân cư đổ ra sống ở ngoài bãi, nhưng với những hộ đã sống ở đó rồi thì nên tạo điều kiện cho họ ở. Tôi muốn nhấn mạnh là, không phải khu bãi nào cũng được phép xây dựng công trình mà việc xây dựng công trình, nhà ở mới phải được quy hoạch cụ thể, chi tiết, có sự tư vấn, tham mưu của các chuyên gia. Các chuyên gia sẽ nghiên cứu khu nào có thể xây dựng được công trình, nhà ở, khu nào không thể xây dựng, và việc xây dựng phải được thực hiện theo đúng quy hoạch. |
(Theo Hà nội mới)