Ngày 31-5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh, các đại biểu QH đã nghe Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, một số bộ trưởng đọc tờ trình về một số dự luật; nghe các báo cáo thẩm tra của các ủy ban của QH về những dự án luật được trình.
Những chính sách về bình đẳng giới
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Khiết đọc Tờ trình QH về dự án Luật Bình đẳng giới, nêu rõ: Bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ là một trong những mục tiêu lớn của Ðảng và Nhà nước ta, luôn được khẳng định trong các văn kiện của Ðảng và Hiến pháp của Nhà nước. Xây dựng và ban hành Luật Bình đẳng giới nhằm khắc phục tình trạng phân biệt đối xử về giới và những khoảng cách giới trong thực tế; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, hội nhập khu vực và quốc tế.
Tờ trình nêu rõ một số vấn đề đáng chú ý: Về tuổi về hưu của người lao động (Ðiều 11) xuất hiện hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị luật này quy định tuổi về hưu của cán bộ, công chức và người lao động nam và nữ như nhau. Ðối với nữ cán bộ, công chức và người lao động, nếu có nguyện vọng, được về hưu sớm từ một đến năm năm không bị trừ phần trăm lương hưu do nghỉ trước tuổi. Tuổi về hưu trong một số ngành nghề đặc thù do Chính phủ quy định.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị tuổi về hưu của một số nữ cán bộ, công chức như nam giới. Ðối tượng cụ thể do Chính phủ quy định. Tờ trình cũng nêu ra trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới, với loại ý kiến thứ nhất giao cho Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, hoặc Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em; còn loại ý kiến thứ hai đề nghị giao cho Chính phủ thống nhất quản lý; quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia đại biểu QH, HÐND và tham gia quản lý, lãnh đạo...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trần Thị Minh Chánh đọc Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bình đẳng giới, nêu rõ: Ủy ban nhất trí với loại ý kiến cho rằng luật này cần quy định về tuổi về hưu trên nguyên tắc bình đẳng giới, nghĩa là nam, nữ có quyền về hưu ở độ tuổi ngang nhau, tuy nhiên nếu phụ nữ có nhu cầu nghỉ hưu sớm hơn thì được quyền nghỉ trước năm năm. Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH cũng đồng tình nếu Chính phủ thành lập Bộ Bình đẳng giới. Báo cáo thẩm tra cũng nêu ra một số vấn đề chung quanh việc bảo đảm bình đẳng giới trong văn bản pháp luật, trong hoạt động thực tế của cơ quan, địa phương và tổ chức.
Phát triển và lập lại kỷ cương trong lĩnh vực XKLÐ
Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng LÐ-TB và XH Nguyễn Thị Hằng đọc Tờ trình trước QH về dự án Luật Ðưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nêu rõ sự cần thiết xây dựng và ban hành luật này nhằm phát triển sự nghiệp XKLÐ, và đưa lĩnh vực này vào hoạt động có hiệu quả, bảo đảm trật tự và kỷ cương. Bên cạnh những vấn đề chung, tờ trình nêu ra một số vấn đề còn ý kiến khác nhau về tên gọi của dự luật; việc tham gia hoạt động dịch vụ về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; về số lượng chi nhánh của doanh nghiệp được hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài...
Báo cáo thẩm tra dự án luật này của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ðặng Như Lợi trình bày nêu bật các ý kiến khác nhau về tên gọi, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, về các loại hình doanh nghiệp tham gia hoạt động XKLÐ, về điều kiện cấp giấy phép, và thời hạn của giấy phép hoạt động dịch vụ XKLÐ, về số lượng chi nhánh, về doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản, về giải quyết tranh chấp và vi phạm, và nhiều vấn đề khác. Theo Báo cáo thẩm tra, nhiều nội dung, nhiều vấn đề, nhiều khoản và điều được quy định trong dự án Luật Ðưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn phải tiếp tục nghiên cứu, xem xét, bổ sung để chỉnh sửa, nhằm bảo đảm cho luật được chặt chẽ, có tính khả thi, khi ban hành mới đi vào cuộc sống.
Quản lý hiệu quả hơn công tác thu thuế
Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đọc Tờ trình trước QH về dự án Luật Quản lý thuế, nêu rõ dự luật này ra đời, xuất phát từ yêu cầu đề cao vai trò của tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý thuế và thống nhất các quy định về quản lý thuế; nâng cao tính pháp lý của các quy định quản lý thuế, bảo đảm thực thi hiệu quả các luật thuế, pháp lệnh thuế; và khắc phục các hạn chế của công tác quản lý thuế, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Báo cáo thẩm tra dự án luật này do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH Nguyễn Ðức Kiên trình bày, nêu ra trách nhiệm chung của các cơ quan Nhà nước, MTTQ, cơ quan báo chí... trong việc quản lý thuế hiện nay, đồng thời lưu tâm một số vấn đề cụ thể như xây dựng lực lượng quản lý thuế, đại lý thuế, về xóa tiền nợ thuế, tiền phạt; việc kiểm tra, thanh tra thuế, điều tra các vi phạm pháp luật thuế; về mối quan hệ giữa Luật Quản lý thuế và các loại thuế, Luật Hải quan và các luật liên quan, và một số vấn đề khác.
Bảo đảm nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước
Bộ trưởng LÐ-TB và XH Nguyễn Thị Hằng đọc Tờ trình QH về dự án Luật Dạy nghề, nêu rõ việc xây dựng và ban hành Luật Dạy nghề nhằm phát triển mạnh công tác dạy nghề, đào tạo nhân lực kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, yêu cầu của thị trường lao động, cho XKLÐ, tăng khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam trong khu vực và thị trường lao động quốc tế. Tờ trình cũng nêu rõ, công tác dạy nghề ở nước ta đang có bước phát triển đáng mừng, dự luật quy định ba cấp trình độ đào tạo nghề: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề gắn với việc cấp văn bằng hoặc chứng chỉ nghề, và một số vấn đề khác.
Báo cáo thẩm tra dự luật này do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Trần Thị Tâm Ðan trình bày, nêu bật việc xây dựng và ban hành Luật Dạy nghề trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, bảo đảm xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh vấn đề liên thông trong đào tạo nghề, xã hội hóa lĩnh vực dạy nghề, việc cấp văn bằng, chứng chỉ học nghề, vấn đề kiểm định chất lượng dạy nghề, và sự bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật trong lĩnh vực đào tạo nghề.
Bảo vệ và sử dụng hợp lý hệ thống đê điều
Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát đọc Tờ trình trước QH về dự án Luật Ðê điều, nêu rõ việc xây dựng, ban hành luật này nhằm điều chỉnh những tồn tại của Pháp lệnh đê điều, nâng cao hiệu lực pháp lý để điều chỉnh các vấn đề có liên quan phù hợp với tính chất quan trọng của hệ thống đê điều trong việc phòng, chống lụt bão, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ dân sinh, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh-quốc phòng; đồng thời làm rõ thêm khái niệm về đê điều, mở rộng phạm vi điều chỉnh, cụ thể hóa các quy định đối với các hoạt động liên quan đến đê điều như về quy hoạch, đầu tư, tổ chức lực lượng bảo vệ đê; phân công trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và cá nhân trong các hoạt động liên quan đến đê điều; giải quyết những hạn chế, bất cập hiện nay của Pháp lệnh đê điều; tăng cường hơn nữa tính pháp lý trong công tác tu bổ, bảo vệ đê...
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Hồ Ðức Việt đọc Báo cáo thẩm tra dự án Luật Ðê điều, nêu bật hàng loạt vấn đề quy định trong dự luật còn ý kiến khác nhau, nhất là việc phân cấp đê, về quy định sử dụng lao động nghĩa vụ công ích trong xây dựng, tu bổ đê điều, về phạm vi bảo vệ đê điều đối với đê sông, đê cửa sông, về hành lang thoát lũ, về sử dụng bãi sông, lòng sông; việc xử lý nhà cửa, công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông, lòng sông; về lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch đê điều, việc xử lý các vi phạm và một số vấn đề khác.
Phát triển sự nghiệp thể dục-thể thao
Thừa ủy quyền của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục-Thể thao Nguyễn Danh Thái đọc Tờ trình trước QH về dự án Luật Thể dục-Thể thao nêu rõ: Việc xây dựng, ban hành dự án Luật Thể dục-Thể thao nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Thể dục-Thể thao, nhằm đưa công tác thể dục-thể thao phát triển đáp ứng nhu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, tích cực hội nhập đời sống thể thao khu vực và thế giới. Dự luật đưa ra các nguyên tắc về phát triển thể dục-thể thao; về thể dục-thể thao cho mọi người, trong trường học, trong lực lượng vũ trang; về thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; về quản lý Nhà nước đối với hoạt động thể dục-thể thao, xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật cho hoạt động thể dục-thể thao ở nước ta.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thể dục-Thể thao do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Trần Thị Tâm Ðan trình bày trước QH nêu bật sự cần thiết của việc xây dựng, ban hành luật này, nhằm rèn luyện, nâng cao sức khỏe và thể lực cho mọi người, phục vụ nhu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, bên cạnh thành tựu đạt được, hoạt động thể dục- thể thao thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, nhất là trong bóng đá, làm xói mòn lòng tin của người hâm mộ và nhân dân cả nước. Luật Thể dục-Thể thao cần tạo bước phát triển cho thể dục-thể thao nước nhà, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, sức khỏe, thể lực và hoàn thiện nhân cách người Việt Nam, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập tích cực vào đời sống thể thao quốc tế.
(Theo Nhân dân)