Cần quy định cả nghĩa vụ của người hưởng di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài

20/03/2015
Cũng tương tự quan hệ dân sự trong nước, đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì thừa kế là một trong những chế định thu hút nhiều sự quan tâm của Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi đang được lấy ý kiến toàn dân. Tham dự tọa đàm góp ý Phần thứ năm Dự thảo Bộ luật sửa đổi do Bộ Tư pháp vừa tổ chức với sự hỗ trợ của Dự án Jica, các chuyên gia đã đưa ra nhiều góp ý xác đáng về chế định này
 

“Bỏ quên” nghĩa vụ của người hưởng di sản thừa kế

Điều 703 Dự thảo BLDS sửa đổi về thừa kế theo pháp luật quy định khá ngắn gọn như sau:1. Việc thừa kế theo pháp luật được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch vào thời điểm chết.

2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”.

Theo chuyên gia độc lập Nguyễn Thị Chính, thừa kế là một chế định pháp luật rộng, bao gồm nhiều nội dung như di sản thừa kế, thời điểm mở thừa kế, người thừa kế, hàng thừa kế, quản lý di sản thừa kế, phân chia di sản thừa kế. Với Điều 703 Dự thảo, bà Chính đặt câu hỏi: “Khái niệm “việc thừa kế theo pháp luật” bao gồm những nội dung gì, phải chăng chỉ bao gồm việc xác định người thừa kế, hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế như quy định tại các điều từ Điều 675 – 681 của Dự thảo BLDS hay còn bao gồm tất cả các nội dung có liên quan khác?”. Từ đó, bà Chính đề nghị quy định rõ hơn nội dung của khái niệm “việc thừa kế theo pháp luật”.

Cùng băn khoăn giống bà Chính, TS. Trần Minh Ngọc (Đại học Luật Hà Nội) phân tích, cụm từ “việc thừa kế theo pháp luật” trong khoản 1 thực chất là thừa kế theo pháp luật đối với động sản, còn khoản 2 lại sử dụng cụm từ “việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản”. Có thể nhận thấy, khoản 2 có phạm vi không đầy đủ, không thực sự phù hợp với quy định tại Phần 4 của Dự thảo về Thừa kế như ngoài quyền ra, người được hưởng di sản thừa kế có thể còn phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định tùy theo từng trường hợp cụ thể. “Khoản 1 cần quy định lại rõ ràng là chỉ điều chỉnh quan hệ thừa kế theo pháp luật đối với động sản. Thay cụm từ “việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản” tại khoản 2 bằng cụm từ “việc thừa kế đối với bất động sản” – ông Ngọc góp ý.

Ngoài ra, Điều 703 Dự thảo Bộ luật không có quy định về trường hợp tài sản không có người thừa kế, trong khi Điều 645 của Phần 4 quy định rõ tài sản không người thừa kế sẽ thuộc về Nhà nước. Tuy nhiên, Điều 645 không cho biết tài sản không người thừa kế sẽ thuộc về Nhà nước nào trong quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài (có thể là Nhà nước nơi có tài sản, cũng có thể là Nhà nước mà người để lại di sản thừa kế là công dân vào thời điểm chết). Do vậy, có ý kiến đề xuất bổ sung quy định về di sản không người thừa kế với nội dung tương tự như khoản 3 và 4 Điều 767 BLDS 2005 hiện hành. Cụ thể là: “3. Di sản không có người thừa kế là bất động sản thuộc về Nhà nước nơi có bất động sản đó; 4. Di sản không có người thừa kế là động sản thuộc về Nhà nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch vào thời điểm chết”.

Mở rộng hình thức của di chúc

Theo Điều 740 Dự thảo BLDS sửa đổi, hình thức của di chúc được công nhận nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Hình thức của di chúc phù hợp với pháp luật của nước nơi người lập di chúc thường trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết; Hình thức của di chúc phù hợp với pháp luật của nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết; Hình thức của di chúc phù hợp với pháp luật của nước nơi di chúc được lập; Hình thức của di chúc phù hợp với pháp luật của nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản.

Trưởng phòng Phòng Pháp luật quốc tế (Viện Khoa học xét xử, TANTDTC) Lê Mạnh Hùng nhận định, quy định về hình thức của di chúc trên là tương tự điều khoản liên quan của Công ước La hay năm 1961 về hình thức di chúc của người để lại di sản thừa kế và quy định pháp luật của một số bang, quốc gia như bang New South Wales, bang Queensland (Australia), tiểu bang British Columbia (Canada), Philippines. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng vẫn có điểm hạn chế là chỉ giới hạn đối với người thường trú tại nước nơi người lập di chúc thường trú trong khi Việt Nam cũng như nhiều nước hiện nay đều chấp nhận người nước ngoài có thể được tạm trú với thời hạn khá dài. Với lý giải này, ông Hùng đề nghị không nên hạn chế việc công nhận di chúc của đối tượng nêu trên.

Mặt khác, hình thức di chúc của người để lại di sản thừa kế chưa tính đến di chúc được công nhận trong trường hợp hình thức của di chúc phù hợp với pháp luật của nước nơi người lập di chúc được phép tạm trú và có nơi sinh sống tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết mà Công ước La hay 1961 có quy định. Theo đó, ông Hùng cho rằng có thể bổ sung như sau: “Hình thức của di chúc phù hợp với pháp luật của nước nơi người lập di chúc thường trú hoặc được tạm trú với thời hạn từ 12 tháng trở lên tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết”.

Thục Quyên