Đoàn công tác Bộ Tư pháp Xlô-va-kia tại TP.HCM: Tìm hiểu và trao đổi về công tác tư pháp

18/03/2015
Đoàn công tác Bộ Tư pháp Xlô-va-kia tại TP.HCM: Tìm hiểu và trao đổi về công tác tư pháp
Hôm qua (17/3), tiếp tục chuyến công tác tại Việt Nam của Đoàn cán bộ cấp cao Cộng Hoà Xlô-va-kia, tại TP.HCM, Đoàn đã thăm và làm việc với Hội Công chứng TP.HCM, Sở Tư pháp, TP.HCM, Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh và chào xã giao lãnh đạo UBND TP.HCM.

Đào tạo Công chứng viên nghiêm ngặt

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Thắng, phó Chủ tịch hội Công chứng TP.HCM cho biết: Hiện tại Việt Nam có hai mô hình là Phòng Công chứng Nhà nước và Văn phòng Công chứng (VPCC) do tư nhân thành lập theo chủ trương xã hội hoá công chứng của Việt Nam. Hiện TP.HCM có 7 Phòng Công chứng thuộc Sở Tư pháp TP.HCM; có 45 Văn phòng Công chứng do tư nhân thành lập. Mặc dù mô hình khác nhau nhưng chức năng, nhiệm vụ giống nhau và hoạt động theo Luật Công chứng. Tuy nhiên, khác nhau ở chỗ, nguồn thu của Phòng Công chứng thì 50% nộp cho ngân sách Nhà nước, 50% Phòng giữ lại; còn nguồn thu của VPCC thì thực hiện theo Luật Doanh nghiệp. Ngoài ra, các Công chứng viên của Phòng Công chứng hay VPCC đều là Hội viên của Hội Công chứng.

Mong muốn có sự hợp tác giữa công chứng Việt Nam và công chứng của Cộng hoà Xlô-va-kia, ông Phan Văn Cheo, Chủ tịch Hội Công chứng TP.HCM đề nghị, trong thời gian tới, hai Bên sẽ cùng nhau trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Tomas Borec đã chia sẻ nhiều thông tin về lĩnh vực Luật sư và công chứng của Xlô-va-kia, theo đó, lĩnh vực Luật sư được tư nhân hoá vào năm 1990 và lĩnh vực Công chứng được tư nhân hoá vào năm 1992. Việc quản lý Nhà nước đối với Công chứng giao cho Bộ Tư pháp. Khác với Luật sư, số lượng Công chứng viên được hành nghề có giới hạn và do Bộ Tư pháp thực hiện việc bổ nhiệm.

Có tương đồng trong công tác tư pháp

Tại Sở Tư pháp TP.HCM, Phó Giám đốc Trần Văn Bảy đã bày tỏ vui mừng được chào đón Đoàn cán bộ cấp cao của Cộng hòa Xlô-va-kia tới thăm và làm việc, chia sẻ thông tin về Thừa phát lại (TPL) Phó Giám đốc cho biết, hoạt động TPL tại Việt Nam “vừa cũ và vừa mới” cũ là vì xuất hiện ở Việt Nam đã từ rất lâu, mới là vì bởi nhiều lý do khác nhau mô hình TPL không được duy trì. Gần đây với chủ trương xã hội hoá lĩnh vực này nên các Văn phòng TPL được thí điểm hoạt động. Giữa cơ quan Thi hành án dân sự và TPL là thống nhất nhưng không đồng nhất. Bởi cả hai có cùng chức năng là thực hiện thi hành án dân sự.  Phó Giám đốc cũng chia sẻ thêm một số lĩnh vực mà Sở Tư pháp tham mưu, giúp việc cho UBND TP. HCM, trong đó có lĩnh vực trợ giúp pháp lý và nuôi con nuôi.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tomas Borec cho biết, tại Xlô –va-kia, người nghèo được tư vấn pháp luật miễn phí do trung tâm tư vấn pháp lý thuộc Bộ Tư pháp thực hiện. Tuy nhiên, đối tượng được tư vấn phải chứng minh được là họ thuộc diện nghèo, còn nếu không thì họ phải tìm đến Luật sư với mức phí của từng vụ việc khác nhau. Về lĩnh vực nuôi con nuôi, do Bộ Lao động Thương binh Xã hội và Gia đình quản lý. Về lý lịch tư pháp không thuộc Bộ Tư pháp mà do đơn vị Tàng thư thuộc Viện Công tố tối cao quản lý. Lĩnh vực thi hành án dân sự đều do TPL thực hiện. Bộ trưởng Tomas Borec cũng cho biết thêm: TPL là cánh tay nối dài của Nhà nước, do đó, họ bị cấm thực hiện chức năng về tư vấn pháp luật và bị hạn chế số lượng để bảo vệ công việc không bị “thị trường” hoá…

Phong Trần