Nên hoàn trả tạm nộp án phí hành chính cho người khởi kiện

09/03/2015
Mặc dù đã có Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn về vấn đề án phí, lệ phí nhưng trên thực tế thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2010 vẫn gặp một số bất cập. Đáng chú ý trong đó là có quan điểm khác nhau xung quanh việc sung công quỹ Nhà nước hay trả lại đương sự khoản tiền tạm ứng án phí hành chính.

Lúng túng sung công hay trả lại

Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, đối với án phí hành chính sơ thẩm, kể từ ngày 1/7/2012, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm trong hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí. Người yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính không phải nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm. Người có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí trong vụ án hành chính sơ thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm bằng mức án phí hành chính sơ thẩm. Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, một hoặc một số quyết định hành chính, hành vi hành chính đúng pháp luật; một hoặc một số quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật thì người bị kiện phải chịu án phí hành chính sơ thẩm.

Đối với án phí hành chính phúc thẩm, đương sự rút kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm phải chịu 50% mức án phí hành chính phúc thẩm. Đương sự rút kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm phải chịu toàn bộ án phí hành chính phúc thẩm.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số Tòa án cấp huyện và cả cấp tỉnh khi giải quyết vụ án hành chính, nhất là trong trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Tòa án chấp nhận, tại phần “hậu quả pháp lý” hoặc phần “án phí” của quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đã áp dụng sai pháp luật. Chẳng hạn, nhiều Tòa án loay hoay không biết tiền tạm ứng án phí hành chính được sung quỹ hay trả lại cho người khởi kiện; chưa thống nhất trong việc quy định án phí trong trường hợp người khởi kiện rút yêu cầu kháng cáo giữa quy định trong Luật Tố tụng hành chính và Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án, đặc biệt là án phí trong những vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thiệt hại… Một số vụ án hành chính sơ thẩm đã bị VKSND tỉnh kháng nghị, nhiều bản án, quyết định cấp phúc thẩm đã sửa phần quyết định về án phí, lệ phí của Tòa án cấp sơ thẩm.

Đáng chú ý, trường hợp vụ án hành chính bị đình chỉ khi người bị kiện hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đồng ý rút yêu cầu thì việc xử lý án phí hành chính sơ thẩm không có căn cứ để áp dụng. Trong trường hợp này, có quan điểm cho rằng, do người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập rút yêu cầu nên tạm ứng án phí được xử lý theo hướng sung quỹ Nhà nước.

Còn Thẩm tra viên Tòa hành chính (TANDTC) Trương Công Lý đưa ra kiến nghị có lợi cho người khởi kiện là nên hoàn trả tạm nộp án phí cho họ. Ông Lý phân tích, trong trường hợp trên, người khởi kiện có căn cứ thể hiện việc người bị kiện hủy bỏ quyết định… thì quyền lợi người bị kiện được phục hồi kể cả tiền tạm ứng án phí. Vì vậy, tiền tạm ứng án phí phải trả lại cho đương sự người khởi kiện hoặc người có liên quan có yêu cầu độc lập.

Cho nộp án phí để tránh “ngâm” án giám đốc thẩm, tái thẩm

Luật Tố tụng hành chính hiện hành không quy định về án phí, lệ phí trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm. Xét về lý thuyết, những vụ án có đơn khiếu nại yêu cầu người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thường rất phức tạp và trên thực tế, hầu hết các vụ án hành chính có hiệu lực pháp luật đã được giải quyết ở hai cấp Tòa án đều có đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, dẫn đến tình trạng quá tải về số án phải giải quyết trong thời hạn quy định. Mặt khác, số lượng đơn khiếu nại theo thủ tục này gửi trùng và liền kề nhau, gây khó khăn trong công tác phân loại và thống kê, còn tình trạng Tòa án cấp giám đốc thẩm giải quyết đã có thông báo gửi các đương sự nhưng vẫn tiếp tục nhận được yêu cầu giải quyết. Bởi thế, vấn đề thu phí xét đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm trong giai đoạn này là cần thiết.

Quá trình giải quyết các vụ án hành chính theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm cũng cho thấy có một số vụ án hành chính được kháng nghị nhưng vi phạm về thời hạn giải quyết hoặc bị các Thẩm tra viên “ngâm án” vì số lượng đơn yêu cầu giám đốc thẩm của đương sự lặp đi lặp lại, các Thẩm tra viên mất nhiều thời gian rà soát nội dung đơn, thậm chí tốn kém chi phí của Nhà nước trong xác minh chứng cứ mới. Do đó, cùng với việc thay đổi hệ thống các cấp Tòa án và nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi của các đương sự thì có ý kiến đề xuất: Bên cạnh việc cân nhắc có thể cho các đương sự tham gia vào phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm, Luật Tố tụng hành chính sửa đổi tới đây nên quy định về án phí, lệ phí, chi phí tố tụng khác (nếu có), chứ không chỉ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm theo bút lục hay báo cáo của các Thẩm tra viên; đồng thời cho phép luật sư, người đại diện hợp pháp của họ tham gia quá trình xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Được vậy, thông tin sẽ minh bạch và giám sát được cách làm án của các cơ quan tố tụng.

Cẩm Vân