Trước đây các Luật NSNN đều quy định rõ nguyên tắc chi tiêu phải có dự toán nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển, dự thảo Luật lần này quy định, không một khoản chi nào đưa ra khỏi Kho bạc mà không có dự toán. “Nếu không có dự toán thì các khoản chi sẽ không được chấp nhận. Đây là điểm mới trong dự thảo Luật”.
Nhiều ý kiến đề nghị QH quyết định ngân sách qua 2 kỳ họp và được đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính- Ngân sách đồng ý vì cho rằng, việc quyết định ngân sách theo quy trình qua hai kỳ họp sẽ giúp việc xây dựng dự toán được khoa học, chất lượng hơn, phát huy vị trí, vai trò, thẩm quyền của Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; nâng cao trách nhiệm của Chính phủ, Ủy ban nhân dân… như thông lệ của quốc tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách cũng cho biết, dù dự án Luật NSNN (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 9 hay thứ 10 thì vẫn sẽ áp dụng cho năm ngân sách 2017 và không ảnh hưởng tới việc thực hiện dự toán ngân sách cho những năm tiếp theo. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần song hành với Luật Tổ chức chính quyền địa phương. “Nếu kịp thì có hiệu lực cho năm ngân sách 2016 thì phù hợp hơn”.
Một nội dung đáng lưu ý trong dự thảo Luật là qui định tại khoản 5 điều 57 về thưởng vượt thu. Trong quá trình thảo luận, một số ý kiến đề nghị bỏ qui định về thưởng vượt thu đối với các khoản thu phân chia và được Ủy ban Tài chính- Ngân sách cũng như cơ quan soạn thảo tiếp thu, bỏ quy định tại khoản 5 Điều 57 vì cho rằng như vậy sẽ tránh được tình trạng dự báo thu thấp để được thưởng vượt thu, không công bằng giữa các địa phương. Tránh xảy ra trường hợp ngân sách trung ương hụt thu nhưng vẫn phải bố trí thưởng vượt thu cho các địa phương. Việc thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền. Nhưng Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần cân nhắc thêm, vì chính sách thưởng vượt thu sẽ là động lực khiến các địa phương phấn đấu tăng thu./.
H.Giang