Tổng Bí thư Trường Chinh: Đổi mới tư duy pháp lý phải bắt đầu từ việc “tôn trọng quy luật khách quan”

15/02/2015

Tổng Bí thư Trường Chinh (1907-1988) là một trong số ít người đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng đường lối Đổi mới với những bước đột phá mang ý nghĩa lịch sử, có tính chất quyết định về tư duy lý luận của Đảng ta. Để tiến tới Đại hội VI của Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh đã có một số bài phát biểu quan trọng khẳng định đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn của Đảng. Trong đó, điểm xuyên suốt và nổi bật của tư tưởng đổi mới của Tổng Bí thư là yêu cầu “Tôn trọng quy luật khách quan, vận dụng đúng đắn, hành động theo quy luật”, đây chính là điểm mấu chốt nhất để định hướng và đánh giá sự thành công của công cuộc đổi mới tư duy trong từng lĩnh vực.
 

Bắt đầu từ luận điểm “Sức mạnh của một nước, của cách mạng chính là ở nhân dân”, Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định ý chí, nguyện vọng chính đáng của người dân chính là hợp quy luật, là tiêu chí định hướng của công cuộc đổi mới. Từ nhận định “trong những năm qua, do chúng ta mắc sai lầm chủ quan, nóng vội, không tôn trọng, thậm chí làm trái quy luật khách quan… Kết quả là sức sản xuất bị kìm hãm”, ông khẳng định: Chính sách sai, không hợp với quy luật, không hợp lòng dân chẳng những làm cho sản xuất giảm sút mà còn làm sứt mẻ khối liên minh công nông, đẩy nông dân vào tay tư thương đầu cơ. Làm đúng quy luật là hợp với lòng dân, hợp với xu thế đi lên của đất nước và của thời đại. Làm đúng quy luật thì nhất định sản xuất sẽ phát triển, giao lưu sẽ thông suốt, tình hình sẽ ổn định dần và từng bước tiến lên.

Đối với thiên kiến nặng nề lúc bấy giờ về tính tư hữu, ông lập luận tư hữu là lợi ích chính đáng, khách quan của mỗi người dân. Ông khẳng định: Cũng không thể bảo rằng còn óc tư hữu là không yêu nước. Nói như vậy dân không đồng tình, ta càng xa dân mà thôi…Nông dân nói riêng và nhân dân ta nói chung rất yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, song họ không thể đồng tình nếu ta áp đặt những điều trái với lợi ích chính đáng của họ và bắt họ theo ý muốn chủ quan của ta. Ông nhấn mạnh: Nông dân có đầu óc tư hữu, điều đó đúng; muốn lên chủ nghĩa xã hội phải xóa óc tư hữu, điều đó đúng. Nhưng vấn đề là xóa bằng cách nào? Phải thông qua tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, phát triển và từng bước nâng cao trình độ xã hội hóa của sản xuất, gắn với việc thường xuyên, tích cực, kiên trì giáo dục, làm cho nông dân từng bước thay đổi nếp nghĩ của mình theo hướng tiến bộ chứ không phải bằng cách ra lệnh, dùng biện pháp hành chính, cưỡng chế mà xóa bỏ ngay trong một sớm một chiều.

Theo Tổng Bí thư, để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, làm cho hàng hóa ngày các dồi dào, thất nghiệp ngày càng giảm, cần thay đổi quan niệm phân biệt lâu nay, bãi bỏ thành kiến thiên lệch, coi trọng người dù lao động kém nhưng ở trong biên chế hơn người lao động giỏi ở ngoài biên chế. Mọi công dân đều có trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi như nhau, đều bình đẳng trước pháp luật và trong xã hội. Những người làm ra nhiều của cải cho xã hội, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách và pháp luật của Nhà nước đều được coi trọng; những kẻ chây lười, ăn bám, chỉ muốn ăn mà không muốn làm thì đều phải phê phán. Các chính sách kinh tế và xã hội của Đảng và Nhà nước ta phải được bổ sung, đổi mới theo hướng đó. Từ đó, ông khẳng định vai trò của luật pháp: Các chính sách đó cần được pháp chế hóa, trở thành luật, để mọi người yên tâm, tin tưởng bỏ vốn và lao động vào sản xuất, kinh doanh.

Theo Tổng Bí thư, nhận thức được quy luật, tôn trọng quy luật chính là con đường ngắn nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Có thể nói ngay rằng làm sai quy luật thì không thể đi lên chủ nghĩa xã hội được, càng sai quy luật thì con đường lên chủ nghĩa xã hội càng kéo dài ra, chứ không hề gần lại với chúng ta. Đốt cháy giai đoạn, làm trái quy luật, tưởng như là đi nhanh hơn, kỳ thật sẽ đi rất chậm. Chính vì vậy, để có thể tiến hành đổi mới thành công trong mỗi lĩnh vực thì “tôn trọng quy luật khách quan, vận dụng đúng đắn, hành động theo quy luật chính là cách đi lên chủ nghĩa xã hội đúng nhất và nhanh nhất, không còn con đường nào khác”. Đây cũng chính là kim chỉ nam định hướng cho toàn bộ quá trình đổi mới tư duy pháp lý Việt Nam cho đến ngày hôm nay.

Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự

Tài liệu tham khảo:

1. Trường Chinh: Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại, Nhà xuất bản Sự thật, năm 1987.

  2. GS.Trần Nhâm: Trường Chinh-Một tư duy sáng tạo, một tài năng kiệt xuất, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2009.