Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam: Cấm chung chung khó chấm dứt bức cung, nhục hình

28/02/2015
Bảo đảm khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn tạm giữ, tạm giam (TGTG), nhất là tình trạng chết, bức cung, nhục hình, vi phạm quyền con người xảy ra ở nhà tạm giữ, trại tạm giam trong thời gian qua nên việc ban hành Luật TGTG là cần thiết.

Tuy nhiên, cho ý kiến về dự thảo Luật này tại phiên họp của UBTVQH chiều qua (27/2) vẫn còn nhiều lo ngại khi một số vấn đề nếu không được làm rõ trong dự án Luật có thể sẽ bị lợi dụng để bức cung, dùng nhục hình, hạn chế việc bảo vệ quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp 2013 và phúc đáp yêu cầu của tiến trình cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Bức cung, nhục hình là do cán bộ điều tra

Ông Nguyễn Hải Phong – Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, tất cả các vụ bức cung, nhục hình đều xảy ra trong thời gian tạm giữ, còn thông cung, dùng nhục hình diễn ra trong thời gian tạm giam. Nên trước băn khoăn của ông Phan Trung Lý về việc dự thảo Luật có qui định nào hạn chế, khắc phục tình trạng bức cung, dùng nhục hình trong quá trình TGTG, Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định, bức cung, nhục hình phần lớn xảy ra đối  với cán bộ cơ quan điều tra diễn ra tại nơi giam giữ, chứ không phải của cán bộ cơ sở giam giữ.

Hơn nữa, quan trọng là thực hiện và chấp hành pháp luật vì hiện có  khả đủ các qui định để ngăn chặn tình trạng này nên để ngăn chặn bức cung, dùng nhục hình thì cần giáo dục đối tượng thi hành pháp luật trong quá trình TGTG. Nhưng ông Lý vẫn chưa yên tâm khi dự thảo Luật chỉ có những qui định “cấm” bức cung, dùng nhục hình chung chung, mà thiếu qui định về chủ thể thi hành.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần xác định rõ hơn về mô hình hệ thống các cơ quan quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam (đây là vấn đề chưa được đề cập trong dự án Luật này). Theo đó, cần tách việc quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam ra khỏi cơ quan điều tra hình sự để bảo đảm tính khách quan trong công tác giam giữ, tránh tình trạng chết, bức cung, nhục hình và các hình thức khác vi phạm quyền của người bị TGTG xảy ra trong thời gian qua.

Theo đó cần tổ chức mô hình quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ bảo đảm minh bạch, rõ trách nhiệm giữa quản lý TGTG và cơ quan điều tra, có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan này trong việc chấp hành pháp luật TGTG, nhất là bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự của người bị TGTG.

Ngoài ra, cần xây dựng mô hình hoàn thiện hơn để sử dụng trại tạm giam, nhà tạm giữ, khắc phục được tình trạng bất cập trong thực tiễn, có những trại tạm giam, nhà tạm giữ luôn trong tình trạng quá tải, nhưng cũng có trại tạm giam, nhà tạm giữ lại không có đủ số lượng theo quy mô xây dựng, giam giữ. Đồng thời, Ủy ban Tư pháp cho rằng, dự án Luật cần quy định rõ cả về quyền hạn và trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của các chủ thể thực hiện quản lý đối với người bị TGTG nhằm bảo đảm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị TGTG.

Không “đánh đồng” tạm giữ và tạm giam

Đó là yêu cầu chung được đưa ra đối với dự thảo Luật TGTG vì “thực hiện song song 2 chế độ TGTG trong cùng một nhà tạm giữ hoặc trại tạm giam thì khó đảm bảo chế độ của người bị TGTG” – ông Phan Trung Lý nhận định. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, “kỷ luật người bị TGTG không thể nghiêm khắc như phạm nhân”.

Trên cơ sở đó, bảo đảm quyền của người bị TGTG được nhiều địa biểu đặc biệt quan tâm. Ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng của dân tộc cảm thấy không ổn với qui định về kỷ luật trong quá trình TGTG vì giai đoạn kỷ luật rất dễ dẫn đến “o ép về tinh thần” nên “phải cân nhắc áp dụng các hình thức kỷ luật trong quá trình TGTG cho phù hợp với đối tượng bị TGTG và đảm bảo quyền con người tối thiểu của họ như quyền sống, học tập, bảm đảo sức khỏe...” – ông Ksor Phước có ý kiến.

Cùng với đó, qui định “cùm chân người bị TGTG (điều 22 và 38) khi cách ly ở buồng kỷ luật” khiến nhiều đại biểu lo ngại. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng còn thấy, qui định cho phép cán bộ cơ sở TGTG "áp dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ cần thiết khác" cùng với biện pháp cùm chân là "mù mờ", khiến các cơ sở TGTG có thể áp dụng các biện pháp khác nhau, có thể ảnh hưởng đến quyền của người bị TGTG.

Ngoài ra, thường trực UBTP nhận thấy, theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), khiếu nại, tố cáo về thi hành TGTG là khiếu nại về tư pháp; không phải là khiếu nại về quyết định hành chính và hành vi hành chính. Mặc khác, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác TGTG cần phải thực hiện khẩn trương nhằm phục vụ kịp thời cho hoạt động điều tra khám phá tội phạm, do đó không thể quy định khởi kiện trước tòa án các hành vi liên quan đến hoạt động TGTG.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đề nghị xem xét qui định này trong điều kiện Luật Khiếu nại có qui định cho phép khởi kiện ra Tòa nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng. Do đó, nếu chấp nhận qui định cho khởi kiện trong thực hiện chế độ TGTG thì cần sửa đổi qui định trong Luật Tổ chức VKSND về việc quyết định giải quyết khiếu nại của VKSND cấp trên có hiệu lực chung thẩm.

Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng, cần rà soát lại những quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo của Viện Kiểm sát và của Cơ quan quản lý TGTG (khoản 4 Điều 10 và Chương VIII của dự thảo Luật), tránh chồng chéo về thẩm quyền, điều kiện và xác định rõ trách nhiệm của VKS trong công tác này, cần quy định cụ thể hơn về nội dung, phương thức và phạm vi kiểm sát công tác tạm giam, tạm giữ của VKSND./.

 

Huy Anh