Tạo sự ổn định chuyên sâu cho bộ máy

01/10/2014
Sáng nay – 30/9, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Trong dự thảo này, Chính phủ đề nghị không quy định cụ thể tên gọi và số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và chỉ quy định có tính nguyên tắc.

Không qui định “cứng” số Bộ

Theo Chính phủ, tên gọi và số lượng bộ, cơ quan ngang bộ vẫn do Quốc hội xem xét, quyết định trên cơ sở Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ trình. Như thế sẽ bảo đảm được tính năng động, chủ động của Chính phủ và phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cũng về tổ chức bộ máy, tán thành quan điểm của Chính phủ, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường ủng hộ không quy định cụ thể tên gọi và số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và chỉ quy định có tính nguyên tắc, để tránh phải sửa luật khi Chính phủ cần bổ sung hay bỏ 1 Bộ, cơ quan ngang Bộ theo từng giai đoạn.

Nhưng với ông Phùng Quốc Hiển, không qui định “cứng” thì phải có tiêu chí rõ ràng để thành lập 1 Bộ, cơ quan ngang Bộ và đặt vấn đề “Chính phủ có theo hướng chỉ có thể thay Bộ trưởng, Quốc vụ khanh  còn bộ máy từ thứ trưởng trở xuống là bộ phận ổn định chuyên sâu để tạo đột phá trong tổ chức của các Bộ, tăng tính chuyên nghiệp của bộ máy, hay tiếp tục theo mô hình hiện nay, thứ trưởng vẫn có thể được bổ nhiệm là Bộ trưởng?”.

Ngược lại, vẫn có ý kiến như ông Nguyễn Đức Hiền “tha thiết đề nghị qui định rõ các Bộ, cơ quan ngang Bộ” để có sự ổn định cho tổ chức Chính phủ, ít nhất 1 nhiệm kỳ. “Không qui định cụ thể mà chỉ đưa ra các tiêu chí, điều kiện thành lập Bộ thì cũng vẫn phải trình Quốc hội quyết, mà cũng có đã có qui định “một luật sửa nhiều luật” rồi nên không lo ngại” – ông Hiền nhấn mạnh. Theo quan điểm này, hiện nay các nhóm quan hệ xã hội thuộc đối tượng của quản lý nhà nước đã được xác định tương đối rõ, có thể định hình và giao cho một cơ quan cụ thể để quản lý. Thực tiễn cũng cho thấy, trong Luật tổ chức Quốc hội đã xác định cụ thể số lượng, tên gọi và chức năng của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Do vậy, việc quy định cụ thể các bộ, cơ quan ngang bộ ngay trong Luật sẽ tạo nên sự ổn định cho bộ máy Chính phủ.

Trong dự thảo trình UBTVQH, Chính phủ đã bỏ qui định về về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng phụ trách một số lĩnh vực công tác (Bộ trưởng “không Bộ”) như dự thảo trước do không nhận được sự tán thành của các chuyên gia vì “thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn” vì “duy trì mô hình hành pháp, Chính phủ tập thể như hiện nay. Với mô hình quản lý nhà nước “đa ngành, đa lĩnh vực”, Bộ trưởng quyết hết thì làm gì còn lĩnh vực nào để có Bộ trưởng “không Bộ”?” – ông Nguyễn Văn Thuận – nguyên Chủ nhiệm Ủy pháp luật từng nêu rõ.

Chỉ một số Bộ có chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước (NN) tại doanh nghiệp (DN)

Với dự thảo Luật TCCP (sửa đổi), Chính phủ đề nghị không quy định bộ, cơ quan ngang bộ có chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của NN tại DNNN như Luật TCCP 2001. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của NN tại DNNN sẽ do Chính phủ thực hiện thông qua việc quy định và phân công việc thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của NN tại DNNN phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, cơ quan ngang bộ.

Từ thực tế, chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của NN tại DNNN, chỉ thực hiện đối với một số bộ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực kinh tế, đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật tán thành sự “đổi mới” của Chính phủ trong vấn đề này, dù có ý kiến đề nghị trước mắt trong giai đoạn hiện nay, giữ nguyên như Luật TTCP 2001 để bảo đảm sự kiểm soát, định hướng của Chính phủ đối với các hoạt động của DNNN.

Qua giám sát của Ủy ban Tài chính ngân sách về hoạt động của DNNN, với cơ chế quản lý vốn NN tại DNNN hiện nay thì “có giai đoạn các Bộ cũng không nắm được thông tin của các DNNN vì không ai báo cáo, kể cả Bộ Tài chính” nên ông Phùng Quốc Hiển lại lo ngại về “khoảng trống” quản lý DNNN khi “không có ai người giúp Chính phủ thẩm tra các quyết định của DNNN khiến Chính phủ không thực hiện được đúng nghĩa là chủ sở hữu vì không đủ khả năng bao quát các hoạt động của DNNN”. Vì thế, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, “dù không quy định bộ, cơ quan ngang bộ có chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước DNNN nhưng vẫn cần phải có một cơ quan giúp Chính phủ quản lý vốn NN tại các DN này”.

                                                            Huy Anh

Chính phủ đề nghị giao việc quản lý TAND địa phương cho Chính phủ và đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật tổ chức TAND cho phù hợp. Song, Ủy ban pháp luật đề nghị, trước mắt không quy định về vấn đề này như trong dự thảo Luật TCCP (sửa đổi) nhưng cần tổng kết nghiên cứu xem xét sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật tổ chức TAND (sửa đổi) để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý TAND địa phương theo yêu cầu cải cách tư pháp và phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Một số ý kiến trong Ủy ban pháp luật cho rằng, theo quy định tại khoản 6 Điều 98 Hiến pháp thì trách nhiệm báo cáo trước nhân dân là trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ đã được Hiến định. Do đó, Thủ tướng Chính phủ vẫn có nghĩa vụ thường xuyên thông báo trước nhân dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.