Xây dựng Luật Trưng cầu dân ý để dân được trực tiếp tham gia quản lý nhà nước

23/09/2014
Theo Điều 28 của Hiến pháp năm 2013, công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai quyền này trên thực tế còn phát sinh nhiều vướng mắc. Đây là đánh giá được đa số đại biểu đồng tình tại Hội thảo “Cơ chế bảo đảm quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân ở địa phương” do Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An tổ chức trong khuôn khổ Dự án GIG/USAID.

Căn nguyên của những vụ khiếu kiện kéo dài

Có thể nói, quyền tham gia quản lý nhà nước được xem là quyền chính trị quan trọng nhất của công dân, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền làm chủ nhà nước, làm chủ xã hội, “được biết, được bàn được làm và được kiểm tra”. Quyền này được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như công dân có quyền tham gia bầu cử, ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước; quyền đóng góp ý kiến vào việc xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật; quyền tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội… Sự ra đời của những văn bản pháp luật để cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp góp phần bảo đảm cho công dân được tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước một cách tích cực và làm cho mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân ngày càng được thắt chặt, tạo đà cho sự phát triển xã hội ngày càng dân chủ hơn.

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Hiển, việc triển khai quyền tham gia quản lý nhà nước vẫn còn thiếu tính khả thi, phát sinh nhiều vướng mắc làm cản trở việc thực hiện quyền công dân. Ông Hiển dẫn chứng, cơ quan nhà nước chưa tạo ra cơ chế thật sự hữu hiệu để người dân thực hiện quyền tham gia xây dựng chính sách pháp luật; việc công dân tham gia bầu cử, ứng cử, thực hiện quyền dân chủ đại diện mang nặng tính hình thức; các quy định liên quan đến quyền giám sát của công dân có phần nghiêng về xác định quyền mà chưa chú trọng đúng mức cơ chế, thủ tục, các điều kiện bảo đảm thực thi quyền… “Những thực tế ấy dẫn đến quyền tham gia của công dân vào hoạt động quản lý nhà nước chưa hiệu quả như mong muốn” – ông Hiển nhận định.

Nêu thực trạng địa phương có nhiều biện pháp tăng cường quyền tham gia quản lý nhà nước trên nhiều phương diện, lĩnh vực, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An Hoàng Quốc Hào cũng thẳng thắn chia sẻ một số hạn chế, vướng mắc thời gian qua. Đáng chú ý là một số cán bộ chính quyền cơ sở tập trung vào xây dựng các hương ước, quy ước của dân “bắt” dân chịu nhiều quy định hơn là việc thực hiện công khai, xin ý kiến của nhân dân về các việc làm của chính quyền. Còn về phía người dân, do trình độ, do những mối quan hệ thân thiết và do sự chưa nghiêm minh trong việc xử lý vi phạm cán bộ nên cũng ít bày tỏ chính kiến của mình, trừ khi các vấn đề đã trở nên bức xúc. Ông Hào đúc rút: “Chính điều đó đã không chỉ hạn chế quyền tham gia quản lý nhà nước của người dân, không huy động được sức mạnh của nhân dân trong việc quản lý, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn là căn nguyên của sự xuất hiện các vụ khiếu kiện kéo dài, những điểm nóng tại một số cơ sở”.

Từng bước thực hiện đầy đủ quyền bầu cử, ứng cử

Từ thực tế trên, ông Hào kiến nghị chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và đạo đức công vụ của đội ngũ công chức trong việc tiếp thu ý kiến và nguyện vọng của nhân dân trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò quản lý của người dân, làm cho người dân tích cực, tự chủ hơn nữa trong việc tham gia vào các công việc xã hội và các hoạt động quản lý nhà nước. Ông Hào còn mong muốn các cơ quan Trung ương xây dựng Luật Trưng cầu dân ý, mở rộng hình thức quyết định trực tiếp để toàn dân có quyền tham gia vào công việc trọng đại của đất nước, của địa phương nhằm tăng cường hiệu quả tham gia vào các hoạt động quản lý hành chính nhà nước của nhân dân.

Trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương cho rằng, chính quyền các cấp có thể làm ngay một số việc mà không cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan. Đó là thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về công khai, minh bạch trong sử dụng ngân sách nhà nước, về thủ tục hành chính, về lấy ý kiến đối tượng chịu tác động của văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các quy định của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007. Về lâu dài thì cần gấp rút ban hành các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, về tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng tăng công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình cũng như các đạo luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp…

Bàn riêng về quyền bầu cử, ứng cử của công dân, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu (Văn phòng Quốc hội) Trần Văn Tám phân tích, pháp luật hiện hành quy định công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, trừ một số trường hợp không được thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử. Đặc biệt theo ông Tám, trước yêu cầu phát huy dân chủ trong một xã hội văn minh, cần từng bước thực hiện đầy đủ quyền bầu cử, quyền ứng cử của một số trường hợp công dân mà hiện nay chưa được Nhà nước bảo đảm, gồm công dân Việt Nam đang học tập, lao động, công tác ở nước ngoài; người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam; người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

                                                             Thục Quyên