Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Hội Luật gia Việt Nam

20/09/2014
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Hội Luật gia Việt Nam
Sáng nay (20/09), tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức đại hội, đại biểu toàn quốc lần thứ XII nhiệm kỳ 2014-2019, tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Trưởng Ban nội chính TƯ Nguyễn Doãn Khánh; Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh, Lãnh đạo Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương.
 

Tại Đại hội, ông Nguyễn Văn Hiện, Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia cho biết, trong nhiệm kỳ XI (2009 – 2014) vừa qua, có nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra trong tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam: Kết luận số 19-KL/TW ngày 23/5/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổng kết thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới... những sự kiện này đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho tổ chức và hoạt động của các cấp Hội Luật gia; xác định rõ Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp - đặc thù, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có vị trí, vai trò quan trọng trong việc đoàn kết, tập hợp rộng rãi đội ngũ luật gia trong cả nước tự nguyện tham gia công tác hội vì mục đích góp phần bảo vệ lẽ phải, công bằng và tiến bộ xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, quyền tự do dân chủ của nhân dân; bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ đường lối chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trên diễn đàn pháp lý quốc tế.

   

Báo cáo tổng kết hoạt động của hội luật gia Việt Nam khóa 11, phương hướng nhiệm vụ khóa 12 cho thấy, nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Luật gia và hội viên đã bám sát những quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Hội tiếp tục được đẩy mạnh, với nội dung, hình thức, phương pháp tham gia ngày càng phong phú, chất lượng, hiệu quả, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý ở cơ sở được Hội củng cố, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội và người dân. Đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố và gần 60% các quận, huyện, thị xã có Hội Luật gia. 60/63 các Hội Luật gia cấp tỉnh và nhiều Hội Luật gia cấp huyện đã được công nhận là hội đặc thù.

Trong phần thảo luận, các đại biểu cho ý kiến để xác định rõ mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ chủ yếu trong nhiệm kỳ 2014-2019; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, hướng về cơ sở, xây dựng và phát triển tổ chức Hội Luật gia Việt Nam ngày càng vững mạnh, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về chính trị tư tưởng, có đạo đức và tận tụy với nghề; đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp hoạt động; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cấp hội; phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam với tư cách là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tiếp tục tăng cường củng cố, phát triển tổ chức hội vững mạnh, khẳng định vị trí, vai trò của hội, phấn đấu đến năm 2015 tất cả các quận, huyện, thị xã đều có tổ chức Hội Luật gia.  

   

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Hội Luật gia trong thời gian qua. Chủ tịch nước khẳng định, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Luật gia Việt Nam đã phát huy tích cực vai trò là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, của Hội Luật gia các nước ASEAN, của Hội Luật gia Dân chủ quốc tế...

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước chúc mừng và biểu dương các thành tích mà Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, Đại hội lần này diễn ra trong bối cảnh đất nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, Hội Luật gia Việt Nam cần khẩn trương thực hiện phương hướng nhiệm vụ đặt ra trong Đại hội này, tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tập hợp các luật gia có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp trong đội ngũ của mình…

Cùng với việc chủ trì và tham gia soạn thảo một số dự án Luật và các văn bản quy phạm pháp luật, hội cần tham gia công tác giám sát và phản biện chính sách pháp luật, làm nòng cốt cho hoạt động phổ biến chính sách pháp luật, đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người nghèo, gia đình chính sách, tham gia tích cực và hiệu quả công tác cải cách pháp luật và tư pháp. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng quan hệ với các Hội Luật gia tiến bộ trên thế giới. Đảng đoàn Trung ương Hội Luật gia cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đội ngũ thực sự trong sạch, vững mạnh. Với sự cố gắng và quyết tâm cao, với phương châm chủ động, sáng tạo, hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững mà Đại hội đề ra, Chủ tịch nước tin rằng Hội Luật gia Việt Nam và giới luật gia nước nhà sẽ đạt được nhiều thành tích hơn nữa./.