Sửa đổi Bộ luật dân sự: Bảo vệ và bảo đảm hữu hiệu quyền dân sự

22/08/2014
Ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, tổ chức trong giao lưu dân sự, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp đã được sửa đổi... là mục tiêu dự thảo Bộ luật dân sự (BLDS) sửa đổi hướng đến.

Hôm qua (21/8), cho ý kiến vào dự thảo BLDS (sửa đổi), các chuyên gia tham dự phiên họp của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã bày tỏ nhiều tâm huyết đối với một trong những bộ luật “rường cột”, có ý nghĩa lớn không chỉ về mặt kinh tế - xã hội mà còn cả về mặt xây dựng pháp luật, nhất là đối với hệ thống luật tư. Đa số ý kiến đã thể hiện sự tán thành với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung của BLDS nhưng có nhiều quy định mới, quan trọng thì vẫn đang còn có ý kiến khác nhau, trong đó có những qui định liên quan đến bảo vệ quyền dân sự của người dân trong các giao dịch dân sự.

Không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự

“Khi người dân có yêu cầu về giải quyết vụ, việc dân sự thì TAND không được từ chối vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” là một trong những qui định của dự thảo BLDS (sửa đổi) để bảo vệ tối cao quyền dân sự của người dân. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, trong trường hợp chưa có điều luật thì Tòa án cần áp dụng quy định về áp dụng tập quán, áp dụng tương tự quy định của pháp luật, các nguyên tắc cơ bản được quy định trong BLDS và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết vụ, việc dân sự của người dân.

Đây cũng là thực tiễn lập pháp của một số nước. Nhiều BLDS của các nước này đều có quy định, “trong trường hợp không có quy định của luật thì thẩm phán cũng không được phép từ chối giải quyết yêu cầu về bảo vệ quyền dân sự của người dân”. Nhưng thực tế thời gian qua, do thiếu quy định này của luật nên khi có yêu cầu của người dân thì tòa án còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ hiến định của mình, đồng thời quyền lợi hợp pháp của nhiều người dân đã không thể được bảo vệ hợp lý. Vì thế, qui định này là một giải pháp đem đến giải pháp tích cực để bảo vệ quyền dân sự trong BLDS. Nên việc bổ sung qui định là cần thiết để góp phần thực hiện trách nhiệm của Nhà nước “phải có trách nhiệm tạo cơ chế pháp lý đầy đủ để các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện” đã được qui định trong Hiến pháp 2013.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định về trách nhiệm của tòa án trong việc áp dụng tập quán và quy định tương tự của pháp luật để giải quyết các vụ việc dân sự là vấn đề cần quan tâm để thực hiện qui định bảo vệ quyền dân sự của người dân sau khi BLDS được sửa đổi, cũng như xem xét điều kiện đảm bảo tính khả thi của qui định trong điều kiện kinh tế - xã hội và pháp luật hiện nay của Nhà nước ta hiện nay, nhất là khi quy định này đòi hỏi thẩm phán phải có điều kiện và năng lực chuyên môn cao về giải thích pháp luật.

Bảo vệ người thứ ba ngay tình để ổn định trong các quan hệ dân sự

Dự thảo BLDS (sửa đổi) quy định trong trường hợp tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau đó được chuyển giao bằng một hành vi pháp lý khác cho người thứ ba và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện hành vi pháp lý thì đối với người thứ ba, hành vi pháp lý không vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết tài sản là đối tượng của hành vi pháp lý đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp, ngoài ý chí của chủ sở hữu. Qui định này sẽ bảo đảm công bằng, hợp lý đối với người thiện chí, ngay tình và bảo đảm sự ổn định trong các quan hệ dân sự và phù hợp với nguyên tắc đăng ký bất động sản hiện nay.

Cũng theo các chuyên gia, bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp này không có nghĩa là không tôn trọng và bảo vệ quyền của chủ sở hữu. Trong trường hợp do tài sản chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng được chuyển giao cho người thứ ba không ngay tình thì chủ sở hữu vẫn có quyền kiện đòi tài sản từ người thứ ba. Trong trường hợp tài sản đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền và được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu bồi hoàn giá trị tài sản, bồi thường thiệt hại, thậm chí kiện bồi thường Nhà nước đối với cơ quan có thẩm quyền về đăng ký tài sản.

Quan trọng hơn, bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp này sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn, lâu dài, ổn định hơn cho các chủ thể, đặc biệt trong việc bảo đảm sự ổn định, minh bạch, công khai của nền kinh tế được vận hành theo quy luật thị trường khi chủ sở hữu, người có vật quyền khác để hạn chế rủi ro pháp lý, bảo vệ được quyền, lợi ích của mình thì phải đi đăng ký tài sản. Người thứ ba cũng quan tâm hơn đến việc áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn pháp lý, hạn chế rủi ro cho mình và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đăng ký tài sản có trách nhiệm hơn về tính chính xác, minh bạch, công khai trong đăng ký tài sản…

Song, trong bối cảnh việc đăng ký bất động sản đang còn có nhiều bất cập như hiện nay, vẫn còn ý kiến cho rằng, cần tiếp tục quy định nguyên tắc bảo vệ người thứ ba ngay tình và bảo vệ chủ sở hữu như quy định tại Điều 138 BLDS 2005, bởi vì nếu quy định như dự thảo BLDS (sửa đổi), người thứ ba ngay tình sẽ được bảo vệ trong mọi trường hợp và như vậy chủ sở hữu của tài sản lại không được bảo vệ./.

                                                        Huy Anh