Quyền tư pháp của Tòa án: Không được lẫn lộn cả chức năng hành chính tư pháp

15/07/2014
“Qui định về quyền tư pháp của Tòa án nhân dân (TAND) trong dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) còn lẫn lộn giữa các chức năng thực hiện quyền tư pháp và các chức năng hành chính tư pháp khác” là một trong những đánh giá về dự thảo Luật này tại phiên họp của UBTVQH chiều qua (14/7).

Thảo luận về vấn đề tòa án thực hiện quyền tư pháp tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIII, đa số ĐBQH đã tán thành với sự cần thiết quy định cụ thể hóa khái niệm “quyền tư pháp” trong dự thảo Luật. Nhưng cũng có kiến đề nghị không quy định cụ thể về nội dung quyền tư pháp trong dự thảo Luật, vì đây là vấn đề lớn, cần tiếp tục nghiên cứu, trước mắt chỉ nên quy định TAND xét xử những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình và giải quyết những việc khác theo quy định của pháp luật là phù hợp.

Quyền tư pháp phải gắn với hoạt động xét xử

Tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 và quy định của pháp luật hiện hành về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND, Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội và TANDTC đã đề nghị sửa lại qui định chức năng, nhiệm vụ của TAND khi thực hiện quyền tư pháp cho phù hợp, trong đó nhấn mạnh đến quyền xét xử và các quyết của Tòa án trong quá trình tố tụng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng khác, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại phiên họp chưa thấy đồng tình vì cho rằng qui định như vậy “còn lẫn lộn giữa các chức năng thực hiện quyền tư pháp và các chức năng hành chính tư pháp khác của TA” như nhận xét của ông Nguyễn Doãn Khánh – Phó Trưởng ban Nội chính TƯ. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cũng nhận thấy, “qui định tại khoản 2 điều 2 (về chức năng, nhiệm vụ của TAND khi thực hiện quyền tư pháp) dự thảo Luật là quá rộng”. Vì thế, ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – đề nghị “rà soát lại qui định về quyền tư pháp, tập trung vào mối quan hệ giữa quyền tư pháp và hoạt động xét xử mà không nên mở rộng quyền tư pháp với tất cả các việc mà TAND đang làm, các chức năng đó được giao cho TAND tùy từng giai đoạn”.

Phân tích các yếu tố làm nên “quyền tư pháp của TAND”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh “quyền tư pháp phải xuất phát từ hoạt động xét xử, khi xét xử mới thực hiện quyền tư pháp”. Từ đó, thực hiện quyền tư pháp còn là kiểm soát các hoạt động trong quá trình tố tụng để tuyên án đúng. Do vậy, “phải nhận thức lại và thể hiện đúng quyền tư pháp của TAND” – Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Không thể cho dùng án lệ một cách đơn giản mà phải thận trọng

Đó là quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi đề cập đến qui định về nhiệm vụ phát triển án lệ của TANDTC trong dự thảo Luật TAND (sửa đổi) bởi “mỗi vụ án đều có đặc điểm riêng, không giống nhau và thực tiễn cuộc sống mỗi ngày đều có sự biến động nên không thể cho dùng án lệ một cách đơn giản mà phải thận trọng” – lãnh đạo Quốc hội lưu ý.

TANDTC đề nghị qui định nhiệm vụ này trong dự thảo Luật và xác định “án lệ là quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC về một vụ việc cụ thể có nội dung lập luận, làm rõ những qui định của pháp luật chưa rõ ràng, còn có nhiều cách hiểu khác nhau, đánh giá những sai lầm nghiêm trọng về việc áp dụng pháp luật trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TA…” được lựa chọn làm chuẩn mực để các TA nghiên cứu, áp dụng trong công tác xét xử, bảo đảm nguyên tắc “các vụ việc có tình tiết giống nhau thì phải được phán quyết như nhau”.

Nhưng có ý kiến vẫn lo ngại qui định án lệ như trong dự thảo Luật “không phù hợp với điều kiện nước ta. Án lệ không phải là nguồn luật, chỉ có giá trị tham khảo”. Dù đa số đồng tình qui định này để “khỏa lấp những hạn chế của hệ thống pháp luật”, song bà Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Quốc hội - còn  phân vân vì “việc giải thích án lệ của TA và cơ quan tư pháp hiện khác nhau”. Cẩn trọng hơn, ông Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội – đề nghị, cần qui định để có sự tổng kết, hướng dẫn áp dụng các bản án, quyết định được chọn làm án lệ “chứ không phải cứ có bản án là được áp dụng thành  án lệ”./.

Huy Anh

Thường trực UBTP đề nghị không thành lập Tòa giản lược trong TAND sơ thẩm khu vực nhưng bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội - lại tha thiết đề nghị phải thành lập Tòa này, nhất là để giải quyết các vụ tranh chấp lao động “đang diễn ra hàng ngày” nhằm bảo đảm tính kịp thời, có lợi cho người lao động. Dựa theo những kinh nghiệm từ nước ngoài, ông Nguyễn Doãn Khánh – Phó Trưởng Ban Nội chính TƯ - cho biết, ở các nước là phiên tòa tiến hành theo thủ tục giản lược, chủ yếu hòa giải các vụ nhỏ (dân sự), chứ không cần thiết tổ chức Tòa giản lược. Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành phải có thủ tục giản lược trong xét xử nhưng lưu ý dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) phải có qui định cụ thể loại vụ án, loại việc được áp dụng thủ tục giản “không phải vụ nào cũng được xử giản lược” và phải có qui trình rõ ràng.