Hội thảo về chủ đề “Những vấn đề lý luận về quyền tư pháp ở Việt Nam – giá trị phổ biến và giá trị đặc thù”

27/06/2014
Sáng nay – 27/6, Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp nhà nước “Quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” (do Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ chủ trì việc nghiên cứu) tổ chức hội thảo về chủ đề “Những vấn đề lý luận về quyền tư pháp ở Việt Nam – giá trị phổ biến và giá trị đặc thù”. Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi 4 hội thảo lớn của đề tài. Bà Lê Thị Thu Ba – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ đã tham dự Hội thảo.

Hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia pháp lý đã và đang công tác trong các cơ quan tư pháp, nghiên cứu  pháp luật như GS.TSKH.Đào Trí Úc, GS.TS.Lê Hồng Hạnh (Viện trưởng Viện Kinh tế và pháp luật châu Á, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp), GS.Xuan Thao-Nguyen (Trường Luật, Đại học Idiana, Mỹ), GS.TS.Thái Vĩnh Thắng (Đại học Luật Hà Nội), PGS.TS.Hoàng Thế Liên (nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp), PGS.Nguyễn Tất Viễn (ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ), TS.Nguyễn Huy Du (Chánh Tòa Lao động, TANDTC), TS.Nguyễn Văn Hiển và ThS.Lê Hoàng Thanh (Viện Khoa học pháp lý)…

Theo TS.Nguyễn Văn Quyền (Chủ nhiệm Đề tài), Đề tài “Quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có mục tiêu làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về quyền tư pháp ở Việt Nam, góp phần phục vụ trực tiếp cho hoạt động triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, xây dựng hệ thống lý luận hoàn chỉnh về quyền tư pháp ở Việt Nam. Trước mắt, cung cấp thêm những luận cwss khoa học và thực tiễn về tư pháp và cải cách tư pháp, phục vụ việc xây dựng dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu  lần thứ XII của Đảng.

Với mục đích hoàn thiện Đề tài, các chuyên gia đã tập trung làm rõ những giá trị phổ biến và giá trị đặc thù của quyền tư pháp với những vấn đề trọng tâm là khái niệm, đặc điểm, bẩn chất, nội hàm của quyền tư pháp, chủ thể nắm giữ và thực hiện quyền tư pháp, tính đặc thù của quyền tư pháp so với quyền lập pháp và hành pháp, mối quan hệ giữa quyền tư pháp với các nhánh quyền lập pháp và hành pháp, vai trò của tòa án và các thiết chế trong thực hiện quyền tư pháp, vấn đề giám sát đối với việc thực hiện quyền tư pháp.

H.Giang