Khắc phục tình trạng dân “thờ ơ” với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: Cần nỗ lực từ cả hai phía.

09/07/2014
Đó là quan điểm mà TS.Nguyễn Văn Cương (Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) đưa ra khi trao đổi về cơ chế bảo đảm thực hiện quyền tham gia của người dân vào quá trình hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật trong dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) mà Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến.

Tổ chức lấy ý kiến người dân còn “chưa hấp dẫn”

Ông đánh giá như thế nào về sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật hiện nay?

Trước hết phải khẳng định đó quyền Hiến định của người dân. Nhà nước ta là Nhà nước “của dân, do dân, vì dân” nên ý chí của nhân dân là gốc của pháp luật. Do đó, ý kiến của người dân đóng vai trò rất quan trọng trong hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật. Thực tiễn đã chứng minh, những VBQPPL hợp ý người dân thì việc triển khai thuận lợi vì được ủng hộ, còn những VBQPPL vì lý do này lý do khác mà chưa sát hợp nguyện vọng của người dân thì khi tổ chức triển khai thường gặp sự phản ứng rất mạnh, thậm chí “chết yểu”. Cũng cần nhấn mạnh rằng, việc người dân tham gia xây dựng pháp luật còn là nhu cầu khách quan của chính cơ quan chủ trì việc soạn thảo văn bản pháp luật nếu cơ quan này thực tâm muốn xây dựng được những văn bản quy phạm pháp luật tốt.

Vai trò quan trọng như vậy, nhưng cơ chế để người người dân tham gia xây dựng pháp luật hiện hành lại có những biểu hiện hình thức. Theo ông, nguyên nhân có phải từ phía người dân?

Trong những năm qua, việc lấy ý kiến người dân vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật ngày càng được coi trọng, ít nhất là từ Luật ban hành VBQPPL năm 2008 tới nay, cơ chế này được hoàn thiện hơn, nhưng không tránh khỏi tồn tại nhất định, trong đó có việc lấy ý kiến đôi khi còn hình thức hoặc là chưa thu hút được sự quan tâm thực sự của người dân cũng như của chính đối tượng chịu sự tác động của VBQPPL vào quá trình lấy ý kiến.

Qua theo dõi của chúng tôi, nhiều dự thảo VBQPPL, mặc dù được đăng tải công khai trong thời gian khá dài nhưng chỉ nhận được rất ít ý kiến. Tình trạng này có thể lý giải bởi một số lý do như: đa số người dân còn bận rộn với việc mưu sinh và các việc khác nên chưa có điều kiện quan tâm tới lĩnh vực xây dựng pháp luật; nhiều người dân vẫn quan niệm rằng “xây dựng pháp luật là việc của Nhà nước, không phải việc của mình”. Thực tế, thường chỉ có một bộ phận dân chúng nhất định có điều kiện và cũng quan tâm hơn tới việc góp ý vào các dự thảo VBQPPL như các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện cho các tổ chức xã hội …

Nhưng thực tế, hình thức phổ biến để lấy ý kiến người dân là các hội nghị, hội thảo, nên người dân bình thường là đối tượng điều chỉnh của các dự thảo VBQPPL gần như rất ít được tham gia?

Tôi nghĩ đây là vấn đề liên quan đến cách thức và kỹ thuật lấy ý kiến người dân và đối tượng chịu sự tác động. Tôi cho rằng, bản thân việc đăng tải dự thảo VBQPPL và tài liệu liên quan như báo cáo tổng kết, tờ trình, báo cáo đánh giá tác động đã thể hiện tính cầu thị của cơ quan chủ trì soạn thảo muốn lắng nghe ý kiến của người dân. Pháp luật hiện hành vẫn dành quyền chủ động rất lớn cho cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chọn lựa hình thức lấy ý kiến người dân và đối tượng chịu sự tác động. Hội nghị, hội thảo thường là hình thức hay được các cơ quan chủ trì soạn thảo sử dụng. Vấn đề là làm sao để thành phần tham dự các tọa đàm, hội thảo có tính rộng mở, để bản thân người dân thường cũng có thể tham dự được. Đây là điều các cơ quan chủ trì soạn thảo rất nên lưu ý. Qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cho rằng sự hạn chế về nguồn ngân sách cho việc tổ chức lấy ý kiến cũng làm cho việc mở rộng các hình thức lấy ý kiến người dân, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động bị bó hẹp. Theo tôi nếu tăng nguồn lực này thì cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc đa dạng hóa các hình thức lấy ý kiến người dân và đối tượng chịu sự tác động đối với các dự thảo VBQPPL.

Còn “lỗi” từ phía cơ quan lấy ý kiến khiến người dân không “mặn mà” với việc góp ý vào dự thảo VBQPPL khi cơ quan soạn thảo đăng tải dự thảo trên Internet có thể một phần là do cách thức đăng tải của chúng ta chưa thực sự “thân thiện” và chưa thực sự “hấp dẫn” để người dân và đối tượng chịu sự tác động tham gia ý kiến. Ngay việc các cơ quan chủ trì soạn thảo đưa một lượng thông tin “khổng lồ” về dự thảo VBQPPL và các tài liệu kèm theo mà không “định hướng” cho người dân về  những nội dung quan trọng, then chốt, trọng tâm trong dự thảo, những nội dung sẽ tác động trực tiếp tới lợi ích của người dân, những quy định mới đòi hỏi người người dân phải thay đổi hành vi, thói quen… cũng làm cho việc tham gia ý kiến của người dân trở nên khó khăn. Theo tôi, cách thức lấy ý kiến về dự thảo VBQPPL có phần “chưa thân thiện” với người dân như vậy là nguyên nhân không nhỏ khiến tình trạng nhiều dự thảo VBQPPL “trắng” ý kiến đóng góp của người dân.

Ngoài ra, quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về thực trạng này, chúng tôi cũng ghi nhận được ý kiến của nhiều người cho rằng, chính việc ý kiến góp ý không nhận được sự phản hồi của cơ quan lấy ý kiến cũng làm giảm động lực góp ý cho dự thảo VBQPPL. Như vậy cả người dân và cơ quan tổ chức lấy ý kiến đều có những điểm cần khắc phục để việc lấy ý góp ý cho các dự thảo VBQPPL thiết thực hơn.

Dân được góp ý từ khâu “thiết kế” đến “thi công” VBQPPL

Vậy dự thảo Luật ban hành VBQPPL củng cố quyền góp ý vào dự thảo VBQPPL của người dân như thế nào, thưa ông?

Về tổng thể, cơ hội để người người dân tham gia góp ý, xây dựng pháp luật trong dự thảo Luật ban hành VBQPPL được mở rộng hơn, với ý tưởng rất táo bạo là tách quá trình xây dựng các đạo luật thành 2 công đoạn: làm chính sách và soạn thảo dự án VBQPPL, khắc phục được tình trạng nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta đang xây dựng luật theo cách “vừa thiết kế, vừa thi công”, rất không tốt cho nâng cao chất lượng VBQPPL. Theo dự thảo Luật Ban hành VBQPPL (mới), trong cả 2 công đoạn này đều quy định thủ tục lấy ý kiến người dân. Qua đó, tạo cơ hội để người người dân tham gia góp ý ngay từ khi hoạch định chính sách đến khi hoàn thiện dự thảo VB, đảm bảo việc xây dựng pháp luật kịp thời phản ánh ý dân, phúc đáp nhu cầu của thực tiễn.

Ngoài ra, người dân cũng có thể thông qua các kênh truyền thống như đại biểu Quốc hội, trực tiếp liên hệ với cơ quan soạn thảo, thông qua các cơ quan truyền thông để góp ý vào dự thảo VBQPPL. Với quy định mới trong Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL theo đó cơ quan tổ chức lấy ý kiến trách nhiệm báo cáo về việc tiếp thu ý kiến và phải đăng tải công khai báo cáo này, người dân cũng có cơ hội tìm hiểu xem ý kiến của mình được tiếp thu, phản hồi như thế nào.

Hiện nay, số người dân có thể tiếp cận các phương tiện thông tin điện tử chưa nhiều thì việc dự thảo Luật Ban hành VBQPPL dường như lại lựa chọn đó là kênh duy nhất để đăng tải các dự thảo VBQPPL lấy ý kiến người dân liệu có hạn chế cơ hội góp ý của người dân?

Đúng là ở nhiều vùng miền, việc tiếp cận internet của người dân còn khó khăn nên không thể coi việc đăng tải dự thảo VBQPPL để lấy ý kiến trên các trang thông tin là kênh duy nhất. Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL cũng không coi đây là kênh duy nhất để lấy ý kiến người dân và đối tượng chịu sự tác động. Bên cạnh phương thức này, dự thảo Luật ban hành VBQPPL không hạn chế việc cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản lấy ý kiến người dân thông qua các hình thức khác. Việc này do các cơ quan chủ trì soạn thảo quyết định. Có một thực tế đặt ra là nếu dự thảo văn bản quy phạm nào cũng tổ chức lấy ý kiến đại trà thì chi phí cho việc tổ chức lấy ý kiến sẽ rất lớn trong khi đó sự trùng lặp trong ý kiến của người dân cũng dễ xảy ra. Chính vì thế, trong bối cảnh nguồn lực cho việc lấy ý kiến người dân có giới hạn, chúng ta buộc phải tính toán để làm sao việc bảo đảm quyền của người dân có cơ hội bày tỏ quan điểm về dự thảo VBQPPL vừa thực chất nhưng lại vừa tiết kiệm. Đây là việc không hề dễ dàng.

Vậy có nên bổ sung thêm một kênh để đăng tải các dự thảo lấy ý kiến như hệ thống truyền thanh cơ sở để thông tin là về dự thảo VBQPPL đến gần hơn với đa số người dân?

 Tôi nghĩ đây là một ý kiến đáng cân nhắc, nhất là với các dự thảo văn bản liên quan lợi ích thiết thân của đại đa số người dân. Hiện tại, Luật Ban hành VBQPPL cũng đang trong quá trình dự thảo nên tôi tin những đề xuất, góp ý như thế này và những góp ý của người dân sẽ được cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Huy Anh