Khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII

20/05/2014
Sáng nay – 20/5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII đã long trọng khai mạc tại Hội trường Bộ Quốc phòng (Hà Nội) với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi đà tăng trưởng nhưng còn chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kinh tế trong nước đang chuyển biến tích cực, tăng trưởng những tháng đầu năm 2014 cao hơn cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiềm chế, giá cả ổn định, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ và kim ngạch xuất khẩu tăng khá; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm... Tuy vậy, kinh tế vĩ mô còn chưa ổn định, những yếu kém nội tại của nền kinh tế chậm được khắc phục, tái cơ cấu nền kinh tế chuyển biến chậm, khó khăn trong sản xuất-kinh doanh còn lớn và đang xuất hiện những khó khăn mới. Tình hình đó đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi vững chắc đà tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội; sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn lực của đất nước, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…; đoàn kết nỗ lực phấn đấu, nắm chắc cơ hội vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, tạo đà thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015).

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng sau đây:

Một là, xem xét, thông qua 11 dự án luật, Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và năm 2014; cho ý kiến về 16 dự án luật khác. Đây là một nội dung trọng tâm của kỳ họp nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp mới, góp phần hoàn thiện thể chế, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Hai là, xem xét, sửa đổi Nghị quyết 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đã được tiến hành thận trọng, khách quan, đúng pháp luật, được cử tri và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa quan trọng để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét mức độ tín nhiệm và đánh giá cán bộ chính xác hơn. Tuy nhiên, vì là lần đầu tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên không tránh khỏi một số hạn chế, vướng mắc, cần được xem xét sửa đổi, hoàn thiện để tiếp tục thực hiện tốt hơn chủ trương này và đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong hệ thống chính trị.

Ba là, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012. Quốc hội chúng ta sẽ tập trung đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những mặt còn yếu kém để có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012; nghe các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 6 đến kỳ họp 7; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2015; xem xét báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Trong số các dự án luật được Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 7, có 4 dự án Luật do Bộ Tư pháp soạn thảo là Luật Hộ tịch, Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) (sửa đổi), và Luật sửa đổi khoản 2 điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam. Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến lần đầu đối với 16 dự án luật, trong đó có dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) do Bộ Tư pháp được phân công soạn thảo.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, “Tình hình Biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Hành vi của Trung Quốc đặt giàn khoan 981 tại thềm lục địa Việt Nam và cho máy bay bảo vệ đã vi phạm đặc biệt chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, bất chấp các thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Hòa bình và an ninh khu vực đang bị đe dọa, đồng bào lo lắng, kiên quyết phản đối, cộng đồng quốc tế quan tâm, chia sẻ tỏ tình đoàn kết với Việt Nam. Vì vậy, tại kỳ họp, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông và cho ý kiến với tinh thần bằng mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, bảo vệ đất nước, giữ gìn mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Trung Quốc”.

Ngay sau bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.

Chiều nay, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và những chủ trương, giải pháp của Việt Nam.

H.Giang