Chủ nghĩa yêu nước chân chính có hai nội dung cơ bản là tình yêu và lòng trung thành đối với Tổ quốc. Tình yêu Tổ quốc giúp mỗi người Việt Nam luôn tự hào về quá khứ và hiện tại của Tổ quốc, tự hào về dân tộc qua những áng văn thơ hào hùng và bất hủ như Chiếu dời đô (Lý Công Uẩn), Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh)... Lòng trung thành đối với Tổ quốc giúp chúng ta luôn tâm nguyện hướng về Tổ quốc, không cho phép dung thứ với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Yêu nước, biểu thị lòng yêu nước, phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng biển Việt Nam là một việc làm hoàn toàn chính đáng của nhân dân ta.
Chủ nghĩa yêu nước của dân tộc ta đã được hình thành và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước với vị trí là chuẩn mực đạo đức cao nhất của đạo lý và đứng đầu trong bậc thang giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam. Yêu nước là sức mạnh tiềm tàng, thường trực trong lòng dân tộc, là nguồn lực không bao giờ cạn trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Chủ nhĩa yêu nước tạo năng lực nội sinh to lớn của cộng đồng dân tộc, tạo nên sức mạnh vô địch trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và trong xây dựng đất nước. Đúng như Bác đã nói "Nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn. Lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt Nam đã ghi những trang oanh liệt của nhân dân đấu tranh để xây dựng nước nhà và bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc mình".
Tuy nhiên, chủ nghĩa yêu nước chân chính cũng không cho phép để tình cảm yêu nước và tinh thần dân tộc phát triển một cách chệch hướng, thậm chí là quá khích, cực đoan. Trong một xã hội văn minh, chủ nghĩa yêu nước phải gắn liền với công lý và lòng nhân ái giữa con người với con người.
Ngược dòng lịch sử, trong giai đoạn sơ khai, bán khai, xã hội phải dựa trên các giải pháp thô sơ là sử dụng “cường lực”, “bạo lực”, hay “bản năng”, lẽ phải sẽ thuộc về kẻ khỏe hơn, mạnh hơn. Nhà sử học Hoa Kỳ Will Durant nhận xét: Trong giai đoạn sơ kỳ, “cá nhân là viên cảnh sát của chính mình, người nào đủ mạnh thì dùng cách trả thù để xử tội theo ý mình”. Sử dụng bạo lực tự hành xử theo thế của kẻ mạnh là cách hành xử sơ đẳng của chế độ xã hội thời sơ kỳ, dã man.
Cùng với sự tiến hóa của nhân loại, vai trò của “cường lực”, “bạo lực”, “sức mạnh” ngày càng phai nhạt. Khi bước sang giai đoạn phát triển văn minh hơn, loài người nhận ra rằng không thể để cho các cá nhân tự ý định đoạt khu xử, trật tự xã hội cần phải được thiết lập trên cơ sở công lý, trên cơ sở một hệ thống pháp luật công bằng, văn minh. Một chế độ xã hội vẫn còn nhấn mạnh đến việc sử dụng vũ lực, bạo lực để "thị uy", "đe dọa" một dân tộc khác, mà phớt lờ pháp luật, đạo lý, công lý thì không thể coi là một thể chế chính đáng, chính nghĩa. St.Augustine đã từng thẳng thắn luận giải tính chính nghĩa của một nhà nước, một chính quyền thông qua việc nhà nước đó có thừa nhận các giá trị của công lý, có bảo vệ và bảo đảm việc thực thi công lý hay không, theo ông, công lý phải là điểm tựa chính trị, đạo lý trong mỗi thể chế, “nếu không có công lý, nhà nước chỉ là một băng cướp có tổ chức mà thôi”.
Chủ nghĩa yêu nước chân chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn liền và thông qua những giá trị công lý được cả thế giới thừa nhận. Sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, giải phóng dân tộc phải dựa trên cơ sở của lẽ phải, lương tri và công lý. Công lý là cơ sở để vận động các lực lượng quốc tế ủng hộ nền độc lập của Việt Nam, để nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ cuộc cách mạng chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Trong Thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ (10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân Việt Nam chỉ đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn và vì sự tôn trọng sự thực và công lý”. Hay tại Diễn văn Lễ Kỷ niệm quốc khánh đầu tiên của Việt Nam dân chủ cộng hòa (2-9-1946) tổ chức tại Pari, Người nhấn mạnh: “Chúng ta là hai dân tộc yêu chuộng công lý và tự do, quan tâm đến văn hoá, đến sự nảy nở của những tư tưởng đạo lý. Việc có chung những tình cảm trên làm hài hoà mối quan hệ của chúng ta, lý tưởng và lợi ích của chúng ta, tất cả đều khiến chúng ta xích lại gần nhau”.
Tuy nhiên, trước dã tâm xâm lược của các thế lực ngoại bang, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đại diện cho tinh thần yêu nước và đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam đã kiên quyết kêu gọi quốc dân đồng bào quyết tâm giữ gìn nền độc lập non trẻ. Trong Lời Kêu gọi đồng bào Nam Bộ, Người khẳng định: “Vì công lý, cuộc kháng chiến tự vệ của dân tộc ta phải toàn thắng” hay tại Diễn văn đọc trong “Ngày toàn quốc kháng chiến” (5/11/1945), Người kêu gọi: “Vì chính nghĩa, công lý của thế giới, vì đất nước giống nòi của Việt Nam, mà toàn quốc đồng bào ta nổi lên tranh đấu quyết giữ vững nền độc lập của ta”. Trong Điện gửi nhân dân Pháp nhân ngày 19-12-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích với nhân dân Pháp về tính chính nghĩa của của kháng chiến bảo vệ nền độc lập: “Dân tộc chúng tôi đã chiến đấu "không chút sờn lòng, không điều ân hận" vì chúng tôi chiến đấu cho tự do, cho độc lập, và đối với nhân dân Pháp chúng tôi không thù hằn gì. Chúng tôi đã tỏ rằng chân lý, công lý, lịch sử và tương lai ở về phe chúng tôi”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy những giá trị bền vững của công lý để khẳng định tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến. Trong Thư trả lời một công dân Mỹ (1966), Người nói: “Nhân dân Mỹ có truyền thống yêu chuộng công lý, tự do và hoà bình. Nhân dân Việt Nam rất quý trọng nhân dân Mỹ, muốn đoàn kết với nhân dân Mỹ đang đấu tranh cho các quyền dân chủ và chống chiến tranh xâm lược Việt Nam”.
Tuy nhiên, trong cuộc kháng chiến, nhân dân Việt Nam không được vì lòng công phẫn mà đi sai con đường chính trị, ảnh hưởng đến đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Yêu nước nhưng không cực đoan, quá khích và phải luôn giữ vững được tình nhân ái, nhân văn giữa con người. Khi tàu bay địch tàn sát đồng bào Nam Bộ, cùng với việc căm phẫn lên án kẻ địch nhưng với tấm lòng nhân văn sâu sắc, Người đã kêu gọi nhân dân: “Đối với người Pháp chúng ta phải tỏ rằng: Chúng ta là một dân tộc yêu chuộng hoà bình, công lý, nhân đạo. Gặp hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải bình tĩnh, giữ trật tự, giữ kỷ luật. Chúng ta phải khoan hồng và bảo vệ tính mệnh, tài sản cho họ”.
Nhớ về Ngày sinh của Bác, khi đất nước đang đứng trước những thời khắc gian nan, chủ nghĩa yêu nước của nhân dân ta đang sáng ngời lên hơn bao giờ hết và chúng ta lại càng thấy rõ hơn chủ nghĩa yêu nước chân chính của Bác, một chủ nghĩa yêu nước gắn liền với khát vọng công lý, hòa bình và lòng nhân ái, nhân văn giữa con người với con người./.
Ths. Nguyễn Xuân Tùng
Tài liệu tham khảo:
1. Công điện số 697/CĐ-TTg ngày 15/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh trật tự.
2. Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu giáo dục Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2008.
3. Nguyễn Xuân Tùng: Tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, tháng 11/2013.