Theo đó, Chính phủ đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 13 của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (Luật Quốc tịch) vì tỷ lệ rất thấp người đăng ký giữ quốc tịch 5 năm qua đã khiến quy định mang tính nhân đạo của Luật không phát huy được hiệu quả. Theo quy định, khi thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam kết thúc vào ngày 01/7/2014 thì những người không đăng sẽ đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam. Sau này, nếu có nguyện vọng thì họ phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật.
Đồng tình với việc phải sửa đổi khoản 2 Điều 13 vì việc rất nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài bị đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến công tác vận động, bảo hộ của Nhà nước ta đối với cộng đồng này, các Ủy viên thường vụ Quốc hội băn khoăn và đề nghị Chính phủ làm rõ những nguyên nhân khiến việc thực hiện quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trong thời gian qua chỉ thu được kết quả hạn chế. Trên cơ sở đó, đề ra được giải pháp xử lý trong thời gian tới.
Nhận định rằng, việc đăng ký khó khăn, công tác tuyên truyền hạn chế, cơ quan đại diện kiêm nhiệm nhiều nước nên phương án kéo dài thêm 5 năm thời gian đăng ký giữ quốc tịch như đề xuất của Chính phủ là khó khả thi, Ủy ban thường vụ cho rằng, chỉ cần quy định những người chưa mất quốc tịch theo pháp luật trước khi Luật Quốc tịch có hiệu lực thì đương nhiên còn quốc tịch Việt Nam và phải đăng ký để giữ quốc tịch theo quy định.
Tuy nhiên, lo ngại việc không ấn định thời hạn sẽ khó giải quyết được những tồn tại về vấn đề quốc tịch không rõ ràng, không tạo căn cứ pháp lý để thực hiện bảo hộ công dân nước ngoài, cũng như việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân là những đang định cư ở nước ngoài, ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó Ban Nội chính TƯ đề nghị phân cấp cho Chính phủ quy định trình tự, thủ tục và thời hạn đăng ký giữ quốc tịch để có thời gian ấn định giải quyết những vấn đề tồn tại, tạo sự linh hoạt, tùy tình hình thực tiễn giữ quốc tịch để điều chỉnh khung thời gian.
Chính phủ thừa nhận, tỷ lệ người đăng ký giữ quốc tịch còn thấp do nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có quốc tịch nước sở tại, nên nhu cầu đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam của họ không thật sự cấp thiết, thậm chí ở các nước theo nguyên tắc một quốc tịch cứng thì việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam có thể ảnh hưởng đến quy chế quốc tịch của họ ở nước sở tại, đến quyền lợi, công ăn việc làm, cư trú của họ; cộng đồng người Việt Nam định cư ở rất nhiều nước (khoảng trên 100 nước), một bộ phận trong số họ, nhất là ở các nước chưa có cơ quan đại diện của ta, có thể chưa biết đến quy định mới của Luật.
Bên cạnh đó, công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, nhất là Thông tư, Thông tư liên tịch chưa kịp thời, làm cho việc triển khai đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trên thực tế không bảo đảm được đúng thời gian Luật định; công tác phối hợp tổ chức triển khai thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam giữa các Bộ liên quan còn hạn chế; cơ chế liên thông, gắn kết giữa việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam với việc cấp hộ chiếu Việt Nam chưa được hướng dẫn rõ ràng.
Vì vậy, giải pháp có tính quyết định cho quy định đăng ký giữ quốc tịch được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng và có hiệu quả là phải tiến hành sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, thông tin đến được với đông đảo người dân về quy định này.
Huy Anh
Luật Quốc tịch 2008 lần đầu tiên cho phép công dân Việt Nam trong một số trường hợp đặc biệt được có hai quốc tịch và quy định thời hạn 5 năm đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam là quy định có tính nhân đạo để giải quyết tình trạng không rõ ràng về quốc tịch Việt Nam trong cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài do lịch sử để lại, tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo hộ của Nhà nước ta đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, bảo đảm cho công tác quản lý quốc tịch, quản lý công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được hiệu quả hơn. |