Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp: Động lực cho hiệu quả công tác năm 2014

01/02/2014
"Để vượt qua thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành Tư pháp được giao trong năm 2014, bên cạnh việc kiện toàn tổ chức, biên chế thì một vấn đề đặc biệt quan trọng là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp không chỉ về trình độ, năng lực công tác, mà còn cả về phẩm chất và trách nhiệm công vụ" - bà Phan Thị Hồng Hà (Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp) khẳng định như vậy trong không khí toàn ngành sôi nổi bắt tay vào triển khai công tác năm 2014 sau Hội nghị triển khai công tác năm 2014 vừa diễn ra tại Tp.HCM.
Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức

Trong suốt quá trình phát triển, công tác cán bộ của ngành Tư pháp luôn được đặt ở vị trí "trung tâm" với phương châm "cán bộ là nòng cốt cho hiệu quả công việc". Năm 2014, ngành Tư pháp được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới như cải cách thủ tục hành chính, xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật... Cùng với đó, là triển khai thực hiện các nhiệm vụ để góp phần thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện 03 đột phát chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế như đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, triển khai nghiêm túc thi hành pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp. Do đó, đứng trước những cơ hội và thách thức của năm 2014, ngành Tư pháp càng nhận rõ bên cạnh việc kiện toàn tổ chức, biên chế thì "một vấn đề đặc biệt quan trọng là "phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp không chỉ về trình độ, năng lực công tác, mà còn cả về phẩm chất và trách nhiệm công vụ".

Theo bà Phan Thị Hồng Hà, để có được đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu thì cần đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và nền công vụ "chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả". Sẽ có nhiều việc phải làm nhưng hoàn thành Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, làm cơ sở cho việc phân bổ biên chế, bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm; xây dựng Tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo, chức danh công chức và nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Tư pháp; tiếp tục thực hiện việc thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ, cấp Phòng theo Đề án đã được Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp phê duyệt tạo sự đổi mới, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh trong bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng thi tuyển công chức, viên chức; triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển công chức, viên chức để bảo đảm chất lượng cán bộ đầu vào và phòng chống tiêu cực trong công tác tuyển dụng là những trọng tâm mà ngành Tư pháp xác định để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và nền công vụ "chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả" trong năm 2014.

Củng cố nguồn nhân lực từ tiền đề "chất lượng"

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng và phân công tổ chức. Cũng theo bà Phan Thị Hồng Hà, năm 2014, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kết hợp với luân chuyển để nâng cao chất lượng công chức, viên chức cả về phẩm chất, trình độ, kỹ năng công tác và kinh nghiệm thực tiễn thông qua việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành Tư pháp giai đoạn 2011 - 2020. Trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia, cán bộ có có trình độ chuyên môn sâu trong các lĩnh vực công tác của Ngành, đặc biệt chú ý đội ngũ cán bộ trẻ; chú trọng bồi dưỡng theo chức danh; gắn kết đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức chuyên môn. Đẩy mạnh luân chuyển cán bộ theo Nghị quyết số 152-NQ/BCS ngày 28/11/2012 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp.

Đặc biệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP.HCM thành trường trọng điểm về đào tạo pháp luật và Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần tạo nguồn nhân lực pháp luật và tư pháp chất lượng cao; tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo trung cấp luật nhằm bổ sung kịp thời đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở cho các địa bàn khó khăn về nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp.

Bên cạnh đó, để có tiền đề phát triển nguồn nhân lực ngành Tư pháp, ngành Tư pháp sẽ tập trung để nâng cao chất lượng đánh giá công chức, viên chức. Vì vậy, công tác đánh giá công chức, viên chức phải được xác định tiền đề quan trọng để phát triển nguồn nhân lực của Ngành. Thực hiện yêu cầu của Chỉ thị 03/CT-BTP (ngày 24/9/2013) của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tăng cường công tác quản lý công chức, viên chức của Bộ Tư pháp, trong năm 2014, công tác đánh giá công chức, viên chức sẽ phải được quan tâm chú trọng, đổi mới cả về nội dung và cách thức đánh giá công chức, viên chức theo hướng sát thực hơn về nội dung, bám sát yêu cầu vị trí việc làm, có sự phân loại cụ thể đối với từng chức danh, chức vụ; phát huy vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị và người trực tiếp giao việc trong đánh giá; nghiên cứu mở rộng phạm vi đánh giá cả từ bên ngoài, từ phía người dân và các đối tượng thụ hưởng để bảo đảm thực chất trong đánh giá công chức, viên chức.

Song song với các biện pháp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, ngành Tư pháp sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, lòng yêu ngành, yêu nghề, học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của công chức, viên chức và thực hiện công tác cán bộ ở các đơn vị; động viên, khích lệ, khen thưởng kịp thời, thực chất đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính và pháp luật về công chức, viên chức, tạo sự công bằng và động lực nâng cao chất lượng và bảo đảm cho sự phát triển hài hòa, đồng bộ của đội ngũ công chức, viên chức ngành Tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng NNPQ XHCN hiện nay./.

Hương Giang