Luật tổ chức Quốc hội được Quốc hội khóa X thông qua ngày 25 tháng 12 năm 2001, được Quốc hội khóa XI sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 02 tháng 4 năm 2007. Sau 12 năm thi hành, Luật tổ chức Quốc hội đã có đóng góp quan trọng, làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội trước hết nhằm khắc phục những những hạn chế, bất cập hiện nay, phục vụ việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Theo Tờ trình của Ban soạn thảo dự án Luật do Trưởng ban Phan Trung Lý (Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật) trình bày, về phạm vi trong lần sửa đổi này sẽ tập trung nghiên cứu, điều chỉnh về cơ cấu, bố cục, phạm vi điều chỉnh của Luật; pháp điển hóa các quy định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội để thuận tiện cho Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện các quy định này.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 35/2012/QH13 quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được thực hiện tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (tháng 5/2013), được cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, Hiến pháp mới không quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm. Vậy trong lần sửa đổi này, Luật tổ chức Quốc hội có nên quy định về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm hay không? Ông Lý đặt vấn đề.
Riêng về Đại biểu Quốc hội, theo báo cáo Tổng kết việc thi hành Luật tổ chức Quốc hội năm 2001, việc tăng thêm số lượng đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (Quốc hội khóa XIII có 150 đại biểu chuyên trách (chiếm 30%)) đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, kiện toàn bộ máy của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội. Các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã ngày càng khẳng định rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Để nâng cao hơn nữa trách nhiệm cũng như hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, cần quy định Đại biểu Quốc hội có quyền ngang nhau trong thảo luận và quyết định các nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội mà mình là thành viên. Đồng thời, quy định cụ thể hơn về việc bảo đảm điều kiện làm việc đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) sẽ được trình lần đầu tại kỳ họp thứ 7 vào giữa năm 2014.
B.An