Trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình: Đang "vấp" ngay từ nhận thức...

26/02/2014
Theo thống kê của Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL), Bộ Tư pháp, trong những năm gần đây, số lượng nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ) được TGPL tăng đáng kể, từ khoảng 400 người (năm 2011) lên khoảng 1.200 người (năm 2013). Điều này cho thấy TGPL cho nạn nhân của BLGĐ đã trở thành yêu cầu cấp bách để bảo vệ quyền lợi của cá nhân và sự ổn định của gia đình, xã hội.
 

TGPL chưa "đuổi kịp" nạn nhân BLGĐ

Có một thực tế là trong khi tình trạng BLGĐ ngày càng diễn ra phức tạp, với nhiều hình thức tinh vi thì đối tượng là nạn nhân của BLGĐ được tiếp cận và được TGPL miễn phí còn hạn chế. Theo những người làm công tác TGPL, một trong những nguyên nhân là do quy định diện người TGPL hiện nay còn hẹp, dẫn tới nhiều diện người cần được TGPL, trong đó có các nạn nhân của BLGĐ, không được hưởng chính sách này.

Bên cạnh đó, tuy các cơ quan chức năng, nhất là các Trung tâm TGPL đã có nhiều nỗ lực để thực hiện TGPL cho các nạn nhân BLGĐ song do hệ thống văn bản hướng dẫn cụ thể về TGPL trong phòng, chống BLGĐ, TGPL cho nạn nhân BLGĐ chưa đầy đủ khiến các tổ chức và người thực hiện TGPL tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến BLGĐ và trợ giúp cho nạn nhân BLGĐ thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện. Điều đó có thể thấy ngay tại Khoản 1 Điều 5 Luật Phòng chống BLGĐ và Nghị định số 08/2009/NĐ-CP cũng mới chỉ quy định chung là nạn nhân BLGĐ "có quyền được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật" mà chưa đề cập tới các hình thức TGPL khác như tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng… để giải quyết dứt điểm vụ việc BLGĐ và bảo vệ quyền lợi của nạn nhân.

Trao đổi về những nguyên nhân khiến hoạt động TGPL cho nạn nhân BLGĐ gặp nhiều khó khăn, TS.Nguyễn Thị Minh (Cục trưởng Cục TGPL) chia sẻ, khi nạn nhân BLGĐ chưa phải đối tượng được TGPL thì tổ chức TGPL thực hiện TGPL cho họ sẽ phải tự lo trang trải chi phí, ví dụ như từ cam kết của các nguồn dự án hoặc hỗ trợ từ tổ chức, cá nhân. Thực tế cho thấy, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động TGPL cho nạn nhân BLGĐ vì khi có vụ việc của các nạn nhân BLGĐ, Trung tâm TGPL không phải lúc nào cũng có nguồn tài chính để giúp đỡ pháp lý cho họ vì nguồn hỗ trợ từ các dự án ODA đã chấm dứt, tài trợ từ các đối tác rất hạn hẹp. Ngoài ra, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xử lý vụ việc BLGĐ, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao, cơ sở vật chất bảo đảm an toàn và hỗ trợ cho nạn nhân khi bị BLGĐ cũng là những nguyên chủ yếu khiến hoạt động TGPL cho nạn nhân BLGĐ còn chưa được hiệu quả.

Xóa bỏ tâm lý BLGĐ là "chuyện nhà"

Căn cơ của tình trạng BLGĐ ngày càng tràn lan một phần là do ngoài những nguyên nhân vĩ mô liên quan đến chính sách, thì với tâm lý của người Á Đông không muốn cho người ngoài biết “chuyện nhà”, nhận thức của cộng đồng, nam giới và cả phụ nữ về BLGĐ chưa đầy đủ nên chỉ khi đến “đường cùng”, nạn nhân BLGĐ mới tìm đến tổ chức TGPL nên việc TGPL chưa được kịp thời và khó khăn hơn.

Mới đây, Chương trình hành động quốc gia phòng, chống BLGĐ được ban hành đã đề cập đến trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, thể thao, du lịch và các cơ quan liên quan trong việc "hướng dẫn, thường xuyên kiểm tra đối với tổ chức và hoạt động TGPL cho nạn nhân BLGĐ". Như vậy, một lần nữa vấn đề TGPL cho nạn nhân BLGĐ được đặt ra như một giải pháp quan trọng để bảo đảm cho chiến lược được thực hiện đầy đủ, hiệu quả.

Để "mở đường" cho hoạt động TGPL đến được với các nạn nhân BLGĐ, Cục trưởng Cục TGPL cho rằng, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về BLGĐ và trách nhiệm TGPL cho nạn nhân BLGĐ là cách hiệu quả nhất. Bởi chỉ khi cộng đồng có ý thức về BLGĐ, nạn nhân của BLGĐ mới được hỗ trợ kịp thời, hiệu quả và an toàn. Đồng thời như bà Nguyễn Thị Minh nhận định, "nhận thức về BLGĐ ngày càng đầy đủ, rõ ràng thì những hành vi BLGĐ sẽ giảm và nạn nhân BLGĐ sẽ biết phải lên tiếng, tìm kiếm sự giúp đỡ, trong đó có hoạt động TGPL, để bảo vệ quyền lợi của bản thân và những người liên quan đúng lúc chứ không âm thầm chịu đựng để "giữ thể diện cho gia đình" nữa.

Nhưng từ vấn đề gốc rễ khiến nhiều nạn nhân BLGĐ không là đối tượng được TGPL theo Luật TGPL hiện hành đang không có cơ hội được TGPL, TS.Nguyễn Thị Minh hy vọng, Luật TGPL sẽ sớm được sửa đổi theo hướng "mở rộng đối tượng được TGPL, bao gồm cả nạn nhân BLGĐ"./.

Huy Anh