Giải quyết được những yêu cầu khách quan của đời sống HN&GĐ
Dự thảo Luật quy định, nam, nữ đủ 18 tuổi trở lên thì được kết hôn, sửa đổi quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính được quy định tại khoản 5 Điều 10 Luật HN&GĐ năm 2000 thành quy định “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính” và quy định nguyên tắc giải quyết quan hệ chung sống giữa họ; hậu quả pháp lý và xử lý kết hôn trái pháp luật theo nguyên tắc việc kết hôn trái pháp luật thì bị xử hủy, trừ trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn quy định tại Luật này thì Tòa án công nhận hôn nhân đó là hợp pháp; quyền lợi của phụ nữ và trẻ em được quan tâm bảo vệ.
Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, dự thảo qui định, việc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không làm phát sinh quan hệ hôn nhân, trong trường hợp họ thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được coi là được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn; quyền, nghĩa vụ giữa các bên chung sống như vợ chồng với con; quan hệ tài sản giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng được giải quyết theo thỏa thuận hoặc theo Luật định.
Qui định về ly thân trong dự thảo Luật cho phép vợ chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly thân và qui định nguyên tắc giải quyết thuận tình ly thân và ly thân do một bên yêu cầu; hậu quả của ly thân; căn cứ và hậu quả của chấm dứt việc ly thân; giải quyết yêu cầu ly hôn khi vợ chồng đang ly thân.
Dự thảo Luật bổ sung và quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, trong đó quy định: xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; giải quyết tranh chấp liên quan đến việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Dự thảo Luật cũng bổ sung và qui định về áp dụng tập quán trong HN&GĐ; điều kiện kết hôn; chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, ly hôn, hôn nhân chấm dứt do vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ và con, xác định cha, mẹ, con; quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên khác của gia đình và cấp dưỡng; quan hệ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài; nguyên tắc áp dụng pháp luật cho các quan hệ phát sinh trước ngày Luật HN&GĐ (sửa đổi) có hiệu lực pháp luật và việc Tòa án áp dụng pháp luật HN&GĐ trong việc giải quyết các vụ, việc HN&GĐ...
Làm rõ thêm qui định về ly thân và mang thai hộ
Thẩm tra dự thảo Luật này, UB các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật HN&GĐ để “khắc phục những tồn tại, hạn chế của quy định hiện hành và đáp ứng kịp thời yêu cầu khách quan của thực tiễn đời sống xã hội; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và các nguyên tắc cơ bản về quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình” như tờ trình của Chính phủ.
Tán thành với quy định của dự thảo Luật về độ tuổi kết hôn, Ủy ban cho rằng, đây là tuổi đã trưởng thành, đảm bảo về thể chất, trí tuệ và tâm, sinh lý đối với cả nam và nữ. Quy định này cũng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Luật hôn nhân và gia đình trong hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền công dân và bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới.
Ủy ban nhận thấy, có thể xem xét bổ sung chế định ly thân trong dự thảo Luật với điều kiện chế định ly thân theo luật không ảnh hưởng đến ly thân thực tế mà là tăng thêm sự cân nhắc, lựa chọn cho vợ chồng, do vợ chồng quyết định, không phải là bước để tiến tới ly hôn và Tòa án chỉ giải quyết ly thân khi vợ chồng có yêu cầu… Bên cạnh đó, Ủy ban yêu cầu cơ quan soạn thảo cần làm rõ thêm bản chất của ly thân, căn cứ thực tiễn của việc bổ sung chế định ly thân, cơ sở của các quy định xử lý như nhau trong trường hợp ly thân và ly hôn, thủ tục giải quyết yêu cầu ly thân, tính phù hợp của quy định “khi ly thân chấm dứt thì việc chia tài sản khi ly thân vẫn có hiệu lực”. Đặc biệt là phải làm rõ nội hàm của quy định vợ chồng “có nghĩa vụ sống chung với nhau” để có căn cứ để xác nhận tình trạng ly thân và quy định chế tài nếu không thực hiện nghĩa vụ liên quan.
Ủy ban cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để quy định cụ thể hơn một số vấn đề liên quan đến qui định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để không “tạo điều kiện hợp pháp hóa cho mục đích thương mại hoặc buôn bán trẻ em”…
H.Giang