Sáng qua - 10/12, tại phiên họp thứ 8, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương đã thảo luận và cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị về việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm và Viện Kiểm sát nhân dân khu vực.
Thu gọn đầu mối Tòa án và Viện Kiểm sát
Cơ bản nhất trí với dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị về việc tổ chức TAND sơ thẩm và VKSND khu vực của Ban Chỉ đạo CCTP TƯ, đa số các đại biểu cho rằng, việc thành lập TAND sơ thẩm và VKSND khu vực sẽ “rút gọn đầu mối, tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp”. Nhiều đại biểu cũng đề nghị thúc đẩy tiến trình thực hiện vì “giờ là quá chậm” và tập trung vào các thành phố lớn, các tỉnh khó khăn thì làm dần dần.
Dự kiến, sẽ thành lập 427 TAND sơ thẩm và VKSND khu vực trên cơ sở sáp nhập các TA, VKS cấp huyện, một số địa bàn cấp huyện khó khăn, hạ tầng cơ sở yếu kém sẽ tạm thời duy trì TAND sơ thẩm và VKSND khu vực trên cơ sở TAND và VKSND cấp huyện hiện nay. Khi cơ sở hạ tầng tốt hơn thì tiếp tục thu gọn đầu mối TA. Nhưng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị, “cần tiếp tục giảm số TA, có thể giảm đến hơn 50%”. Theo Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam LS.Lê Thúc Anh, “đây cũng là dịp sàng lọc cán bộ cho 2 ngành này vì “có đưa lên phải có đưa xuống, không thể cứ đưa lên mãi”.
Một trong những vấn đề đáng quan tâm là khi thành lập TA và VKS khu vực là việc đầu tư cơ sở vật chất cho ngành TA và KS đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp. Theo LS.Lê Thúc Anh, hiện nay, việc đầu tư cho TA và VKS là đồng đều, không phải TA có lượng án gấp 20 lần sẽ được đầu tư gấp 20 lần so với các TA cùng cấp khác. Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể nhận thấy, “tinh thần, trách nhiệm của cán bộ ngành TA không còn là vấn đề phải quan tâm mà cần tính lộ trình đầu tư cơ sở vật chất để tạo niềm tin và độ ổn định cho các cơ quan TA và VKS”.
Đảm bảo cho Tòa án độc lập
“Thành lập TAND sơ thẩm và VKSND khu vực quan trọng nhất là đảm bảo cho TA độc lập để thực hiện việc phân công 3 quyền lập, hành, tư pháp và kiểm soát quyền lực trong bộ máy nhà nước đã được đề cập trong các NQ Đại hội Đảng”. Nên để đảm bảo hơn nữa sự độc lập của TA, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cần trả lại quyền bổ nhiệm Thẩm phán các cấp cho Chủ tịch nước, đổi mới bầu hội thẩm nhân dân, không để tái diễn tính hình thức trong việc lựa chọn và bầu như hiện nay khiến hội thẩm nhân dân “mất tính nhân dân, không phải đại diện của người dân”.
Đề xuất ý tưởng chuyển đổi mô hình quản lý hành chính tại TA, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thấy nên thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia do Chủ tịch nước làm Chủ tịch Hội đồng để thực hiện đánh giá, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật các Thẩm phán. Còn Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương quan tâm đến vai trò hoạt động giám sát của HĐND, đoàn thể, nhân dân đối với hoạt động xét xử để đảm bảo tính độc lập của TA, cũng như việc giải quyết ổn thỏa mối quan hệ giữa TAND sơ thẩm và VKSND khu vực với cơ quan Công an (vẫn được tổ chức theo địa bàn hành chính) để hoạt động phối hợp được nhịp nhàng, hiệu quả.
Tòa án gần dân thông qua các thiết chế pháp lý
Yêu cầu đầu tiên khi thực hiện thành lập TAND sơ thẩm và VKSND khu vực là đảm bảo tính gần dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý. Dẫu còn nhiều băn khoăn về “khoảng cách địa lý” giữa TA, VKS khu vực với người dân ở một số địa bàn nhưng đa số thành viên Ban Chỉ đạo tán thành giải pháp tăng cường phương tiện cho cán bộ TA và VKS, thành lập các chi nhánh để tiếp nhận yêu cầu của người dân, xét xử lưu động (để hạn chế cho người dân phải đi lại khi có việc cần giải quyết tại TA) và phải tuyên truyền cho người dân về cách tổ chức, hoạt động của TA, VKS khu vực. Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào khẳng định, “TA làm đúng pháp luật, tăng chất lượng xét xử quan trọng hơn là chỉ “gần dân” mà không đảm bảo chất lượng xét xử”.
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, “tính gần dân không có nghĩa là phải có TA ở địa bàn, mà ở đâu cần thì thành lập TA ở đó để giải quyết các yêu cầu của dân”. Bên cạnh đó, TA phải gắn liền với VKS và THADS nên “ở đâu có TA thì có VKS và THADS” và cần đẩy mạnh hoạt động bổ trợ tư pháp để “tăng cường điều kiện tiếp cận công lý của người dân không phải bằng rút ngắn khoảng cách địa lý mà thông qua các thiết chế pháp luật như luật sư” - người đứng đầu ngành Tư pháp nhấn mạnh…
Trước những ý kiến của đại diện các Bộ, ngành, tổ chức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kết luận, “Sự quan tâm của Đảng với công tác tư pháp ngày càng tăng, cơ sở vật chất, công tác cán bộ cũng đã được đầu tư dù còn hạn chế nên kết quả chưa đạt như mong muốn. Nhìn nhận được vấn đề, cần khẩn trương khắc phục để có kết quả trong nhiệm kỳ này. Một vấn đề gây băn khoăn là kinh phí đầu tư cơ sở vật chất thành lập TAND sơ thẩm và VKSND khu vực. Hiện đại ngay thì khó nên phải tận dụng tối đa trụ sở cũ của các TAND và VKSND để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, trang bị ngay phương tiện thiết yếu cho cán bộ... và hoàn thiện dần dần”./.
Hương Giang