Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012: “Khôi phục sự năng động của nền kinh tế Việt Nam”

04/12/2012
Sáng qua 3/12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức tài chính quốc tế và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Business Forum - VBF) cuối kỳ năm 2012 với chủ đề “Khôi phục sự năng động của nền kinh tế Việt Nam”. Cuộc đối thoại thường niên lớn nhất giữa Chính phủ và doanh nghiệp (đặc biệt là khu vực FDI) này diễn ra bên lề trước thềm của Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG), sẽ khai mạc tuần sau (10/12).

Đồng chủ trì VBF lần này là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới; Giám đốc khu vực Tổ chức tài chính quốc tế, Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tham dự và chỉ đạo Diễn đàn.  Đặc biệt, VBF 2012 này còn có phái đoàn của Myanmar tham dự  để học tập cách thức tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp tại Việt Nam nhằm áp dụng cho quá trình cải cách kinh tế của Myanmar.

Diễn đàn là cơ hội để các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đề xuất những kiến nghị thiết thực, cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời cũng là dịp để các cơ quan Chính phủ thể hiện những động thái tích cực và quyết liệt trong việc đồng hành, tháo gỡ khó khăn nhằm củng cố niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam là đồng Chủ tịch điều phối diễn đàn này. Các đại biểu cho rằng các đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế đưa ra sẽ mạnh mẽ hơn và có tính khả thi cao hơn.

Chủ đề của Diễn đàn năm nay là: “Khôi phục sự năng động của nền kinh tế - Những cải cách cấp thiết” nên các báo cáo đánh giá của các nhóm công tác đưa ra về 5 chủ đề Ngân hàng, thị trường vốn; Đầu tư, thương mại; Cơ sở hạ tầng; Công nghiệp ô tô, xe máy và Du lịch được cho là sát thực với tình hình thực tế và đặc biệt là những giải pháp đưa ra có tính khả thi cao.

VBF 2012 đã đánh dấu bước phát triển mới, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước với sự hình thành của Nhóm công tác mới về công nghiệp ô tô, xe máy bên cạnh 7 Nhóm công tác trong lĩnh vực ngân hàng, thị trường vốn, đầu tư và thương mại, cơ sở hạ tầng, du lịch, giáo dục và khoáng sản với mục đích tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chính sách quan trọng của Chính phủ. 

VBF 2012 hướng tới các nhóm giải pháp cụ thể như giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế thị trường, tạo tính minh bạch, lấy cải cách doanh nghiệp nhà nước là trung tâm của cải cách, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, theo đó, đẩy nhanh cổ phần hóa và đặt doanh nghiệp vào kỷ luật của thị trường. Thêm vào đó là các giải pháp cứu doanh nghiệp trong các vấn đề như: nợ xấu, hàng tồn kho, tiếp cận vốn, giãn giảm tiền thuê đất, thuế… để giúp các doanh nghiệp ứng phó tình trạng khó khăn hiện nay, đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tại VBF lần này, vấn đề ngân hàng và thị trường vốn được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm và dành nhiều thời gian hơn trước đây để thảo luận. Ở các kì VBF trước, thời gian cho đại diện nhóm công tác ngân hàng và thị trường vốn trình bày là 10 phút, thì VBF 2012 dành 1 tiếng đồng hồ để  4 đại diện ngân hàng trình bày báo cáo và đại diện Chính phủ trả lời.

Cũng tại VBF 2012, một trong những vấn đề liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp được các doanh nghiệp quan tâm là những nội dung sửa đổi Luật Luật sư liên quan đến công ty luật nước ngoài, đặc biệt là khái niệm “thực hiện dịch vụ giấy tờ pháp lý”. Đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp tham dự Diễn đàn – Thứ trưởng Lê Hồng Sơn đã phát biểu, giải thích rõ và làm nguôi tan những quan ngại của các các công ty luật nước ngoài. Thứ trưởng đã giới thiệu sơ qua về những nội dung sửa đổi Luật Luật sư liên quan đến tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm các quy định về Điều kiện hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài; Hình thức hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài;  Phạm vi hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài; Công ty luật nước ngoài; Điều kiện hành nghề của luật sư nước ngoài;  Phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài; Cấp, gia hạn Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam cho luật sư nước ngoài cũng như điều khoản về xử lý vi phạm đối với luật sư. Thứ trưởng nhấn mạnh, những sửa đổi nêu trên của Luật Luật sư đều dựa trên cơ sở tôn trọng cam kết WTO của Việt Nam, thậm chí ưu đãi hơn so với cam kết WTO như mở rộng hình thức hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam, đó là công ty luật TNHH dưới hình thức liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Hồng Sơn khẳng định quy định của Luật mới dựa hoàn toàn trên Nghị quyết 71/2006/QH11 về việc Phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới nước CHXHCN Việt Nam, là văn bản áp dụng trực tiếp WTO. Các quy định này đã có hiệu lực từ ngày 29/11/2006 và được thực hiện từ khi Nghị quyết 71/2006/QH11 có hiệu lực mà không gây ra bất kỳ vướng mắc hay phản ứng gì từ cộng đồng quốc tế. Thứ trưởng cũng khẳng định trong quá trình soạn thảo Dự án Luật Luật sư, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tuân  thủ đầy đủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về công khai hóa và lấy ý kiến của các đối tượng bị Dự án Luật điều chỉnh như gửi dự thảo Luật xin ý kiến của một số tổ chức luật sư nước ngoài, tổ chức nhiều cuộc Tọa đàm có sự tham dự của các công ty luật, luật sư nước ngoài, đăng dự thảo Luật Luật sư trên trang thông tin của Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ. Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn cũng thay mặt Bộ Tư pháp khuyến khích và đánh giá cao sự hỗ trợ và tham gia tích cực của các công ty luật nước ngoài trong quá trình xây dựng Luật Luật sư và mong rằng trong thời gian tới, các công ty luật nước ngoài cũng vẫn sẽ  tiếp tục đồng hành với Bộ Tư pháp trong việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật  này.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam là một kênh đối thoại chính sách giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với mục đích xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam .

Tháng 2/2012, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã chính thức chuyển giao vai trò thư ký điều phối VBF cho Liên minh gồm 14 Phòng Thương mại và Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để cộng đồng doanh nghiệp có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong sự phát triển bền vững của Diễn đàn. Liên minh cũng vừa chào đón sự tham gia của Hiệp hội doanh nghiệp Thụy sỹ tại Việt Nam vào tháng 7/2012, nâng tổng số Phòng Thương mại và Hiệp hội Doanh nghiệp tham gia Liên minh lên con số 15.

Liên minh VBF được điều hành bởi Hội đồng quản trị do hai Đồng chủ tịch đứng đầu (gồm đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài). Trong nhiệm kỳ 2012, hai Đồng Chủ tịch của Liên minh là ông Alain Cany, Nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam và ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

Với việc chuyển giao chính thức vai trò thư ký điều phối Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho Liên minh các Hiệp hội và Phòng Thương mại & Công nghiệp trong nước và quốc tế, VBF được kỳ vọng sẽ mang lại những đối thoại thường xuyên hơn, hiệu quả hơn và trực tiếp hơn giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ Việt Nam.

Điểm khác của VBF 2012 với các sự kiện này trước đây là ở chỗ trong khi những năm trước Chính phủ mời cộng đồng doanh nghiệp trong và nước ngoài đến đối thoại, thì lần này cộng đồng doanh nghiệp mời đại diện Chính phủ đến đối thoại.

Diễn đàn Doanh nghiệp 2012 cũng sẽ là lần đầu tiên sau 15 năm tổ chức, vai trò điều phối chính bên phía Việt Nam sẽ được chuyển giao từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư sang cho VCCI. Với thay đổi này, các nhà tổ chức kỳ vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có tiếng nói tích cực hơn tại diễn đàn quan trọng này. Sau khi bế mạc, Báo cáo của VBF sẽ được gửi tới Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG), diễn ra vào ngày 10/12 tới, nơi Việt Nam sẽ có cơ hội tìm kiếm các khoản tài trợ ưu đãi (ODA) cho năm 2013.

Thông tin về Hội nghị Nhóm tư vấn các Nhà tài trợ cho Việt Nam sẽ tiếp tục được cập nhật vào ngày diễn ra sự kiện này (10/12).

Đặng Hoàng Oanh - Vụ  Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp