Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại: Đồng thuận kéo dài thời gian thí điểm

12/11/2012
Giải trình rõ hơn những vấn đề Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm khi thảo luận tại hội trường về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định 3 loại việc mà hiện nay TPL đang thực hiện là “cơ bản phù hợp, nhất là việc Thi hành án”. Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho biết, tất cả mọi hoạt động của TPL đều đã được Chính phủ tính toán rất kỹ lưỡng, cẩn trọng từ trước khi làm thí điểm nên đến nay “chưa phát sinh vấn đề  gì”.

Nên tiếp tục thí điểm

Tuyệt đại đa số các ĐBQH đều đánh giá cao hoạt động của TPL sau thời gian thí điểm. ĐBQH khẳng định việc thí điểm chế định TPL là một chủ trương đúng đắn để từng bước xã hội hóa một số công việc trong hoạt động tư pháp theo chiến lược cải cách tư pháp được Đảng và nhà nước đề ra. Việc Chính phủ triển khai thí điểm TPL dù mới qua thời gian rất ngắn (2 năm) tại thành phố Hồ Chí Minh đã có tác dụng tích cực đối với hoạt động của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) và người dân, nhất là trong việc tống đạt giấy tờ, lập vi bằng nhằm bổ trợ chứng cứ cho các bên đương sự và giúp Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, vì mới hoạt động nên TPL còn nhiều khó khăn như giải trình cũng là dễ hiểu. Tán thành việc kéo dài thời gian thí điểm và mở rộng địa bàn tuy nhiên ĐB Xuyền đề nghị khi sửa đổi Nghị định 61/CP trong thời gian tới cần quy định rõ mối quan hệ giữa TPL với các hoạt động tố tụng theo hướng chặt chẽ hơn, đồng thời rà soát lại các quy định để tránh sự xung đột pháp luật. Đặc biệt, ông Xuyền lưu ý, nên thu hẹp phạm vi lập vi bằng, nếu không TPL sẽ xem nhẹ công việc THA, ảnh hưởng mục tiêu thí điểm.

Đồng tình với ĐB Xuyền, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chế định TPL đã bước đầu khẳng định sự cần thiết và hiệu quả  trên 3 lĩnh vực, trong đó hiệu quả lớn nhất và có ý nghĩa nhất là thông qua lập vi bằng người dân chủ động xác lập chứng cứ, bảo vệ quyền lợi của mình. Từ thực tế hoạt động của TPL, ĐB Học kiến nghị: cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt hơn của bộ ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cần phổ biến sâu rộng hơn nữa trong cán bộ, nhân dân về TPL tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Phân tích hoạt động TPL với tư cách ĐBQH, Luật sư, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (Tp. Hồ Chí Minh) “người dân để đấu tranh thắng kiện đã gian nan, cầm bản án trong tay đi làm việc với THA còn gian nan hơn vì THA TP hiện nay đang quá nhiều việc. Riêng vấn đề thủ tục nhiều người cũng rất lúng túng. TPL chỉ cần giúp cho người dân trong khâu điều tra, xác minh ban đầu trong thi hành án dân sự đã là rất tốt rồi”.  Ủng hộ việc thí điểm nhân rộng ra một số địa phương khác nhưng ĐB cũng cho rằng không nên cào bằng và đồng loạt mà chỉ làm ở những địa bàn quá tải công việc và thực sự có nhu cầu.

Trước đó, thảo luận ở tổ về kết quả hoạt động của TPL, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện thí điểm, trong đó có vấn đề chậm về ban hành thể chế, cũng như tiến hành tổng kết, báo cáo Quốc hội..

Tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và ý kiến ĐBQH, ngày 9/11 Chính phủ đã có báo cáo giải trình gửi đến các vị ĐBQH trong đó nói rõ nguyên nhân, các giải pháp khắc phục trong thời gian tới cũng như nhìn nhận về trách nhiệm trong vấn đề này. Báo cáo được ĐBQH đánh giá thẳng thắn, cầu thị. ĐBQH cũng chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện do những yếu tố thuộc về nguyên nhân khách quan khi chế định này còn quá mới.

Cưỡng chế phải có cả quá trình

Bảy tỏ sự nhất trí cao về tiếp tục thực hiện thí điểm tại TP. HCM và mở rộng địa bàn tuy nhiên một số ĐBQH cũng băn khoăn về phạm vi TPL được làm, nhất là những việc liên quan đến cưỡng chế THA, vì hiện nay bản thân cơ quan THADS với đủ bộ máy thực hiện cũng còn nhiều khó khăn. Làm rõ hơn vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, hạn chế của việc TPL chưa thi hành nhiều vụ về THA không phải do TPL không làm được mà chính khó khăn là phân biệt giữa TPL với tư cách là công lại được nhà nước bổ nhiệm để hoạt động trong một văn phòng theo tính tự chủ với cơ quan THA và hạn chế về mặt cưỡng chế THA. Nghị định 61 của Chính phủ quy định nếu TPL thấy cần thiết phải cưỡng chế THA có sử dụng lực lượng thì phải có đề án, có kế hoạch và báo cáo với Cục trưởng Cục Thi hành án của Thành phố Hồ Chí Minh. Cục trưởng quyết định cho cưỡng chế thì mới được cưỡng chế. “Đây là cả một quá trình Cục Thi hành án phối hợp với công an, phối hợp với địa phương, v.v., và có việc phải báo cáo cả Ban chỉ đạo THA thành phố.  Cho nên, cũng rất thận trọng”. Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước băn khoăn của ĐB Nguyễn Sơn về ngân sách, chi phí giữa Tòa án với TPL, Bộ trưởng cho biết, hiện đã có cả một thông tư liên tịch về chi phí tống đạt do ngân sách Nhà nước chi trả. Các vấn đề mà ĐB nêu trong thông tư đã quy định rõ, kể cả số tiền, vấn đề thanh quyết toán như thế nào... Và trên thực tế quá trình thực hiện, chưa có vấn đề gì xảy ra trong việc thanh toán chí phí dịch vụ cho TPL, kể cả từ cơ quan tòa án cũng như cơ quan THA.

Theo chương trình, Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL sẽ được thông qua vào ngày 23/11 tới

Thu Hằng

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Qua ý kiến tập hợp tại tổ và ý kiến tại hội trường đa số ĐBQH đều đồng ý với việc cho tiếp tục thực hiện thí điểm Thừa phát lại ở Thành phố Hồ Chí Minh và có thể mở rộng thêm một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác chứ không phải tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về thời gian thực hiện thí điểm đồng ý đến 2015, nhưng đến 2014 thì Chính phủ phải có tổng kết đầy đủ, sau đó có báo cáo lại Quốc hội đầu năm 2015 để Quốc hội xem xét có nên làm việc này không, hay chấm dứt, hay để sửa đổi luật, hay cho tiếp tục làm. Rút kinh nghiệm của lần vừa rồi đến 1/7/2012 nhưng việc tổng kết chưa được xem xét một cách kỹ lưỡng, cho nên đến bây giờ có tình trạng nhiều văn phòng Thừa phát lại đang làm việc mà cho đến bây giờ hết hiệu lực rồi. Đây là một hậu quả pháp lý cần phải xử lý. Đề nghị Ủy ban Tư pháp phối hợp với Bộ Tư pháp, các cơ quan hữu quan rà soát lại các nội dung trong dự thảo nghị định để trình Quốc hội xem xét thông qua trong phiên tới đây.