Trong những năm qua, HĐND và UBND TP.Hà Nội đã ban hành một số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công tác điều hành, quản lý nhà nước trong thời kỳ mới, nhất là trong điều kiện Hà Nội được mở rộng về địa giới hành chính. Nhưng vẫn còn một số văn bản chưa thật phù hợp với đời sống kinh tế xã hội, thiếu tính khả thi và bị người dân phàn nàn, các cơ quan chức năng nhắc nhở. Đây là một số nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Thực trạng xây dựng ban hành VBQPPL của HĐND, UBND trên địa bàn TP.Hà Nội” do Sở Tư pháp Hà Nội vừa tổ chức.
Có thể kể đến Quyết định số 102/2007/QĐ-UBND ngày 19/9/2007 của UBND TP quy định về việc trông, giữ, quản lý tang vật, phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ trên địa bàn TP.Hà Nội. Theo văn bản này, UBND TP quy định tất cả phương tiện vi phạm trật tự ATGT bị tạm giữ đều phải đưa về các điểm trong giữ xe của Công ty Khai thác điểm đỗ thuộc Tổng công ty vận tải Hà Nội. Tuy nhiên, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông mỗi ngày trên địa bàn TP vô cùng lớn, trong đó số vụ vi phạm trật tự ATGT và lượng xe bị tạm giữ không hề nhỏ, thì rõ ràng những điểm tạm giữ xe theo quy định của Quyết định số 102 là không đủ. Từ đó, rất nhiều xe của người dân bị tạm giữ phải gửi ở các bãi tư nhân, không phải là bãi giữ xe của Công ty Khai thác điểm đỗ, gây thiệt hại cho người dân.
Lý giải về nguyên nhân tình trạng này, một số chuyên gia cho rằng, việc tiến hành đánh giá, tổng kết hoặc khảo sát trên thực tế theo chuyên đề quản lý trước khi soạn thảo và ban hành VBQPPL đôi khi còn chưa được chú trọng hoặc có thực hiện nhưng nội dung còn sơ sài chưa bao quát được hết những tồn tại trên thực tế. Ngoài ra, việc lấy ý kiến vào dự thảo VBQPPL chưa có sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân như Mặt trận Tổ quốc, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, các đoàn thể quần chúng khác…
Khắc phục tình trạng trên, tham gia Hội thảo “Thực trạng xây dựng ban hành VBQPPL của HĐND, UBND trên địa bàn TP.Hà Nội”, nhiều đại biểu cho rằng, phía cơ quan tham mưu xây dựng VBQPPL cần tham khảo ý kiến của các cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan, các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực điều chỉnh của văn bản và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của VBQPPL. Trong đó, cần coi sự đóng góp ý kiến của người dân là một công đoạn quan trọng bằng cách tạo ra một địa chỉ chuyên thu thập ý kiến đóng góp của nhân dân về nội dung văn bản nhằm đảm bảo tính khả thi sau khi được ban hành.
Căn cứ quy định của Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004 về việc dự thảo Nghị quyết của HĐND, các quyết định, chỉ thị của UBND tỉnh, TP đều phải được Sở Tư pháp thẩm định, ThS.Trần Thị Vượng (Đại học Luật Hà Nội) nhấn mạnh: “Sở Tư pháp cần có chính kiến của mình nếu thấy các quy định trong văn bản không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Thậm chí có thể yêu cầu cơ quan soạn thảo giải trình các điều kiện để đảm bảo tính khả thi cho các văn bản sau khi được ban hành. Mặt khác, Sở Tư pháp cũng cần sử dụng quyền từ chối thẩm định trong trường hợp hồ sơ không đủ theo quy định hoặc không đảm bảo thời gian thẩm định. Về phía cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL, theo bà Vượng, HĐND và UBND TP.Hà Nội cũng cần “phát huy”trách nhiệm từ chối không thông qua văn bản khi chưa có ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp để nhanh chóng chấm dứt tình trạng cơ quan soạn thảo “trốn” thẩm định.
Cẩm Vân