Quốc hội thảo luận về dự án Luật hòa giải ở cơ sở: Cần có chính sách khi hòa giải viên gặp nguy hiểm

06/11/2012
Quốc hội thảo luận về dự án Luật hòa giải ở cơ sở: Cần có chính sách khi hòa giải viên gặp nguy hiểm
Lần đầu tiên được trình ra Quốc hội, dự án Luật Hòa giải ở cơ sở (HGCS) với nhiều nội dung quan trọng đã thu hút sự quan tâm của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận tại tổ hôm qua (5/11).

Với những kết quả sau 13 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động HGCS,  ĐBQH tán thành sự cần thiết ban hành Luật nhằm tăng cường cơ sở pháp lý để tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở hiệu quả hơn.

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đánh giá vai trò công tác hòa giải rất quan trọng trong cộng đồng dân cư, “là bước cản của các mâu thuẫn” nhưng ông vẫn tỏ rõ sự băn khoăn với những quy định về phạm vi hòa giải. “Mức độ vi phạm pháp luật như thế nào thì được hòa giải, nếu không rõ thì rất khó phân biệt”

ĐB Đặng Ngọc Nghĩa – Thừa Thiên Huế cũng đề cao vai trò của HGCS trong đời sống, nhất là khi chuyển sang cơ chế thị trường, người ta không còn trân trọng tình lãng nghĩa xóm như trước đây nên mâu thuẫn, đặc biệt mâu thuẫn đất đai xảy ra rất nhiều. “Tôi đồng tình với phạm vi của dự luật nhưng cần làm rõ như thế nào là “mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân”. Đây cũng là ý kiến của nhiều ĐBQH.

Bầu để ‘danh chính ngôn thuận”

Dự thảo luật trình Quốc hội đưa ra 2 phương án: thứ nhất, quy định theo hướng tổ chức họp đại diện các gia đình ở cơ sở để bầu hòa giải viên (biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín). Thứ hai, quy định theo hướng không bầu hòa giải viên mà chỉ lựa chọn, giới thiệu và công nhận hòa giải viên.

ĐB Nông Thị Lâm (Lạng Sơn) tán thành với phương án thứ nhất là bầu hòa giải viên “thông qua việc bầu sẽ phát huy quyền dân chủ của dân, dân tín nhiệm ai mới bầu người đó. Mặt khác, người được dân bầu cũng sẽ có trách nhiệm cao hơn trong thực hiện nhiệm vụ của mình”. Ủng hộ phương án bầu hòa giải viên nhưng nhiều ĐBQH cũng đề nghị làm rõ hơn, đặc biệt vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn hòa giải viên, ví dụ như thế nào là “có hiểu biết pháp luật và khả năng thuyết phục”…

Tuy nhiên, quá trình thảo luận cũng có ý kiến cho rằng, không nên hành chính hóa hoạt động hòa giải, mà việc bầu hòa giải viên là một ví dụ. Các ý kiến này cho rằng theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc bầu hòa giải viên không thuộc những nội dung cần nhân dân bàn, biểu quyết. Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, việc bầu hòa giải viên còn mang tính hình thức. Do đó, nên giao cho Trưởng ban công tác mặt trận phối hợp để lựa chọn, giới thiệu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định.

Cần có kinh phí cho hòa giải hoạt động

Có một thực tế được nhiều ĐBQH thừa nhận là với tính chất tự nguyện, hòa giải viên hiện nay đang là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Mặc dù pháp luật có quy định nhưng thực tế việc chi thù lao cho hòa giải viên nơi có nơi không, mức độ nhiều ít cũng khác nhau. Đối với các tỉnh khó khăn, ngân sách TW hỗ trợ thì hầu như những hỗ trợ thiết yếu nhất cho công tác HGCS cũng “bỏ trắng”.

ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) chia sẻ “người làm hòa giải vất vả lắm, đến 1 ấm trà uống nhiều khi cũng không có”. ĐB Sinh dẫn chứng có những vụ hòa giải phải tiến hành … dưới gốc tre vì không có 1 địa điểm tối thiểu cho họ hoạt động. Kinh phí cho hòa giải hiện đã được tính theo vụ việc, nhưng số tiền rất ít, lại phụ thuộc kinh phí từng địa phương. “Quy định như dự thảo chưa đáp ứng yêu cầu, phải làm sao có khoản kinh phí cho hòa giải hoạt động, số tiền này thực ra không lớn nhưng hiệu quả cao”, ĐB Sinh trăn trở.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng không nên quy định phụ cấp hàng tháng cho hòa giải viên, nếu không thì “biên chế mềm” sẽ phình ra quá lớn. Nhưng theo ĐB Hùng nên có chế độ bồi dưỡng, trợ cấp cho hòa giải viên khi có sự cố gây tổn hại sức khỏe, thậm chí tính mạng…

Nhiều ĐB cũng tỏ ra lo lắng khi trên thực tế nhiều vụ hòa giải viên đi làm gặp rất nhiều nguy hiểm nhưng họ không hề được hưởng bất cứ chế độ, chính sách gì. Mặc dù đây là hoạt động hoàn toàn mang tính tự nguyện song hòa giải viên phải là những người nhiệt huyết, xông pha, không ngại khó ngại khổ mới làm được. ĐB đề nghị cần có một điều khoản quy định về vấn đề này.

Bình An