Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Luật sư (sửa đổi): Không cho viên chức hành nghề LS là lãng phí

24/10/2012
Hôm qua, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Luật sư (LS) sửa đổi. Mặc dù dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ tư này, song dự thảo Luật LS sửa đổi vẫn nhận được nhiều ý kiến khác nhau của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Khách hàng tự nguyện, sao cấm LS nhận?

Theo quy định mới tại Dự thảo, có 10 nhóm hành vi nghiêm cấm LS thực hiện, trong đó có cấm “Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý”. UBTVQHi cho rằng, để bảo đảm phù hợp với tôn chỉ, mục đích, chức năng xã hội và quy tắc đạo đức nghề nghiệp của LS cũng như bảo đảm tính vô tư, khách quan trong quá trình tham gia tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý, tránh việc LS lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi bất chính, thì cấm như trên là cần thiết.

Tuy nhiên, theo ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) thì cần phân biệt rõ giữa nhận và đòi hỏi. Cấm đòi hỏi thì nên nhưng cấm nhận là “không hợp lý, không khả thi, không phù hợp”. ĐB Nghĩa cho rằng “khi đạt nguyện vọng, khách hàng tự nguyện cho LS một khoản tiền hoặc vật chất nào đó thì tại sao lại cấm LS nhận” và đề nghị “bỏ quy định cấm nhận”.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng đồng tình “khi ký hợp đồng, cả LS và khách hàng đều chưa hình dung hết tính phức tạp của vụ việc, kết quả ra sao…nhưng khi LS hoàn thành tốt công việc, khách hàng tự nguyện đưa thì LS có quyền nhận”.

Có nên cho viên chức làm LS?

Đây là vấn đề nhận được nhiều ý kiến trái chiều của ĐBQH. Trong khi nhiều ý kiến đề nghị cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được làm LS nhưng chỉ tư vấn mà không tranh tụng thì UBTVQH lại rất thận trọng vì nếu như vậy “sẽ hình thành hai loại LS: LS tư vấn và LS tranh tụng. Điều này không phù hợp với quy định hiện hành và định hướng phát triển nghề LS”.

ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) không đồng tình với quan điểm của UBTVQH: “Số lượng LS của ta đang thiếu, chất lượng không đồng đều trong khi giảng viên là người có trình độ cao, không cho hành nghề là lãng phí”. ĐB Hùng nhấn mạnh “việc ngăn cản này là không tạo điều kiện gắn lý luận và thực tiễn, ảnh hưởng đến công tác đào tạo LS. Khi cho phép giảng viên hành nghề nên quy định chỉ được làm việc hợp đồng với  tổ chức hành nghề LS mà không tham gia thành lập”.

Nhất trí với quan điểm của ĐB Hùng, ĐB Đinh Xuân Thảo, Chu Sơn Hà (Hà Nội) lần lượt “bẻ” từng lý do mà UBTVQH đưa ra, đồng thời đưa ra các lập luận thuyết phục để cho rằng không cho viên chức giảng dạy pháp luật hành nghề LS là “lãng phí nguồn nhân lực cao”. ĐB Đinh Xuân Thảo còn “phê” giải trình của UBTVQH chưa thuyết phục.

Từng lâu năm trên cương vị là người đứng đầu ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (ĐBQH tỉnh Bắc Giang) “thiết tha đề nghị Quốc hội xem xét cho phép giảng viên giảng dạy pháp luật được hành nghề LS”, gắn “học đi đôi với hành”. Phó Thủ tướng dẫn chứng hiện giảng viên ĐH Bách khoa cũng làm tư vấn cho doanh nghiệp, các giảng viên giữ cương vị Trưởng khoa, Phó khoa cũng vẫn khám chữa bệnh, vừa làm thầy giáo, vừa làm bác sỹ không có gì là khó khăn. “Cho hành nghề LS nhưng nếu giảng viên không hoàn thành công việc giảng dạy thì Hiệu trưởng có quyền đình chỉ”, Phó Thủ tướng nói và gợi ý thêm “nên có quy định nếu cho giảng viên hành nghề LS thì cần có quy định về thời gian giảng dạy, chẳng hạn phải có 5 năm giảng dạy mới được làm LS”.

Nhưng, tại phiên thảo luận, vẫn có nhiều ý kiến ủng hộ phương án không cho viên chức làm LS.

Phải có chế tài nếu trì hoãn cấp giấy chứng nhận bào chữa

Theo dự thảo Luật, khi tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người bào chữa, LS được cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận người bào chữa. Quá trình thảo luận có ý kiến ĐBQH cho rằng nên bỏ quy định này

Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng: theo quy định của pháp luật tố tụng, thủ tục cấp Giấy chứng nhận người bào chữa nhằm tạo cơ sở pháp lý xác nhận việc tham gia tố tụng của LS, đồng thời, Giấy chứng nhận người bào chữa là căn cứ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của LS khi tham gia tố tụng. Hơn nữa, thực tiễn cho thấy, những vướng mắc về việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho LS hiện nay chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện mà không vướng mắc về pháp luật.

ĐB Giàng Thị Bình (Lào Cai), Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc)... đồng tình vẫn nên giữ quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa trong tố tụng hình sự như quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên, các ĐB đề nghị trường hợp bị từ chối thì phải nêu rõ lý do. Đồng thời phải có chế tài đối với việc trì hoãn, gây khó khăn, nhũng nhiễu trong việc cấp giấy chứng nhận bào chữa.

Thu Hằng (nội chính)

Đào tạo nghề: 12 tháng là phù hợp.

Thay vì đào tạo nghề như quy định hiện hành (6 tháng) dự thảo Luật nâng thời gian đào tạo nghề LS lên 12 tháng nhằm “từng bước bảo đảm mặt bằng chung giữa luật sư với các chức danh tư pháp, cân đối với chương trình đào tạo nghề của các chức danh tư pháp như thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên”. Quy định này theo UBTVQH nhân được “nhiều ý kiến tán thành”.