Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục đại học và dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

28/05/2012
Thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sáng ngày 25/5, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục quan tâm đến vấn đề giao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH trong điều kiện các cơ sở GDĐH “không đồng đều về quy mô và chất lượng”. Buổi chiều cùng ngày, các ĐBQH thảo luận cũng đã về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Dự thảo Luật Giáo dục đại học: Không tự chủ “tràn lan” theo cơ chế “xin - cho”

Cùng quan điểm với nhiều ĐBQH cho rằng “quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là điều kiện tiên quyết để cơ sở GDĐH thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của mình”, ĐBQH Huỳnh Thành Đạt (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị ủng hộ việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDĐH vì khi các cơ sở GDĐH thực hiện quyền tự chủ sẽ có “xã hội” và “pháp luật” đánh giá, “xử lý” nếu hoạt động kém chất lượng hay vi phạm pháp luật.

Các ĐBQH lưu ý, việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH phải dựa trên cơ sở của điều kiện năng lực, kết quả kiểm định chất lượng của từng trường để khuyến khích các trường nâng cao khả năng cạnh tranh nhưng ĐBQH vẫn lo lắng về những hiệu quả thiếu tích cực nếu “thực hiện đồng bộ quyền tự chủ, tự chiu trách nhiệm.

ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) khẳng định, “việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDĐH không thể thực hiện một cách đồng loạt và cào bằngcác trường có đặc điểm lịch sử cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên... khác nhau, không đồng đều về quy mô cũng như chất lượng”. Bên cạnh đó, giao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH phải dựa trên cơ sở phân tầng và có lộ trình thích hợp.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, việc phân tầng các cơ sở GDĐH đã triển khai ở mức độ nhất định với việc thành lập hai trường Đại học quốc gia, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và những trường đại học 2 cấp, đa ngành, đa lĩnh vực có nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao; quyết định danh mục có 18 trường đại học trọng điểm với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các ngành mũi nhọn và phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền...

Song với thực trạng của GDĐH hiện nay, nếu tất cả các trường đều được giao quyền tự chủ ngay có thể sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát, làm ảnh hưởng chất lượng GDĐH. Một “khúc mắc” khi thảo luận dự thảo Luật này là không ít điều trong số 27 điều quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của dự thảo Luật chưa thể hiện hoặc thể hiện rất ít sự giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH hoặc ít nhiều mang tính xin - cho” khiến nhiều ĐBQH còn băn khoăn.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) bày tỏ “điều rất quan trọng là phải tạo ra mặt bằng của sự công bằng và hạn chế xin - cho trên tất cả các loại hình mà chúng ta đang cố gắng phân tầng”. Vì vậy, các ĐBQH tán thành quy định việc thu hồi quyền tự chủ đối với các cơ sở GDĐH không còn đủ năng lực hoặc có hành vi vi phạm là cần thiết.

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi): Không để doanh nghiệp “trốn” quỹ công đoàn

Người lao động (NLĐ) cần một tổ chức công đoàn mạnh để đại diện và bảo vệ quyền lợi, nhất là khi đình công và giải quyết xung đột trong mối quan hệ với người sử dụng lao động (NSDLĐ). Song thực tế, “đang diễn ra tình trạng Luật một bên và đình công một bên”. Do vậy, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị cần quy định cơ chế và trình tự thủ tục cho tổ chức công đoàn thực hiện có hiệu quả vai trò của tổ chức đại diện cho NLĐ, bảo vệ quyền lợi NLĐ và điều đình với NSDLĐ khi có đình công. ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nhận thấy, dự thảo chưa có chế tài bảo đảm hoạt động của công đoàn nên khó tránh khỏi hình thức trong hoạt động, ảnh hưởng đến tính khả thi của Luật.

Nguồn thu 2% cho quỹ công đoàn vốn “chưa tìm được tiếng nói chung” khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng “tiếp tục phải thu”, còn doanh nghiệp tìm mọi cách để “trốn” thì đến nay càng khó giải quyết khi tranh cãi về nguồn trích lập quỹ công đoàn. Qua tiếp xúc cử tri, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) nhận thấy, doanh nghiệp “phản ứng” với nguồn quỹ này vì cho rằng, cách thu như hiện nay là được “cấp trùng 2 lần, vừa qua ngân sách nhà nước, vừa do doanh nghiệp đóng góp”. Hơn nữa, nếu phải trích 2% “tổng quỹ lương thực trả cho NLĐ” thì doanh nghiệp không “kham nổi” khi “thực tế, lương chính thành phụ, lương phụ thành chính”.

Thậm chí, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) lo ngại, nếu tính như vậy thì “các doanh nghiệp vốn không “mặn mà” với quy định về trích 2% quỹ lương để lập quỹ công đoàn, thậm chí có doanh nghiệp đã “không thành lập tổ chức công đoàn để... “trốn” 2% này” sẽ càng khiến tổ chức công đoàn khó có “đất sống” trong khu vực doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ”.

Nhưng ĐB Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) cho rằng, nếu chỉ trích trên tổng quỹ lương bảo hiểm xã hội thì “không thể hiện hết trách nhiệm của doanh nghiệp” nên như một số ĐBQH khác, ĐB Hòa đề nghị, phải trích 2% tổng quỹ lương thực trả cho NLĐ của doanh nghiệp để lập quỹ công đoàn. ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cũng cho rằng, nếu chỉ tính trên tổng quỹ lương bảo hiểm xã hội thì “thực sự không đủ cho công đoàn hoạt động, mà thực tế là hoạt động vì quyền lợi của NLĐ và NSDLĐ trong mối quan hệ lao động”.

Các ĐBQH cũng quan tâm đến việc có cho người nước ngoài tham gia tổ chức công đoàn, các cơ chế đảm bảo tính minh bạch của nguồn quỹ công đoàn, hiệu quả hoạt động thực tế của tổ chức công đoàn...

Hương Giang